Ông David Nguyễn với lá cờ Tổ quốc đã được lấy chữ ký và đánh dấu tại quần đảo Trường Sa. (Ảnh NVCC)
Những ngày này, đồng bào đang sống không khí phấn khởi, chan chứa niềm vui và niềm tự hào hướng về sự kiện trọng đại của cả nước. Còn cảm xúc của riêng ông?
Phải nói rằng ngay từ khi còn sinh sống ở Việt Nam rồi sang Pháp du học vào năm 1970, bản thân tôi vốn là người rất ghét chiến tranh. Đó cũng là lý do sau khi chuyển sang Mỹ vào năm 1972, tôi đã tham gia các hoạt động phản chiến với một tâm nguyện luôn giữ trong lòng “chiến tranh phải kết thúc”.
Bởi vậy, khi nghe tin miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất vào ngày 30/4/1975 lịch sử, lòng tôi rất vui mừng vì chiến tranh đã chính thức chấm dứt, không còn cảnh đau thương và mất mát nữa.
Đến nay, 50 năm đã qua đi, mỗi lần về nước, tôi vẫn bồi hồi như lần đầu tiên được trở lại quê hương. Là người từng sống qua thời chiến, tôi không thể nghĩ có ngày mình sẽ được thấy một Việt Nam phát triển đầy hiện đại, năng động và đầy sức sống như ngày nay.
Trước đây, ở Mỹ, mỗi lần nói tới Việt Nam, người ta thường chỉ biết quốc gia ấy đang có chiến tranh và không có gì ngoài chiến tranh.
Tôi rất hãnh hiện vì chúng ta đã chứng minh cho thế giới thấy Việt Nam đang là đất nước thanh bình với hơn 100 triệu dân. Không có gì quý hơn khi một đất nước, một dân tộc từng chia cắt, từng đổ máu nhưng đã đứng dậy từ đống đổ nát để phát triển mạnh mẽ, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.
Đã hai lần có cơ hội được đi thăm Trường Sa, trở lại với quân dân huyện đảo trên chuyến tàu Đại đoàn kết năm nay, chắc hẳn ông gửi gắm những hy vọng cho hành trình mới?
Nhớ lại khoảng thời gian trước chuyến đi Trường Sa lần đầu vào năm 2014, có những người ở Mỹ đã nói với tôi rằng “biển đảo Việt Nam được bán đi rồi”. Khi đến đó tôi mới nhận ra biển đảo vẫn thuộc chủ quyền Việt Nam – một sự hiện diện có thể xóa tan lập luận xuyên tạc của lực lượng thù địch.
Năm 2022, lần thứ hai ra thăm Trường Sa, tôi đã khoác trên mình lá cờ đỏ sao vàng và cảm thấy rất hạnh phúc. Điều vui mừng hơn là tôi đã nhìn thấy sự thay đổi ngày càng tích cực và cuộc sống mới của các chiến sĩ và nhân dân huyện đảo.
Năm nay, chuyến tàu Đại đoàn kết một cái tên rất ý nghĩa để kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất. Tôi hy vọng hành trình này không chỉ mang theo tình cảm, vật chất từ đất liền đến với những người lính đảo, mà còn mang tinh thần kết nối giữa kiều bào và đất mẹ.
Đại đoàn kết là điều dân tộc mình đã gìn giữ suốt bao đời và trong bối cảnh Biển Đông còn nhiều thách thức, sự đoàn kết ấy lại càng cần thiết. Tôi mong những người Việt trong và ngoài nước, dù đang ở đâu, cũng có thể hướng về Trường Sa bằng một tình cảm thật sự không chỉ bằng khẩu hiệu.
Với hành trình năm nay, một lần nữa tôi là chứng nhân cho chủ quyền của đất nước, cùng bà con kiều bào đem những tin tức chân thực nhất về biển đảo Việt Nam đến khắp thế giới.
Kết thúc hải trình năm 2022, ông đã làm một thước phim có tên là “Người kể chuyện Trường Sa”. Với hành trình lần này, ông có dự định gì?
Năm nay, tôi dự định làm một thước phim với theo chủ đề “50 năm nhìn qua đất nước”. Tôi muốn cho thế giới biết từ những hình ảnh đau thương trong chiến tranh đến nay Việt Nam đã phát triển ra sao. Thành tựu này nhờ có Đảng, Chính phủ và người dân cùng chung tay góp sức.
Suốt 50 năm qua, tôi đã chứng kiến hành trình bền bỉ ấy nên cảm nhận được rõ, không thể nói dối hoặc không trung thực. Tại Mỹ, tôi rất tự hào khi nhiều mặt hàng Việt Nam được người bản xứ sử dụng.
