Hành trình mở cánh cửa tới thị trường 1,9 tỉ người

Hành trình mở cánh cửa tới thị trường 1,9 tỉ người
2 ngày trướcBài gốc
Hội thảo quốc tế “Triển vọng phát triển du lịch gắn với Halal trên địa bàn thành phố Hà Nội”
Đây không chỉ là một hội thảo mang tính chuyên đề, mà còn là bước khởi đầu cho một chiến lược dài hơi nhằm đưa Việt Nam gia nhập bản đồ du lịch Halal toàn cầu.
Halal - Không chỉ là thực phẩm, mà là phong cách sống toàn diện
Halal - trong tiếng Ả Rập nghĩa là “hợp pháp” hay “được phép” vốn được biết đến chủ yếu trong lĩnh vực thực phẩm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, Halal đã phát triển thành một hệ tiêu chuẩn toàn diện, bao trùm cả hành vi, dịch vụ và trải nghiệm sống.
Trong du lịch, Halal không đơn thuần là suất ăn không có thịt lợn hay rượu, mà bao gồm cả nơi lưu trú, giờ giấc sinh hoạt, dịch vụ cầu nguyện, phong cách phục vụ, thậm chí cả thái độ tôn trọng tín ngưỡng.
Đây chính là điều mà ông Shovgi Kamal Oglu Mehdizade, Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam nhấn mạnh: “Halal không chỉ là thực phẩm, mà còn là tiêu chuẩn sống, gắn với hành vi, niềm tin, và sự an toàn. Nhiều nước không phải Hồi giáo cũng tìm đến tiêu chuẩn này như một cam kết về chất lượng”.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội
Kinh nghiệm thế giới: Du lịch Halal là thị trường ngách, nhưng có sức bật lớn
Malaysia là quốc gia tiêu biểu trong phát triển du lịch Halal. Với hệ thống cơ sở hạ tầng thân thiện, chương trình đào tạo bài bản và chiến lược quảng bá mạnh mẽ, nước này đã trở thành điểm đến hàng đầu của du khách Hồi giáo suốt nhiều năm liền theo xếp hạng của CrescentRating.
Năm 2023, Malaysia thu hút gần 5 triệu lượt khách Hồi giáo, phần lớn đến từ Trung Đông, Nam Á và Đông Phi.
Tương tự, Thái Lan - một quốc gia không có đông đảo dân Hồi giáo cũng nắm bắt xu thế rất nhanh. Nước này hiện có hơn 1.000 nhà hàng được chứng nhận Halal, hàng trăm khách sạn cung cấp phòng cầu nguyện và thực đơn riêng.
Đồng thời, Thái Lan còn tổ chức nhiều sự kiện Halal Expo để tiếp cận thị trường Trung Đông. Các thành phố như: Bangkok, Phuket và Chiang Mai giờ đây đã trở thành điểm đến quen thuộc với du khách từ UAE, Indonesia và Ấn Độ.
Ngay cả Nhật Bản, quốc gia vốn không quen thuộc với văn hóa Hồi giáo cũng đã đầu tư lớn để chuẩn hóa Halal tại các sân bay, nhà hàng, điểm du lịch nổi tiếng, đặc biệt là sau Thế vận hội Tokyo 2020.
Điểm chung của các quốc gia này là họ không xem Halal như một xu hướng nhất thời, mà là chiến lược tiếp cận một cộng đồng có khả năng chi tiêu cao, trung thành, và đang tăng trưởng mạnh.
Ông Shovgi Kamal Oglu Mehdizade, Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam
Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng khởi đầu còn dè dặt
Việt Nam hiện mới ở vạch xuất phát trong phát triển du lịch Halal. Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước chỉ có khoảng hơn 100 nhà hàng và 20 khách sạn đạt chuẩn Halal.
Con số này rất nhỏ so với nhu cầu thực tế của 1,9 tỉ người Hồi giáo trên toàn cầu. Dù nhiều địa phương có tiềm năng lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang nhưng dịch vụ Halal vẫn còn thiếu tính hệ thống.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông, quảng bá chưa đúng mức, đặc biệt là thiếu nhân lực hiểu biết sâu về văn hóa, tín ngưỡng Hồi giáo.
TS. Trịnh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội nhấn mạnh: “Du lịch Halal đang nổi lên như một xu hướng toàn cầu, đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng của ngành du lịch thế giới. Dự báo đến năm 2030, thị trường này có thể đạt giá trị gần 350 tỉ USD”.
Theo bà Thu Hà, dù Hà Nội có nền tảng văn hóa, ẩm thực phong phú, nhưng việc thiếu dịch vụ đạt chuẩn Halal đang là rào cản lớn trong việc thu hút dòng khách đặc biệt này.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đã thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này trong Hội thảo: “Việc khai thác thị trường Halal không chỉ là đón đầu xu thế toàn cầu, mà còn là một chiến lược tăng trưởng bền vững, giúp Hà Nội mở rộng cánh cửa ra thế giới Hồi giáo”.
