Ô nhiễm kéo dài, giải pháp chưa triệt để
Tại Hà Nội, nhiều con sông, kênh rạch như: sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Kim Ngưu, hay kênh mương nội đô đều trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Hình ảnh những dòng sông đen kịt, bốc mùi hôi thối đã trở nên quá quen thuộc với người dân Thủ đô. Sông Tô Lịch, sông Nhuệ, hay thậm chí một số đoạn của sông Hồng, đều đang oằn mình gánh chịu sức ép từ nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và rác thải. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, mỗi ngày khu vực Hà Nội có khoảng 350.000 - 400.000m3 nước thải sinh hoạt và hơn 1.000m3 rác thải, trong đó chỉ có 10% được xử lý, số còn lại đều đổ thẳng vào các ao hồ, sông ngòi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm sông ngòi tại Hà Nội rất phức tạp, không chỉ xuất phát từ ý thức của người dân mà còn liên quan đến nhiều yếu tố khác. Việc xả rác bừa bãi, xả thải trực tiếp ra sông ngòi của một bộ phận người dân chắc chắn là một trong những nguyên nhân chính. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò của hệ thống hạ tầng xử lý nước thải còn thiếu và yếu. Nhiều khu dân cư, làng nghề, cơ sở sản xuất vẫn chưa được kết nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung, hoặc hệ thống hiện có đã quá tải, không đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, công tác quản lý, giám sát và xử lý vi phạm về môi trường cũng chưa đủ mạnh, tạo kẽ hở cho các hành vi xả thải trái phép.
Câu chuyện xử lý ô nhiễm nước sông Pheo bảo đảm cho Lễ hội bơi Đăm là ví dụ điển hình cho sự hiệu quả từ phối hợp liên ngành, liên địa phương khi xử lý ô nhiễm sông ngòi. Ảnh: Nguyễn Quý
Nhằm cải thiện chất lượng nước, Hà Nội đã triển khai nhiều dự án đáng chú ý trong những năm gần đây. Một trong số đó là dự án bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch, với mục tiêu làm loãng lượng nước thải và tăng khả năng tự làm sạch của dòng sông. TP cũng đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải hiện đại, điển hình là Nhà máy Yên Sở với công suất 270.000 m³/ngày đêm, phục vụ xử lý nước thải cho các con sông như: Sét và Kim Ngưu. Những nỗ lực này bước đầu mang lại tín hiệu tích cực, giúp giảm thiểu mùi hôi và cải thiện phần nào chất lượng nước tại một số khu vực. Ngoài ra, lãnh đạo TP còn yêu cầu bổ sung nhiều giải pháp thiết thực tại đề án "Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét".
Tuy nhiên, các giải pháp hiện tại vẫn chưa đủ sức tạo ra bước ngoặt. Một trong những thách thức lớn nhất là sự thiếu đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và các địa phương liên quan. Các dự án thường được triển khai riêng lẻ, thiếu một chiến lược tổng thể, dẫn đến hiệu quả không bền vững. Chẳng hạn, việc bổ cập nước cho sông Tô Lịch sẽ không thể duy trì lâu dài nếu nguồn nước ô nhiễm từ thượng nguồn vẫn tiếp tục đổ về. Theo ý kiến của các chuyên gia môi trường, các giải pháp cải tạo hiện nay mới chỉ tập trung vào việc xử lý phần ngọn, tức là làm sạch dòng chảy, mà chưa giải quyết triệt để nguồn thải đổ vào sông. Nếu không có cơ chế quản lý đồng bộ giữa các đơn vị cấp nước, xử lý nước thải và chính quyền địa phương, tình trạng ô nhiễm sẽ khó được cải thiện lâu dài.
