Hành trình tình cờ của cặp 'ngôi sao' giới dịch giả văn học Nga

Hành trình tình cờ của cặp 'ngôi sao' giới dịch giả văn học Nga
5 giờ trướcBài gốc
Richard Pevear và Larissa Volokhonsky gắn bó cả đời với sự nghiệp dịch. Ảnh: WQXR
Theo New York Times, lần đầu tiên Richard Pevear và Larissa Volokhonsky cùng dịch một tiểu thuyết tiếng Nga, họ cảm thấy tác giả cuốn sách đó như người thứ 3 chen vào cuộc sống của họ.
Volokhonsky nhớ lại: "Đó là một cuộc hôn nhân tay ba. Tác giả cuốn Anh em nhà Karamazov, ông Dostoyevsky luôn ở trong tâm trí chúng tôi".
Bản dịch cuốn Anh em nhà Karamazov được đón nhận nồng nhiệt. Ảnh: Amazon.
Họ đã dồn hết tâm trí để chuyển ngữ cuốn tiểu thuyết cuối cùng nhưng rất đồ sộ của Dostoyevsky. Bản dịch Anh em nhà Karamazov năm 1990 của họ được đón nhận nồng nhiệt. Một bài đánh giá toàn trang trên The New York Times Book Review còn tuyên bố: “Cuối cùng thì toàn bộ dư âm từ tác phẩm gốc của Dostoyevsky cũng được truyền tải”.
Kể từ đó, Pevear và Volokhonsky, hiện ông 81 tuổi và bà 78 tuổi, đã trở thành những dịch giả thống trị mảng dịch của văn học Nga, xuất bản trung bình một tập mỗi năm, bao gồm các tác phẩm kinh điển của Tolstoy và Chekhov, cũng như những cuốn sách và tác phẩm ít được biết đến hơn của các nhà văn đương đại như người đoạt giải Nobel Svetlana Alexievich.
Cuốn sách mới nhất họ vừa dịch xong là cuốn Foolsburg: The History of a Town của Mikhail Saltykov-Shchedrin, được Vintage xuất bản tháng 8 vừa qua. Đối với độc giả nói tiếng Anh, ấn bản lần này sẽ là bản sửa lỗi duy nhất cho bản dịch duy nhất trước đó có từ năm 1980.
Ở Nga, The History of a Town được đọc trong các trường học và được coi là kiệt tác của thể loại châm biếm thế kỷ 19. Nhưng bản dịch tiếng Anh trước đó của Paul Foote, người đã mất năm 2011, lại chỉ dịch theo nghĩa đen, thiếu đi lối chơi chữ khiến cuốn sách trở nên buồn cười. Ngoài ra, tên nhân vật còn được để nguyên bằng tiếng Nga, điều khó hiểu đối với những người không nói được ngôn ngữ này.
Tình cờ ‘nên duyên’ với chuyển ngữ
Pevear khởi đầu là một nhà văn người Mỹ với nhiều trải nghiệm về tầng lớp lao động. Khi còn làm tại một xưởng đóng tàu ở New England, ông đã xuất bản một bài báo thu hút sự chú ý của một giáo sư người Nga tên là Irina Kirk. Bà muốn giới thiệu ông với một người bạn di cư từ Liên Xô đến Mỹ vào năm 1973. Đó là Larissa Volokhonsky, từng là sinh viên sau đại học ở Leningrad (ngày nay là Đại học Saint Petersburg). Sau khi đến Mỹ, Volokhonsky, một nhà ngôn ngữ học, đã đăng ký vào Trường Thần học Yale.
Sau nhiều trắc trở, cả hai gặp được nhau ở Connecticut và khi Volokhonsky chuyển hẳn đến New York, bà sống tại căn hộ đối diện tòa nhà của Pevear. Không lâu sau, họ đã sống cùng nhau. Sau đó, khi Volokhonsky thấy ông đang đọc bản dịch cuốn Anh em nhà Karamazov của David Magarshack, bà quyết định đọc cùng ông nhưng đọc bản gốc bằng tiếng Nga. Và sau khi thấy một số lỗi dịch trong bản hiện tại, cả hai đã quyết định sẽ cùng dịch lại cuốn sách này.