Đây cũng là lý do sự kiện vừa qua được đánh giá là bước ngoặt chiến lược. Việc thành lập Trung tâm Đào tạo Halal - đơn vị giáo dục nghề đầu tiên tại Việt Nam đào tạo theo chuẩn quốc gia TCVN 14230:2024 về du lịch thân thiện với người Hồi giáo là minh chứng cho tầm nhìn dài hạn.
Tại đây, các khóa học chuyên sâu từ nghiệp vụ lễ tân, hướng dẫn viên, đầu bếp đến quản lý khách sạn sẽ được xây dựng trên nền tảng hiểu biết sâu sắc về văn hóa Hồi giáo, giúp học viên không chỉ phục vụ tốt, mà còn lan tỏa được sự tôn trọng và thân thiện văn minh.
TS. Trịnh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội
CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội: Đơn vị tiên phong tạo dựng hệ sinh thái
Trong số các đối tác ký kết hợp tác chiến lược với Trường, sự hiện diện của CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội (HUTC) đặc biệt đáng chú ý.
Với kinh nghiệm kết nối các doanh nghiệp lữ hành và xúc tiến thị trường quốc tế, HUTC có vai trò tiên phong trong xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đạt chuẩn Halal. Chủ tịch HUTC Trương Quốc Hùng và Phó Chủ tịch Phạm Tiến Dũng đều nhấn mạnh đến mục tiêu tạo nên “hệ sinh thái du lịch Halal toàn diện”, từ dịch vụ mặt đất, nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan đến truyền thông và marketing.
Sự tham gia của Turkish Airlines Inc, một trong những hãng hàng không mạnh nhất tại Trung Đông và Grand Pioneers Hạ Long Bay Cruise, đơn vị khai thác du thuyền cao cấp cũng cho thấy định hướng tiếp cận phân khúc khách cao cấp từ UAE, Qatar, Kuwait hay thậm chí cả Bắc Phi.
Lễ ký kết biên bản hợp tác chiến lược giữa Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội với nhiều đối tác trong và ngoài nước như: Turkish Airlines Inc, Grand Pioneers Hạ Long Bay Cruise, Công ty Quản lý G7 Taxi, và Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội
Cần giải pháp mang tính chiến lược
Để Việt Nam trở thành điểm đến Halal hấp dẫn, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp sau: Chuẩn hóa và chứng nhận Halal trên quy mô quốc gia qua việc đẩy mạnh phổ biến TCVN 14230:2024 tới các doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn; đồng thời có cơ chế chứng nhận Halal uy tín do các tổ chức độc lập đảm nhiệm, phối hợp chặt với Trung tâm Halal Việt Nam.
Phát triển nguồn nhân lực chuyên biệt với việc thiết lập chương trình đào tạo Halal tại các trường cao đẳng, đại học về du lịch, không chỉ ở Hà Nội mà mở rộng tới các vùng trọng điểm du lịch như: Huế, Hội An, TP.HCM, Phú Quốc.
Xây dựng chiến dịch quảng bá hình ảnh Halal Việt Nam qua tổ chức các đoàn famtrip đón blogger, nhà báo và doanh nghiệp lữ hành Hồi giáo đến khảo sát Việt Nam; tham gia các hội chợ Halal quốc tế như: MIHAS (Malaysia), Halal Expo Dubai…
Thành lập “Halal Friendly Zones” tại các đô thị lớn, nơi tập trung các nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm phục vụ du khách Hồi giáo như: Khu vực phố cổ Hà Nội, Bến Thành (TP.HCM), ven biển Đà Nẵng - Hội An.
Tăng cường ngoại giao du lịch với các nước Hồi giáo. Ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) về phát triển du lịch Halal giữa Việt Nam với các nước như: Indonesia, Malaysia, UAE, Oman… thông qua các Đại sứ quán và tổ chức Hồi giáo quốc tế.
Với quy mô hơn 1,9 tỉ người và chi tiêu du lịch dự kiến đạt 350 tỉ USD vào năm 2030, du lịch Halal không chỉ là một thị trường tiềm năng mà là một phần không thể thiếu trong chiến lược quốc gia về phát triển du lịch bền vững.
Việc Hà Nội tiên phong xây dựng hệ sinh thái Halal là một tín hiệu tích cực. Nhưng để tận dụng được cơ hội này, Việt Nam cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và dài hạn từ cả chính quyền, doanh nghiệp, nhà trường và cộng đồng.
Bởi vì, trong một thế giới ngày càng phân hóa và đa dạng văn hóa, những ai biết cách tôn trọng và thấu hiểu sự khác biệt sẽ là người chiến thắng trong cuộc đua phát triển du lịch tương lai.
ANH ĐÀO; ảnh: HỒNG HẠNH
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/du-lich/hanh-trinh-mo-canh-cua-toi-thi-truong-19-ti-nguoi-128146.html