Đó là câu chuyện đầy thú vị của gia đình bà Nguyễn Thị Thoa, tổ 2, phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa. Cách đây 7 năm, anh Lê Thế Việt - con trai bà Thoa trong một lần khám phá khu rừng trên đỉnh đèo Ô Quý Hồ thì thấy rất nhiều cây rừng quả sai chi chít, có màu đỏ rất đẹp mắt. Anh Việt nghĩ nếu trồng được cây này ở trước cổng sẽ tạo cảnh quan đẹp cho ngôi nhà. Nghĩ vậy, anh Việt hái một nắm quả chín mọng đút vào túi áo đem về nhà dự định lấy hạt ươm cây. Anh cũng không quên hái vài cành đem về nhà. Đem cây này về nhà anh mới biết hóa ra đây là cây đào đông người ta thường cắm vào bình để trang hoàng ngôi nhà mỗi dịp tết, vì theo quan niệm của nhiều người thì màu đỏ tươi của đào đông là biểu tượng của may mắn, tài lộc.
Anh Việt thì lại gọi đó là cây táo cảnh (táo gai) cho dân dã. Anh tỉ mỉ lấy hạt từ quả ra rồi ươm xuống đất và chờ đợi kết quả. Từ số hạt ấy, sau 2 tháng, cây đã lên được hơn 10 cm, gia đình bà Thoa đánh cây ra trồng dọc cổng nhà. Được 3 năm thì cây ra hoa, đậu quả. Tháng 7 cây ra hoa, nở bung trắng xốp như tuyết. Đến khoảng tháng 9 - 10 quả chín đỏ. Quả rất bền, có thể chơi qua tết âm lịch.
Chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc cây đào đông, anh Lê Thế Việt cho biết: Vì là cây hoang dại ngoài tự nhiên nên rất dễ chăm sóc, không cần bón phân nhiều. Mỗi năm, gia đình tôi tỉa cành một lần vào thời điểm ra giêng để dồn dưỡng chất nuôi quả cho vụ sau.
Từ 20 cây đầu tiên, đến nay trong vườn nhà bà Lê Thị Thoa đã có hơn 200 cây đào đông. Gia đình bà còn tặng cây giống cho nhiều hộ xung quanh cùng trồng. Từ sở thích đem cây dại về trồng ở vườn nhà, gia đình bà Thoa còn có thể kinh doanh, kiếm tiền từ loại cây này. Nhiều nhà hàng, khách sạn, homestay tìm đến mua đào đông về tạo cảnh quan thu hút khách du lịch. Cây cao từ 3 m có thể bán được với giá 3 - 4 triệu đồng/cây. Ngoài ra, gia đình bà Thoa còn bán cây trong những chậu nhỏ với giá từ 300.000 đồng/cây.
Khu vườn đào đông của gia đình bà Nguyễn Thị Thoa đang độ quả đỏ rực rỡ nhất. Những cành đào đông quả ken dày, đỏ rực khiến ai đi qua cũng ngắm nhìn, chụp ảnh. Hai mươi cây đào đông được gia đình anh bà Thoa trồng dọc cổng nhà, số còn lại trồng ở một khu vườn gần đó. Anh Việt con trai bà Thoa còn gửi tặng cây giống cho một số người bạn ở các tỉnh miền xuôi có khí hậu và thổ nhưỡng khác biệt với Sa Pa, cây vẫn sinh trưởng, phát triển tốt. Theo anh Việt, cây đào đông tưởng rằng “khó tính” nhưng thực tế lại có thể thích nghi với dải thổ nhưỡng, khí hậu khá rộng vì thế trồng được ở nhiều nơi khác nhau.
Có niềm đam mê và nhiều kinh nghiệm làm nông nghiệp, gia đình bà Nguyễn Thị Thoa trồng cả đào, nho và một số loại cây ăn quả khác, họ luôn muốn thử sức với những cây trồng mới lạ. Đi đâu thấy cây gì đẹp lạ, các thành viên trong gia đình cũng tìm mọi cách đưa về trồng tại vườn nhà. Cũng từ đam mê và sở thích ấy, anh Lê Thế Việt đã thành công khi thuần hóa cây đào đông từ loài cây dại mọc trong rừng sâu thành cây cảnh có thể trồng ở nhiều vùng khí hậu khác nhau. Qua đó cũng khẳng định sự sáng tạo của nông dân Sa Pa trên con đường chinh phục những giống cây trồng mới hứa hẹn đem lại giá trị kinh tế cao.
Vân Thảo