Tôi mong muốn qua những thước phim chân thực của mình, những người chưa bao giờ được về Việt Nam sẽ thấy đất nước đã vươn mình ra sao, cuộc sống yên bình và tươi đẹp như thế nào.
Ông David Nguyễn cùng đoàn kiều bào thăm Trường Sa năm 2022. (Ảnh NVCC)
Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Bản thân từng đặt lòng yêu nước không đúng chỗ, phải tự điều chỉnh và thấu hiểu, ông suy nghĩ gì về chính sách hòa hợp và đại đoàn kết dân tộc hiện nay?
Tôi đã nhiều lần nhận ra sai lầm của bản thân trong quá khứ, khi từng có những suy nghĩ chống lại Nhà nước Việt Nam. Khi ấy, tôi tiếp nhận những thông tin thiếu trung thực, phiến diện và chưa thực sự hiểu rõ đất nước mình.
Tôi từng cho rằng Việt Nam không có tự do, không văn minh, không có chủ quyền thực sự. Nhưng sự thật về đất nước trong những năm qua đã giúp tôi thay đổi hoàn toàn góc nhìn.
Là một người Việt xa xứ đã đi qua hành trình chuyển biến về nhận thức và lòng yêu nước, tôi càng thấm thía hơn bao giờ hết tác hại ghê gớm của những hoạt động thù địch, xuyên tạc.
Có thể thấy, những chính sách hòa hợp dân tộc, đại đoàn kết thời gian qua là những hành động cụ thể, đầy nhân văn, từ việc tạo điều kiện cho kiều bào về thăm quê, đầu tư, làm ăn; đến tổ chức các chuyến đi Trường Sa cho người Việt ở nước ngoài; lắng nghe, đối thoại với cộng đồng kiều bào. Điều đáng quý là dù từng ở đâu, từng nghĩ gì, khi quay về với đất nước, chúng tôi vẫn được chào đón.
Hiện nay, tôi đã là công dân mang quốc tịch Việt Nam, được chứng kiến đất nước ngày càng phát triển, Đảng và Nhà nước đã nỗ lực mang lại sự ổn định, bình yên cho xã hội. Không ai có thể không yêu Việt Nam hôm nay - một đất nước của khát vọng, đổi mới và những bước tiến không ngừng.
Gần đây, đất nước có những quyết sách quyết liệt nhằm đổi mới, đột phá trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ông có thể chia sẻ những kỳ vọng của mình về tương lai của đất nước?
Theo tôi, các quốc gia hàng đầu như Mỹ muốn phát triển bền vững và giữ vững vị thế đều phải dựa trên nền tảng luật pháp nghiêm minh và phép tắc rõ ràng. Việt Nam không nằm ngoài quy luật đó. Để vươn mình mạnh mẽ trong thời đại mới, đất nước cần những quyết sách táo bạo và dứt khoát. Không có con đường nào tốt hơn cho sự phát triển bền vững ngoài việc đổi mới sáng tạo.
Kỷ nguyên hiện nay đánh dấu bước chuyển mình đầy khát vọng của dân tộc sau 50 năm xây dựng và trưởng thành. Muốn phát triển đúng hướng, Việt Nam cần mạnh dạn đột phá, cải cách những điều cũ kỹ, chấn chỉnh những bất cập và khai mở những tiềm năng mới để đưa đất nước đi lên một tầm cao mới.
Tôi thấy vui và tự hào khi ngày càng có nhiều quốc gia lớn hướng sự quan tâm về Việt Nam, đặt đất nước vào danh sách đối tác tiềm năng trong kỷ nguyên mới. Nếu thế hệ hôm nay biết nuôi dưỡng tài năng, phát triển trí tuệ và cống hiến cho đất nước, thì Việt Nam hoàn toàn có thể ghi tên mình một cách xứng đáng trên bản đồ thế giới.
Cá nhân tôi luôn mong Việt Nam không chỉ thành công trên thương trường, mà còn vững vàng trên chính trường, đạt được những mục tiêu chiến lược mà Đảng đã đặt ra. Những quyết sách gần đây cho thấy đất nước đang sẵn sàng cất cánh, bước vào sân chơi toàn cầu một cách chủ động. Điều đó làm tôi rất kỳ vọng.
Cuối cùng, tự nhận mình là một chứng nhân - đi qua chiến tranh và hòa bình, nhìn Tổ quốc từ hai phía (trong và ngoài nước), tôi hiểu rằng để đi đến sự thật, người ta không thể chỉ nhìn một chiều, mà tự mình tranh đấu với định kiến, vượt qua hoài nghi, để thấy rõ những thay đổi hiện hữu từng ngày trên quê hương.
TRỌNG VŨ (thực hiện)
TRỌNG VŨ