Hành trình phục chế 'ký ức đô thị' của những người yêu xe cổ

Hành trình phục chế 'ký ức đô thị' của những người yêu xe cổ
10 giờ trướcBài gốc
Hình ảnh phương tiện giao thông của Sài Gòn xưa. Ảnh minh họa
Thú chơi xe cổ tại TP Hồ Chí Minh bắt đầu manh nha từ những hoài niệm và đam mê cá nhân, riêng lẻ vào cuối những năm 1990, nhưng chỉ thực sự hình thành và phát triển thành một phong trào có tổ chức, được cộng đồng biết đến rộng rãi là từ những năm đầu của thế kỷ 21.
Giữa dòng chảy hối hả của đô thị hiện đại, những chiếc xe tưởng chừng đã “tuyệt chủng” có xuất xứ từ Pháp, Anh, Đức, Ý, Hoa Kỳ, Nhật Bản... vẫn được người Sài Gòn trân quý và lưu giữ như những báu vật vô giá. Chúng không chỉ đơn thuần là phương tiện di chuyển, mà còn là "phụ kiện" độc đáo tô điểm thêm nét đẹp lãng mạn và hoài niệm về một Sài Gòn xưa cũ.
Bóng xe xưa mờ dần trên phố
Sau năm 1975, bối cảnh chính trị và kinh tế mới đã định hình lại hoàn toàn diện mạo giao thông tại Sài Gòn lúc bấy giờ. Những khó khăn của thời kỳ hậu chiến và sự thay đổi trong cơ cấu quản lý đã trực tiếp tác động đến sự tồn tại của các dòng xe trước đây.
Các dòng xe “cơ bắp” của Mỹ tiêu thụ nhiều nhiên liệu như Ford, Chevrolet, Cadillac… trở nên không còn phù hợp và dần biến mất. Tương tự, những chiếc xe phổ thông vốn là biểu tượng của Sài Gòn từ xe taxi Renault 4CV, Peugeot, Simca đến các dòng xe cổ của thập niên 1940 - 1960 cũng không thể tiếp tục hoạt động. Nguyên nhân chính là sự đứt gãy nguồn cung phụ tùng và những trở ngại trong việc sửa chữa, bảo dưỡng khiến chúng dần bị đào thải khỏi dòng chảy giao thông đô thị.
Xe Ford Mustang máy V8 sản xuất ở thập niên 1960 của ông Trần Văn Lâm.
Không chỉ dừng lại ở đó, sự suy giảm của di sản xe cổ thành phố tiếp tục diễn ra trong thập niên 1980 - 1990. Giai đoạn này đánh dấu một thực trạng đáng buồn, đó là một số lượng lớn xe ô tô cổ quý hiếm của Việt Nam bị xóa bỏ hồ sơ gốc để xuất khẩu ngược ra nước ngoài.
Sự cộng hưởng của hai giai đoạn, sự đào thải tự nhiên thời hậu chiến và làn sóng xuất khẩu xe cổ đã để lại một hậu quả tất yếu. Cả số lượng và chất lượng của quỹ xe ô tô cổ tại TP Hồ Chí Minh đều suy giảm nghiêm trọng, để lại một khoảng trống lớn trong ký ức đô thị.
Đoàn xe cổ Rally the Globe trong chuyến đua quốc tế và dừng chân tại trường đua Đại Nam, giao lưu cùng đoàn xe cổ Việt Nam năm 2024.
Đam mê khôi phục “ký ức đô thị”
Từ cuối thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21, một số người đã âm thầm khơi lại phong trào sưu tập và du ngoạn cùng xe ô tô cổ. Những chiếc ô tô từng nằm im lìm trong các góc nhà dần được mang ra phục chế và lăn bánh trở lại. Một số garage chuyên về xe cổ cũng xuất hiện trở lại để hỗ trợ người sưu tập phục dựng và bảo dưỡng những "báu vật" này.
Một trong những garage phục chế xe cổ tại TP Hồ Chí Minh.
Ông Trần Văn Tuấn, Thành viên Ban quản trị Câu lạc bộ (CLB) Xe cổ Sài Gòn chia sẻ, việc săn lùng phụ tùng nguyên bản (zin) cho dòng xe Citroën Traction Avant vào những năm trước từng khó như "tìm vàng": “Tôi từng phải lặn lội khắp nơi, chỉ cần nghe ở đâu có chiếc xe cũ là mừng như bắt được báu vật”.
Theo ông Tuấn, ngày nay việc đặt mua từ nước ngoài đã dễ dàng hơn, nhưng “cái thú của ngày xưa là cái thú của kẻ đi săn, của người đi tìm kho báu. Mỗi lần tìm được một món đồ, ráp vào cho xe, nghe tiếng máy nổ xịch xịch trở lại, cảm giác đó không tiền bạc nào mua được.
“Chúng tôi không chỉ phục chế một cái máy, chúng tôi đang phục chế một phần ký ức của thành phố này”, ông Tuấn nói.
Các thành viên trong CLB Xe cổ Sài Gòn xử lý trục trặc của chiếc xe VolksWagen Bus T1 ngay tại trường đua Buriram, Thái Lan.