Bà Volokhonsky dịch từng từ, từng cụm từ sang tiếng Anh và ông Pevear, người không nói tiếng Nga trôi chảy, chỉnh sửa lại. Bà so sánh bản dịch đó với văn bản gốc và đặt câu hỏi về một số thay đổi của ông. Cả hai cùng thảo luận và đánh giá lại toàn bộ bản thảo. Thói quen này đã được giữ cho tới tận hôm nay và giúp họ giải quyết bất đồng mà không hề cãi vã.
Trước khi gửi bản dịch cho nhà xuất bản, Pevear một lần nữa đọc to lại trong khi Volokhonsky theo dõi cuốn sách gốc để đảm bảo nội dung chuyển ngữ được sát bản gốc nhất.
Niềm đam mê trở thành sự nghiệp cả đời
Được đảm bảo kinh tế từ khoản tài trợ 36.000 USD từ Quỹ Quốc gia về Khoa học Nhân văn, cả hai đã nghỉ công việc ban đầu, chuyển đến Paris và tập trung hoàn thành bản dịch. Tác phẩm của họ được đón nhận nồng nhiệt. Sau đó, họ tiếp tục đã ký hợp đồng dịch 3 cuốn sách khác của Dostoyevsky. Những tác phẩm này đều bán chạy, tuy nhiên, khi chuyển sang dịch sách của Nikolai Gogol, doanh thu lại không khả quan.
Tiếp sau đó, họ chuyển sang tác phẩm của Tolstoy và đã thành công thổi hồn vào nhiều kiệt tác, ví dụ bản dịch Anna Karenina đã giữ được những từ ngữ hùng biện và quyến rũ của nhà văn trong ngôn ngữ gốc. Tuy nhiên, doanh số vẫn không tích cực.
Tác phẩm nhận được sự chú ý của Câu lạc bộ sách của Oprah. Ảnh: Amazon.
Và may mắn đã đến khi bản dịch Anna Karenina của họ được Câu lạc bộ sách của Oprah giới thiệu năm 2004. Sự thành công của bản dịch này từ đó đã giúp cả hai cuối cùng cũng có một quỹ hưu trí bảo đảm cho tuổi già.
Tuy nhiên, dù là một cặp đôi ăn ý với những hiểu biết sâu về ngôn ngữ và văn học, họ vẫn có một số ranh giới nhất định. Họ không dịch các vở kịch Nga và chỉ làm điều đó khi có sự tham gia của nhà viết kịch Chekhov Richard Nelson.
Họ cũng không dịch thơ do cho rằng “có quá nhiều ý nghĩa có thể bị mất đi”. Volokhonsky nói: Chúng tôi được yêu cầu dịch thơ của Pushkin, nhưng điều đó là không thể. Có những bản dịch truyện thơ Onegin tuyệt vời, nhưng chúng không toát lên chất của Pushkin".
Điều này trái ngược với lời cáo buộc của một số nhà phê bình đối với họ. Janet Malcolm, trong một bài chỉ trích gay gắt trên The New York Review of Books, đã cáo buộc Pevear và Volokhonsky tạo nên "một ngành công nghiệp lấy mọi thứ họ có thể lấy từ tiếng Nga".
Tuy nhiên, cả Malcolm và một nhà phê bình khắt khe khác, Helen Andrews, đều không nói được tiếng Nga và bản thân họ phần nào có định kiến riêng vì chỉ thích các bản dịch thời xưa và không muốn thấy chất hiện đại trong các bản dịch mới.
Chia sẻ về sự chỉ trích đối với phong cách dịch của mình, bà Volokhonsky nói: "Chúng tôi không tìm cách trở nên khác biệt. Mọi người có thể thích bản dịch xưa hoặc nay, điều đó không sao cả. Mỗi người có sở thích khác nhau".
Minh Hoa
Nguồn Znews : https://znews.vn/hanh-trinh-tinh-co-cua-cap-ngoi-sao-gioi-dich-gia-van-hoc-nga-post1495780.html