Hành trình phi thường của Lucy - biểu tượng tiến hóa của loài người - Kỳ cuối

Hành trình phi thường của Lucy - biểu tượng tiến hóa của loài người - Kỳ cuối
2 giờ trướcBài gốc
MỘT LOÀI NGƯỜI CHƯA TỪNG ĐƯỢC BIẾT
Những phần xương hóa thạch của Lucy. Ảnh: Getty Images
47 mảnh vỡ được tìm thấy có niên đại 3,2 triệu năm và tạo thành một hóa thạch hoàn chỉnh đến mức cho phép mọi người lần đầu tiên tưởng tượng ra tổ tiên xa xôi của mình như thế nào. Vì vậy, Lucy đã thay đổi mãi mãi lĩnh vực cổ nhân chủng học.
Một trong những người được giao nhiệm vụ làm sáng tỏ những câu hỏi về hóa thạch Lucy là Tim White, một nhà cổ nhân chủng học cũng đến từ Mỹ. Ông đã nghiên cứu hóa thạch này từ cách đây 50 năm. Hiện ông đã 74 tuổi và sống tại Burgos, Tây Ban Nha, với tư cách là một nhà khoa học có liên kết với Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Tiến hóa của Con người.
"Những hóa thạch này đại diện cho quá trình tiến hóa của chúng ta. Dòng dõi của Lucy đã dẫn đến chi Homo (Người), chi của loài chúng ta (Homo sapien – Người tinh khôn)”, White giải thích. Bộ xương đó đã giúp ghép lại các mảnh ghép của một câu đố tiến hóa, mà cho đến lúc đó, vẫn còn hỗn loạn, đầy rẫy những đầu mối lỏng lẻo.
Thông tin mà Lucy cung cấp rất nhiều: cô cao 1m2, cô mất ở tuổi 11 hoặc 12 (chìa khóa để xác định điều này là một chiếc răng khôn bị mòn), tư thế và khả năng di chuyển của cô là đi bằng hai chân, cô có bộ não nhỏ và xương chậu giống với xương chậu của con người.
Sau nhiều năm nghiên cứu, vào năm 1978, Donald Johanson (nhà khảo cổ phát hiện ra Lucy) và Tim White không còn nghi ngờ nữa mà là chắc chắn: họ tuyên bố rằng Lucy và các hóa thạch khác mà họ tìm thấy sau đó đều đến từ một chi của tông Người chưa từng được biết đến trước đây. Họ gọi đây là Australopithecus afarensis (viết tắt là A. afarensis). Đây là loài đã tuyệt chủng của chi Australopithecus (chi vượn người phương Nam) - một chi của hominin (tông Người) đầu tiên tồn tại ở châu Phi trong thời kỳ Pliocene và đầu kỷ Pleistocene. Các chi Homo (bao gồm cả người hiện đại), Paranthropus và Kenyanthropus đã tiến hóa từ một số loài Australopithecus.
Mô phỏng hình ảnh Lucy. Ảnh: science.org
Giống như nhiều nhà cổ nhân chủng học khác trên thế giới, Juan Luis Arsuaga, giám đốc khoa học của Bảo tàng Tiến hóa của loài người (Burgos), cũng đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để nghiên cứu những gì đến từ Lucy. “Cô ấy là thứ còn thiếu để liên kết con người với loài khỉ, một dạng sống trung gian. Một mắt xích còn thiếu,” ông nói, nhưng nhanh chóng sửa lại: “Tôi sẽ không sử dụng thuật ngữ ‘mắt xích còn thiếu’ trong lớp học vì đó là một ý tưởng lỗi thời, nhưng nó hữu ích để giải thích ý nghĩa của Lucy đối với khoa học”.
Một số chuyên gia cho rằng Lucy thuộc về dòng dõi dẫn đến con người hiện đại, làm tăng thêm sự hấp dẫn của cô. Nhưng nguồn gốc tổ tiên này rất khó chứng minh và gần như không thể chứng minh được với hồ sơ hóa thạch chắp vá mà chúng ta có đối với người tiền sử. Chúng ta biết sự khác biệt giữa tổ tiên của mình - cha mẹ, ông bà và cụ cố - và những người họ hàng gần không phải tổ tiên của mình, chẳng hạn như chú bác và dì, và nếu ta không chắc chắn về tình trạng của bất kỳ ai, thì có thể kiểm tra bằng giấy khai sinh của họ.
Nhưng tất nhiên không có giấy khai sinh nào trong hồ sơ hóa thạch, vì vậy các nhà khoa học phải sử dụng hình thái chung thay thế. Nguyên tắc là một loài càng có nhiều đặc điểm vật lý chung với loài khác thì chúng càng có quan hệ họ hàng gần gũi, giả sử rằng hình thái chung mà chúng chia sẻ chỉ tiến hóa một lần trong tổ tiên chung gần đây của hai loài. Điểm chung này được gọi là hình thái chung phái sinh.
Donald Johanson bên cạnh bản sao bộ xương của Lucy tại Bảo tàng Senckenberg. Ảnh: Picture alliance/Getty Image
Nhưng quay trở lại lịch sử gia đình của chúng ta, mặc dù một người sẽ trông giống cha mẹ mình hơn là một người hoàn toàn xa lạ, nhưng khi đi vào quá khứ nhiều thế hệ, sự giống nhau giữa người đó với tổ tiên sẽ không còn rõ ràng nữa.
Khi sử dụng hình thái chung để tái tạo mối quan hệ sẽ xuất hiện một hiện tượng được gọi là homoplasy, trong đó các dòng dõi khác nhau tiến hóa hình thái chung một cách độc lập thay vì cùng nhau thừa hưởng nó từ một tổ tiên chung. Trong trường hợp này, hình thái chung cho chúng ta biết nhiều hơn về những thách thức chung về môi trường hơn là về lịch sử tiến hóa chung. Tuy nhiên, ngay cả khi A. afarensis không phải là tổ tiên của chúng ta, thì rất có thể nó là họ hàng gần.
