Từ bóng tối vươn tới ánh sáng
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình khó khăn ở phường Cửa Bắc, thành phố Nam Định, Vũ Thị Hải Anh có số phận không được may mắn. Bị khiếm thị bẩm sinh do di chứng chất độc da cam từ người cha, Hải Anh phải đối mặt với muôn vàn thử thách ngay từ thuở nhỏ. Nhưng nghịch cảnh không khiến cô gục ngã, mà ngược lại, trở thành nguồn sức mạnh để cô phấn đấu vươn lên.
Trong căn nhà nhỏ nơi bố mẹ già yếu và người anh trai bệnh tật luôn cần sự chăm sóc, Hải Anh vẫn kiên cường theo đuổi con đường học vấn. Để rồi, bằng ý chí quyết tâm, năm 2023, Hải Anh xuất sắc giành vị trí thủ khoa đầu vào Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Cô gái khiếm thị này liên tiếp giành nhiều giải thưởng giá trị như: Giải Đặc biệt trong “Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 48 năm 2019”, “Giải Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô năm 2019”, “Tuyên dương học sinh giỏi tiêu biểu của Thủ đô năm học 2019-2020”, giải thưởng “Thanh niên Sống đẹp năm 2024” của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam... Mới đây, Hải Anh vinh dự được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2024.
Sinh viên Vũ Thị Hải Anh.
Hằng ngày, Hải Anh đến trường cùng chiếc gậy dò đường. Cô vẫn kiên trì theo đuổi con đường học vấn, bất chấp muôn vàn khó khăn, thách thức. Trên giảng đường, các giảng viên phần lớn sử dụng bản trình chiếu (slide) làm phương tiện giảng dạy chính nhưng đó lại là thứ cô không thể nhìn thấy được. Không chấp nhận bị bỏ lại phía sau, cô tìm ra phương pháp học tập cho riêng mình.
Hải Anh chia sẻ: “Tôi luôn chọn vị trí bàn đầu để lắng nghe rõ nhất lời giảng, ghi âm lại các phần quan trọng để về nhà nghe lại, nghiền ngẫm từng chi tiết. Những phần chưa hiểu, tôi sẽ nhắn tin để trao đổi với thầy cô và bạn bè, chủ động xin tài liệu học tập để không bỏ lỡ bất kỳ kiến thức nào”.
Dù khó khăn là vậy, ngoài giờ học, Hải Anh vẫn tự nuôi sống mình bằng các công việc làm thêm. Công việc chính của cô là bấm huyệt trị liệu cho những người gặp vấn đề sức khỏe và gỡ băng ghi âm cho các trung tâm nghiên cứu. Thời gian gần đây, Hải Anh còn thử sức với công việc dẫn chương trình nhờ vào giọng nói truyền cảm và rõ ràng của mình.
Vũ Thị Hải Anh (thứ tư, từ trái sang) rạng rỡ nhận Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2024.
Hiện nay, Hải Anh là Phó chủ nhiệm Mạng lưới Sinh viên Khiếm thị Việt Nam. Cô không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình mà còn đóng vai trò như một người truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các bạn trẻ trong cộng đồng người khuyết tật. Với tinh thần lạc quan và ý chí kiên định, Hải Anh luôn tìm cách chia sẻ những trải nghiệm cá nhân trên hành trình tự lập, vượt khó để khích lệ những người có cùng hoàn cảnh. “Cách duy nhất mà người khuyết tật có thể làm là phải thay đổi chính mình, phải nâng cao nhận thức, kỹ năng của mình để thích ứng với sự phát triển của xã hội. Tôi tin rằng sự thay đổi từ bên trong sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn hơn và lâu dài hơn cho cộng đồng”, Hải Anh chia sẻ.
Dù bận rộn với công việc và học tập, Hải Anh luôn tìm cách cân bằng cuộc sống bằng phương pháp quản lý thời gian khoa học. Là người khiếm thị, cô hiểu rằng việc hoàn thành một số công việc có thể đòi hỏi nhiều thời gian hơn so với người bình thường. Vì vậy, cô luôn dành thời gian để lập kế hoạch cụ thể. Cô cho biết: “Tôi thường vẽ cho mình một bản đồ thời gian biểu chi tiết theo từng ngày, từng tuần, từng tháng. Việc này giúp tôi không bao giờ trễ hẹn và luôn làm chủ thời gian của mình”. Bên cạnh đó, Hải Anh cũng thường tìm đến những thú vui khác như chạy bộ, đọc sách, chơi đàn thập lục... để dành thời gian chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất.
Hành trình của Hải Anh là minh chứng sống động cho chân lý: “Không có giới hạn nào không thể vượt qua nếu ta biết cố gắng và tin vào chính mình”. Từ bóng tối của đôi mắt, cô đã soi sáng cho cuộc đời mình và biết bao người khác bằng ý chí và lòng nhân ái.