Cùng chung tay sẽ thấy ngay hiệu quả
Một trong những nguyên nhân khiến việc xử lý ô nhiễm sông ngòi tại Hà Nội gặp nhiều khó khăn, là do sự chồng chéo trong quản lý. Hiện nay, các con sông trên địa bàn TP chịu sự điều phối của nhiều đơn vị khác nhau: Sở Nông nghiệp và Môi trường quản lý chất lượng nước, Sở Xây dựng chịu trách nhiệm hệ thống thoát nước, trong khi UBND các quận, huyện lại thực thi công tác giám sát môi trường. Điều này dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”, khi các đơn vị không có cơ chế phối hợp chặt chẽ trong xử lý vi phạm hoặc triển khai các dự án cải tạo. Các chuyên gia nhận định, TP có nhiều kế hoạch để làm sạch sông ngòi, nhưng chưa có một cơ chế thống nhất để thực hiện. Ví dụ, việc xử lý nước thải sinh hoạt liên quan đến cả ngành môi trường, ngành cấp thoát nước và chính quyền địa phương, nhưng lại thiếu một cơ chế liên ngành để phối hợp chặt chẽ. Hệ quả là nhiều dự án chậm tiến độ hoặc không đạt hiệu quả như mong muốn. Không chỉ riêng Hà Nội, tình trạng ô nhiễm sông ngòi còn là vấn đề liên quan đến các địa phương lân cận. Đơn cử như sông Nhuệ và sông Đáy, hai con sông quan trọng chảy qua nhiều tỉnh thành như: Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình. Nhiều năm qua, nước thải công nghiệp từ các khu công nghiệp ở thượng nguồn đổ xuống, làm cho tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các địa phương để cùng xử lý nguồn ô nhiễm này.
Các chuyên gia nhận định, để giải quyết triệt để ô nhiễm sông ngòi, Hà Nội cần một chiến lược dài hạn với sự vào cuộc của nhiều bên. Trước tiên, cần hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải công nghiệp và sinh hoạt. Các DN, khu công nghiệp phải được yêu cầu có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường. Bên cạnh đó, TP cần có cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả, với một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chung trong quản lý và cải tạo hệ thống sông ngòi. Việc xây dựng hệ thống giám sát chất lượng nước bằng công nghệ hiện đại cũng là giải pháp quan trọng, giúp phát hiện và xử lý vi phạm kịp thời. Ngoài ra, vai trò của người dân trong bảo vệ môi trường cũng rất quan trọng. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến khích người dân không vứt rác thải, nước thải bừa bãi vào sông, kênh rạch sẽ góp phần giảm tải ô nhiễm.
Xin được kết thúc bài viết bằng một câu chuyện vừa xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội. Đó là vào những ngày cuối tháng 3/2025, người dân và chính quyền phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm như “ngồi trên đống lửa” bởi Lễ hội bơi Đăm – một trong những lễ hội lớn nhất của địa phương đang cận kề nhưng nơi diễn ra hội thi bơi là sông Pheo lại đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Sau vài buổi tập, các thanh niên trai tráng bị nước sông ô nhiễm làm mẩn ngứa khắp người, việc tập bơi buộc phải hoãn lại. Nỗi lo về việc sông Pheo ô nhiễm ảnh hưởng đến lễ hội chưa bao giờ gần đến thế. Trước tình hình đó, UBND phường Tây Tựu đã phải có văn bản gửi UBND quận Bắc Từ Liêm đề nghị hỗ trợ; đồng thời, đích thân lãnh đạo phường chia nhau ra đến các địa phương lân cận và các DN, nhà máy dọc sông Pheo đề nghị phối hợp với mục tiêu tìm ra phương án tối ưu, hạn chế tối đa ô nhiễm nguồn nước sông Pheo, đảm bảo Lễ hội bơi Đăm được diễn ra an toàn, đúng kế hoạch. Chính nhờ sự hỗ trợ và phối hợp của các địa phương lân cận mà trong những ngày gần đây, dòng nước sông Pheo đã dần trong trở lại, việc tập luyện chuẩn bị cho Lễ hội bơi Đăm đã diễn ra thuận lợi. Đây chính là một ví dụ mới nhất về câu chuyện điển hình nhất cho thấy hiệu quả trong công tác phối hợp xử lý ô nhiễm sông ngòi.
Trích dẫn
Trích dẫn 1
GS.TS Trần Đức Hạ - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước Việt Nam cho biết, đặc điểm thoát nước của TP Hà Nội là hệ thống thoát nước chung, do đó đối tượng xả thải dọc 4 sông (Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét) không thể thu gom vào hệ thống chung đang chiếm tới 12% tổng lưu lượng nước thải. Vì vậy, cần phải tạo dòng chảy cho các dòng sông này bằng cách bổ sung nước sạch, đưa chúng về đúng chức năng thoát nước mưa. Trong khi đó, GS.TS Dương Thanh Lượng - nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Thủy lợi lại cho rằng, các dòng sông phải có dòng chảy tối thiểu đạt 0,3m3/s mới cho phép xả thải vào, nhưng hiện 4 dòng sông của Hà Nội (Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét) đều không đạt tốc độ này. Nếu có dòng chảy, sông sẽ có cơ chế tự làm sạch tự nhiên, không làm ô nhiễm cho lưu vực sông.
Nguyễn Quý