Lucy có mang tính cách mạng?
Theo ông Tim White, “quan niệm cho rằng phát hiện Lucy là mang tính cách mạng hoàn toàn sai lầm”. Lập luận của ông là một số hóa thạch Australopithecus đã được tìm thấy ở Taung, Nam Phi từ trước Lucy hơn 30 năm, vào năm 1940. Trong số đó có một mẫu vật được gọi là STS 14 (hóa thạch của một cá thể thuộc hominin (tông Người) trẻ tuổi, có kích thước và đặc điểm giải phẫu gần như không thể phân biệt được với Lucy. Tuy nhiên, bộ xương của Lucy là bộ xương loài Australopithecus hoàn chỉnh nhất từng được tìm thấy.
Lucy được tìm thấy vào năm 1974, gần đúng nửa thế kỷ sau khi nhà giải phẫu học và nhân chủng học Raymond Dart nhận ra tầm quan trọng của hộp sọ của một người hominin trẻ tuổi được tìm thấy ở Taung, Nam Phi.
Trong ba thập kỷ sau khi phát hiện ra người hominin trẻ tuổi ở Taung, cuộc tìm kiếm nguồn gốc của con người tập trung vào miền Nam châu Phi. Trọng tâm đó đã thay đổi vào những năm 1960 khi các nhà cổ nhân chủng học Louis và Mary Leakey bắt đầu phát hiện ra các hóa thạch hominin tại Hẻm núi Olduvai (nay là Oldupai), ở Tanzania, một số trong đó trông giống như thể chúng thậm chí có thể thuộc về chi của chúng ta, chi Homo (Người). Và đến năm 1974, dòng chảy nhỏ giọt của các khám phá hóa thạch ở miền Đông châu Phi đã trở thành một dòng thác, với hầu hết các phát hiện đều đến từ các địa điểm trên bờ phía Đông của nơi hiện được gọi là Hồ Turkana.
Không chỉ các nhà cổ nhân chủng học chuyển sự chú ý của họ từ miền Nam sang miền Đông châu Phi, mà hồ sơ độ tuổi của những người săn tìm hóa thạch thành công nhất cũng chuyển từ các nhà nghiên cứu cao cấp như Louis và Mary Leakey, Phillip Tobias và Clark Howell sang các công nhân thực địa như Richard Leakey và Donald Johanson, những người thậm chí còn trẻ hơn Dart khi ông nhận ra tầm quan trọng của hộp sọ Taung.
Richard Leakey và Johanson chỉ bằng một nửa tuổi những người tiền nhiệm của họ. Nhưng với Lucy, Johanson đã có một phát hiện lịch sử.
Donald Johanson làm việc trong trại Hadar ở châu Phi khi phát hiện ra Lucy. Ảnh: Viện Nguồn gốc Loài người/Đại học bang Arizona
Thật thú vị khi Johanson đặt tên cho bộ xương theo tên một nhân vật trong bài hát nổi tiếng của Beatles - "Lucy in the Sky with Diamonds". Lucy O’Donnell là bạn thời thơ ấu của con trai John Lennon, Julian Lennon, người đã mang một bức vẽ từ trường về nhà và nói rằng đó là “Lucy trên bầu trời với những viên kim cương”, tạo cảm hứng cho bài hát. Cái tên “Lucy” trở thành cách gọi thân thiện dùng để chỉ bộ xương A. afarensis có số danh mục chính thức là A.L. 288-1. Và mối liên hệ với Lucy O’Donnell đã truyền sức sống vào bộ sưu tập hóa thạch này.
Hóa thạch Lucy còn có một biệt danh khác. Ở Ethiopia, cô bé được gọi là Dinkinesh, có nghĩa là "bạn thật tuyệt vời" trong ngôn ngữ chính thức của đất nước này, tiếng Amharic.
Rebeca García, một thành viên của Phòng thí nghiệm Tiến hóa của Con người tại Đại học Burgos, chỉ ra rằng, tất cả các bản tái tạo về Lucy đều "rất đáng yêu", khiến công chúng dễ dàng đồng cảm và liên hệ với cô bé. Gần giống như một nhân vật văn hóa đại chúng, trải qua nhiều thế hệ, hóa thạch Lucy hiện đang được cất giữ trong két sắt tại Bảo tàng Quốc gia Ethiopia.
Giới khoa học vẫn chưa bao giờ ngừng khám phá bí ẩn về Lucy. Ngay cả ngày nay, các bài báo và luận án vẫn đang được viết về cô bé. Theo bà García, nghiên cứu mới nhất đang được thực hiện khám phá quá trình mang thai và sinh nở ở loài này như thế nào; trẻ sơ sinh của họ như thế nào và mô hình nuôi dạy của họ. Những hóa thạch hài cốt này tiếp tục cung cấp nhiều điều.
Tuy nhiên, một số câu hỏi vẫn còn bị chôn vùi trong trầm tích. Bà García cho biết: “Khoa học đang tiến bộ đến mức chúng ta thậm chí không thể tưởng tượng được Lucy sẽ mang lại câu trả lời gì trong tương lai, nhưng cô ấy sẽ tiếp tục đóng vai trò cơ bản trong nghiên cứu về quá trình tiến hóa của con người, có thể là trong 50 năm nữa”.
Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Scientific-american, El Pais)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/ho-so/hanh-trinh-phi-thuong-cua-lucy-bieu-tuong-tien-hoa-cua-loai-nguoi-ky-cuoi-20241115171038394.htm