“Chuyển đổi số phải là của mọi người”
Mang trong mình hoài bão lớn về một xã hội số không rào cản, Hải Anh đã dành nhiều thời gian của mình để theo đuổi sáng kiến “Hành chính công trực tuyến cho người khuyết tật” do Hội Người mù Việt Nam phối hợp với với Quỹ Abilis Phần Lan tài trợ tổ chức. Ý tưởng này bắt nguồn từ những trải nghiệm thực tế của bản thân và cộng đồng. Khi Chính phủ đẩy mạnh chuyển đổi số, nhiều người khuyết tật vẫn đang loay hoay với các thao tác cơ bản trên cổng dịch vụ công. Không ít người phải nhờ người thân, bạn bè hỗ trợ để thực hiện các thủ tục hành chính đơn giản.
Ban đầu, ý tưởng của Hải Anh vấp phải nhiều hoài nghi từ các cơ quan quản lý: Làm sao để một sinh viên khiếm thị có thể triển khai dự án về công nghệ? Câu hỏi ấy đã theo cô suốt những ngày đầu gõ cửa các cơ quan, tổ chức xin tài trợ. Thế nhưng, bằng sự kiên trì và tầm nhìn rõ ràng về mục tiêu, Hải Anh đã dần thuyết phục được những người xung quanh về tính khả thi của dự án.
Hải Anh cho biết: “Chúng tôi quyết tâm thực hiện sáng kiến vì nhận thấy trong bối cảnh xã hội phát triển, chính phủ số và hành chính số đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của toàn hệ thống chính trị. Tuy nhiên, quá trình cải cách này vẫn chưa chú trọng đầy đủ đến những khó khăn của cộng đồng người khuyết tật”.
Vũ Thị Hải Anh (thứ ba, từ trái sang) trong Hội thảo “Góc nhìn người khuyết tật và chuyển đổi số trong lĩnh vực hành chính công trực tuyến”. Ảnh do nhân vật cung cấp
Sáng kiến của Hải Anh không chỉ dừng lại ở những buổi tập huấn đơn thuần. Cô và cộng sự đã xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện, bao gồm bộ tài liệu hướng dẫn đa phương tiện phù hợp với từng dạng khuyết tật. Đặc biệt, việc tích hợp công nghệ hỗ trợ như phần mềm đọc màn hình, hướng dẫn bằng giọng nói và ngôn ngữ ký hiệu đã giúp người khuyết tật dễ dàng tiếp cận thông tin hơn.
Thành công của sáng kiến được minh chứng qua những con số ấn tượng: Hai lớp tập huấn với hơn 70 học viên tại Hà Nội, hơn 300 bài dự thi trong cuộc thi “Hành chính công trực tuyến: Tầm nhìn của tương lai”. Nhưng quan trọng hơn cả là những thay đổi trong nhận thức và hành vi. Nhiều người khuyết tật đã có thể tự mình thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến, từ đăng ký căn cước công dân đến thủ tục kinh doanh.
Trong khuôn khổ của sáng kiến, Hội Người mù Việt Nam phối hợp với Quỹ Abilis Phần Lan cũng tài trợ tổ chức Hội thảo “Góc nhìn người khuyết tật và chuyển đổi số trong lĩnh vực hành chính công trực tuyến” thu hút hơn 300 đại biểu từ các cơ quan nhà nước, tổ chức quốc tế, trở thành cầu nối quan trọng đưa tiếng nói của cộng đồng người khuyết tật đến với các nhà hoạch định chính sách. Những đề xuất và góp ý từ hội thảo đã và đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét để hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Câu chuyện của Hải Anh không chỉ là về công nghệ hay chuyển đổi số. Đó còn là minh chứng cho sức mạnh của quyết tâm và niềm tin vào khả năng vượt qua giới hạn của bản thân. Trong hành trình kiến tạo một xã hội số không rào cản, Hải Anh đã cho thấy, định kiến và hoài nghi có thể bị phá vỡ bởi những hành động thiết thực và kiên trì.
Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2024 là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp của Hải Anh. “Tôi cảm thấy vô cùng tự hào và biết ơn vì những gì bản thân đã làm trong năm qua thông qua các dự án và chương trình tập huấn đã được đánh giá cao và ghi nhận trong cộng đồng”, Hải Anh bày tỏ.
Vượt lên trên tất cả, thành công của Hải Anh đã góp phần thay đổi cách nhìn của xã hội về người khuyết tật. Không còn là những người cần được giúp đỡ, họ hoàn toàn có thể là những người tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số, những người dẫn đường cho một tương lai công nghệ bình đẳng và toàn diện hơn.
MINH HỒNG