Trong tập phát sóng lần này, hai khách mời là MC Ngọc Thụy và đầu bếp Vũ Văn Sơn cùng nhau khám phá vẻ đẹp nguyên sơ và văn hóa bản địa tại Pù Luông. Một hành trình không chỉ đơn thuần là trải nghiệm mà còn là cơ hội để kết nối với thiên nhiên, con người và những giá trị truyền thống đang được gìn giữ từng ngày.
Pù Luông: Tìm lại bình yên giữa thiên nhiên hùng vĩ
Chỉ cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 130km về phía Tây Bắc, Pù Luông tựa bức tranh thủy mặc, họa nên từ sắc xanh bất tận của núi rừng mây trắng. Pù Luông nằm trải dài qua 2 huyện Quan Hóa và Bá Thước của tỉnh Thanh Hóa, nơi đây được mệnh danh là “thiên đường xanh” bởi khí hậu mát mẻ quanh năm và cảnh sắc hiền hòa. Giữa những dải ruộng bậc thang như dải lụa ôm trọn sườn núi, bản làng người Mường, người Thái hiện ra mờ ảo sau rặng tre. Đỉnh Pù Luông sừng sững giữa tầng mây bảng lảng, như canh giữ cho sự bình yên. Cảnh sắc ấy không khiến ta thốt lên, mà khiến ta muốn lặng im – để cảm, để yêu, để nhớ.
Chợ phiên Phố Đoàn – Linh hồn văn hóa vùng cao
Một điểm dừng chân không thể bỏ lỡ trong hành trình đến với Pù Luông chính là chợ phiên Phố Đoàn – nơi lưu giữ trọn vẹn nét văn hóa giao thương đặc sắc của đồng bào vùng cao. Ở vùng núi, chợ phiên không chỉ đơn thuần là nơi mua bán, mà là nơi giao lưu, gặp gỡ và kết nối cộng đồng – nơi những câu chuyện đời thường được sẻ chia bên gùi nông sản, tấm thổ cẩm hay chiếc cuốc rèn tay. Không khí rộn ràng, tiếng cười nói vang vọng giữa sắc màu váy áo dân tộc tạo nên một bức tranh sống động khó quên. Chợ thường họp vào sáng Chủ nhật và thứ Năm hằng tuần. Người dân mang theo đủ đầy sản vật núi rừng – từ rau củ, đồ rèn đến những tấm vải dệt tỉ mỉ. Du khách thì chẳng thể bỏ lỡ cơ hội lưu giữ khoảnh khắc văn hóa bằng những khung hình đậm bản sắc, hay đơn giản là ngồi xuống thưởng thức một bát bánh răng bừa nóng hổi giữa tiết trời se lạnh của Pù Luông.
Chợ Phố Đoàn nhộn nhịp vào những ngày chợ phiên
Những người giữ rừng thầm lặng
Không chỉ đẹp, Pù Luông còn được mệnh danh là lá phổi xanh phía Tây xứ Thanh – một khu bảo tồn thiên nhiên rộng gần 17.000ha với hệ sinh thái đa dạng bậc nhất. Nơi đây không chỉ có nhiệm vụ giữ gìn cảnh quan mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, bảo vệ nguồn nước đầu nguồn sông Mã. Giữa đại ngàn xanh thẳm ấy, có những con người ngày đêm âm thầm tuần tra. Họ không chỉ bảo vệ từng gốc cây, từng loài động vật quý hiếm mà còn góp phần giữ gìn sự hoang sơ vốn có của Pù Luông, gìn giữ một di sản tự nhiên cho thế hệ mai sau.
Thác Hiêu – Dấu chân đầu nguồn giữa đại ngàn Pù Luông
Pù Luông lưu giữ những câu chuyện xưa, kết nối quá khứ và hiện tại bằng hồn núi rừng. Tương truyền rằng xưa kia có chàng trai bản Leo vượt núi rừng tìm vợ. Trên đường đi, chàng nghỉ bên dòng suối hiền hòa, say mê cảnh sắc hoang sơ nên cùng vợ quay lại lập nghiệp, dựng nhà bên suối. Ngày về nhà mới, đàn hươu rừng bất ngờ kéo đến uống nước, thấy đó là nhân duyên, cha vợ liền đặt tên là suối Hươu. Về sau, người tụ về sinh sống ngày một đông, hình thành bản Hươu, rồi được gọi chệch thành bản Hiêu hay thác Hiêu như ngày nay.
Nghề thổ cẩm – Hồn cốt dân tộc trên từng sợi vải
Nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống ở bản làng
Với hơn nửa đời người gắn bó với khung cửi, cô Hà Thị Lý không chỉ là một nghệ nhân dệt mà còn là người lưu giữ truyền thống dệt thổ cẩm của bản làng. Cô bảo “ngay từ thuở lên năm, mỗi cô gái Thái đã được bà, được mẹ chỉ cho từng mũi dệt, từng cách se sợi, phối màu”. Những hoa văn rực rỡ trên tấm vải không chỉ đẹp – chúng là ký ức, là câu chuyện của núi rừng, là tâm hồn của cả cộng đồng được gửi gắm bằng đôi tay và trái tim.
“Hành trình kết nối xanh” tại Pù Luông là chuyến đi đưa bạn băng qua những thửa ruộng bậc thang uốn lượn vòng theo triền núi, men theo nhịp sống chậm rãi nơi bản làng người Mường, người Thái. Đó không chỉ là hành trình đi giữa thiên nhiên, mà là trở về với giá trị nguyên bản – nơi văn hóa, con người và rừng núi cùng hòa nhịp trong bản giao hưởng của đại ngàn.
Ngọc Lan