Hiện tại, người sưu tập ô tô cổ tại TP Hồ Chí Minh đã thành lập các CLB để cùng nhau chia sẻ niềm đam mê, kiến thức và tổ chức các chuyến du ngoạn. Điển hình là CLB xe cổ Sài Gòn (Saigon Classic Car Club) đang hoạt động khá sôi nổi và ngày càng thu hút thêm nhiều thành viên tham gia.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Thành viên quản trị của CLB Xe cổ Sài Gòn cho hay: “CLB là mái nhà chung. Ở đây không phân biệt xe sang hay xe thường, miễn là xe cổ, là có câu chuyện. Chúng tôi giúp nhau từ việc hỗ trợ kiến thức về xe cổ, tìm những người thợ giỏi, một món phụ tùng hiếm cho đến việc lên kế hoạch cho những chuyến đi du ngoạn xa. Quan trọng nhất là khi được nối đuôi nhau tạo thành một đoàn xe hoài niệm trên phố, chúng tôi thấy được niềm vui, sự ngạc nhiên trong ánh mắt của người dân. Đó là lúc chúng tôi biết mình đang góp phần làm cho thành phố đẹp hơn, đáng nhớ hơn”.
Ông Nguyễn Xuân Thủy (thứ 3 từ trái sang), chụp hình cùng các thành viên CLB Xe cổ Sài Gòn trong một chuyến xê dịch quốc tế qua các quốc gia Campuchia, Lào và Thái Lan để tham dự sự kiện họp mặt xe cổ và xe đua tại Buriram, Thái Lan.
Bên cạnh đó, CLB xe Beetle Sài Gòn (hay còn gọi là xe "bọ" của hãng xe VolksWagen, Đức) cũng là một trong những hội nhóm được thành lập từ khá lâu và vẫn duy trì hoạt động đều đặn, tạo nên một nét chấm phá độc đáo.
Ông Trần Văn Lâm, Hội phó CLB xe Beetle Sài Gòn tự hào chia sẻ: “Đối với chúng tôi, xe như là một thành viên trong gia đình. Dáng vẻ tròn tròn, hiền lành của nó ai nhìn cũng yêu. Cái hay của dòng xe Beetle là máy móc đơn giản, dễ sửa và rất bền bỉ. Cộng đồng chơi Beetle chúng tôi gắn kết như anh em, có dịp là chúng tôi lại tụ tập cà phê chia sẻ đủ thứ chuyện. Chiếc xe này có một sức mạnh kết nối kỳ lạ, nó mang lại niềm vui và sự lạc quan cho cả người lái lẫn người ngắm”.
Một số xe trong Hội xe Beetle Sài Gòn giao lưu cùng đoàn đua xe cổ Rally the Globe năm 2024.
Hiện tại, TP Hồ Chí Minh có một số cá nhân đam mê và sở hữu những bộ sưu tập xe cổ giá trị, góp phần rất lớn trong việc lan tỏa đam mê và khẳng định giá trị của xe cổ trong cuộc sống hiện đại. Những bộ sưu tập của ông Đặng Lê Nguyên Vũ (cà phê Trung Nguyên) lên đến hàng trăm chiếc; ông Nguyễn Xuân Thủy đang sở hữu hàng trăm chiếc xe hai ba và bốn bánh cổ các loại; ông Trần Văn Lâm hiện sở hữu hơn 50 chiếc ô tổ cổ hay không gian xe cổ của cà phê Ký ức (phường An Lạc, TP Hồ Chí Minh)… là những minh chứng cho thấy xe ô tô cổ vẫn đang được nhìn nhận và lưu giữ như những bảo vật.
Đặc biệt hơn, tại TP Hồ Chí Minh hiện nay vẫn còn nhiều người gắn bó với xe cổ như một phương tiện giao thông chính của gia đình. Được biết, ông Trần Khắc Dũng chỉ dùng duy nhất một chiếc Mercedes Ponton 190 đời 1958 làm phương tiện di chuyển đã hơn 20 năm nay.
Ông Dũng chia sẻ: “Nhiều người hỏi tôi đi xe cũ vậy có cực không, tôi nói không, ngược lại nó rất sướng. Sướng vì mình hiểu nó, nó hiểu mình. Mỗi sáng đề máy, nghe tiếng động cơ là biết ‘sức khỏe’ nó ra sao. Đi ra đường, xe không bao giờ làm mình thất vọng. Người ta chạy theo công nghệ còn tôi đi cùng một người bạn tri kỷ. Chỉ cần mình chăm sóc nó đúng cách, nó sẽ phục vụ mình cả đời. Với tôi, đây không phải là xe cổ mà là phương tiện đưa tôi đi mỗi ngày”.
Ông Trần Khắc Dũng (bên trái) và ông Nguyễn Văn Nhơn gắn bó với chiếc Mercedes cổ đã 20 năm với rất nhiều chuyến xê dịch xa gần.
Ngoài ông Dũng, vẫn còn rất nhiều người sử dụng xe ô tô cổ làm phương tiện di chuyển hằng ngày như ông Nguyễn Văn Nhơn sử dụng chiếc xe cổ Continental thập niên 1970 và chiếc Mercedes W111 thập niên 1960 làm phương tiện di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đến Bình Dương để đi làm, hay ông Nguyễn Thanh Bình gắn bó với duy nhất chiếc xe Land Cruiser BJ40 đời 1984 đã 20 năm nay… là minh chứng sống động cho sự ổn định và bền bỉ của những chiếc xe cổ khi được bảo dưỡng đúng cách.
Hành trình du ngoạn lan tỏa đam mê
Vượt qua quan niệm xe cổ chỉ là vật trưng bày vô tri, những người chủ đam mê giờ đây xem chúng như những người bạn đồng hành trên mọi nẻo đường. Họ đưa “xế cưng” của mình vào những hành trình sống động, rong ruổi khắp các cung đường trong nước và vươn ra cả quốc tế.
Ông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, mỗi chuyến đi là một lần thử thách: “Chúng tôi phải chuẩn bị rất kỹ từ kỹ thuật, phụ tùng dự phòng cho đến giấy tờ và các thủ tục pháp lý cần thiết”.
CLB Xe cổ Sài Gòn (Saigon Classic Car Club) trong một sự kiện hỗ trợ 250 trẻ em học sinh tiểu học tại Lâm Đồng (cũ).
“Thực sự, khi những chiếc xe ô tô cổ mang biển số Việt Nam lăn bánh ở Thái Lan, Campuchia, Lào, Tung Quốc… những chủ nhân của chúng luôn có cảm giác rất tự hào. Thật khôn thể nào quên khi người dân nước bạn họ vây quanh trầm trồ hỏi han, chụp ảnh kỷ niệm với đoàn xe cổ của Việt Nam. Họ không chỉ thấy những chiếc xe đẹp mà họ thấy một câu chuyện về Việt Nam, một đất nước đầy tính nhân văn khi biết gìn giữ và trân quý những giá trị xưa cũ”, ông Thủy tự hào kể.
Ông Hoàng Nguyễn, một Thành viên CLB Xe cổ Sài Gòn cũng là người thường xuyên cùng “xế cưng” của mình du ngoạn chia sẻ kinh nghiệm: “Quan trọng hơn, chính trên những chặng đường ấy, người chủ mới có thể ‘trò chuyện’ và thấu hiểu sâu sắc chiếc xe của mình. Bằng việc lắng nghe từng tiếng máy, cảm nhận từng dao động, họ sẽ biết ‘người bạn’ của mình cần gì, từ đó có kế hoạch chăm sóc, bảo dưỡng tối ưu nhất để cùng nhau chinh phục những hành trình xa hơn”.
Ngày nay, nhiều đạo diễn làm phim cũng tìm đến những nhà sưu tầm hiện vật, xe cổ của Sài Gòn xưa để làm bối cảnh cho phim của mình. Điều này cho thấy, dù thời đại phát triển đến đâu người Việt Nam vẫn luôn hướng về và trân trọng cội nguồn của dân tộc.
Chiếc xe Porche cổ được cho thuê để chụp hình cưới với phong cách cổ điển.
Ông Huỳnh Minh Hiệp, một nhà sưu tầm nổi tiếng tại TP Hồ Chí Minh, được nhiều đoàn làm phim tìm đến cho biết: “Khi một đoàn phim liên hệ, họ không chỉ muốn thuê hoặc mượn một chiếc xe mà họ muốn thuê và mượn tất cả xe ở đây. Tôi phải tư vấn cho họ phim bối cảnh năm 1965 thì phải dùng xe gì cho đúng, một gia đình tư sản sẽ đi xe gì, một vị công chức sẽ đi xe gì. Chiếc xe trên phim không được sai vì nó là một phần sự thật của câu chuyện. Khi nhìn thấy chiếc xe của mình trên màn ảnh rộng, tái hiện đúng không khí thời kỳ ấy đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của một người sưu tầm như tôi”.
Ông Huỳnh Minh Hiệp, một người nổi tiếng tại TP Hồ Chí Minh với việc sở hữu nhiều bộ sưu tập về Sài Gòn xưa.
Từ những chiếc sedan sang trọng của giới thượng lưu đến những chiếc taxi “con cóc” bình dân, hành trình của những chiếc ô tô cổ tại Sài Gòn không chỉ là câu chuyện về cũ - mới. Đó là hành trình gìn giữ một phần “hồn” của “Hòn ngọc Viễn Đông”, là nỗ lực không mệt mỏi của những con người nặng lòng với quá khứ, quyết không để ký ức phai màu theo năm tháng. Họ đã thành công trong việc giữ lại những biểu tượng của sự phồn hoa, lộng lẫy và tô thêm nét đẹp “ký ức đô thị” trên những đại lộ cao tầng.
Lưu Niệm - Xuân Thủy/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/hanh-trinh-phuc-che-ky-uc-do-thi-cua-nhung-nguoi-yeu-xe-co-20250705122142929.htm