Hành trình trở thành Giáo hoàng của vị hồng y người Mỹ trầm tĩnh

Hành trình trở thành Giáo hoàng của vị hồng y người Mỹ trầm tĩnh
11 giờ trướcBài gốc
Ngày kết thúc mật nghị tại Nhà nguyện Sistine, các hồng y bước ra trong trạng thái mệt mỏi sau một ngày dài bỏ phiếu. Phiên biểu quyết đầu tiên bị trì hoãn vì bài suy niệm dài, tạo nên khởi đầu không suôn sẻ cho quá trình chọn người kế vị Giáo hoàng Francis.
Dù vậy, đêm hôm đó tại Casa Santa Marta, các hồng y đã bước vào các cuộc thảo luận nghiêm túc về tương lai của Giáo hội, xoay quanh ba ứng viên nổi bật: Hồng y Pietro Parolin (Italy), Hồng y Peter Erdo (Hungary) và Hồng y Robert Prevost (Mỹ).
Hồng y Parolin, người từng là Quốc vụ khanh Tòa thánh, gặp trở ngại lớn khi chính các hồng y Italy bị chia rẽ và không thống nhất ủng hộ ông. Trong khi đó, Hồng y Erdo, đại diện cho phái bảo thủ Đông Âu, lại không thể giành được đồng thuận từ các hồng y do Giáo hoàng Francis bổ nhiệm, vốn có xu hướng cải cách và trung dung hơn.
Trong bối cảnh ấy, một nhân vật ít được chú ý bắt đầu thu hút sự quan tâm: Hồng y Prevost gốc Chicago với nhiều năm phục vụ tại Peru. Tuy mới được phong hồng y chưa đầy hai năm, ông Prevost lại được biết đến là một người có bề dày kinh nghiệm trong vai trò lãnh đạo Dòng Thánh Augustine, từng làm giám mục tại Chiclayo (Peru) và sau này là Bộ trưởng Bộ Giám mục tại Vatican, một trong những vị trí quan trọng bậc nhất trong giáo triều.
Hồng y trầm lặng
Tại bữa tối ở Casa Santa Marta, Hồng y Prevost không vận động công khai, không thể hiện tham vọng, mà giữ thái độ khiêm nhường. Chính sự khiêm tốn ấy đã khiến ông nổi bật, theo New York Times.
“Chúng tôi nhìn thấy nơi ông ấy sự kiên định và lòng tận tụy không phô trương”, một hồng y Nam Mỹ chia sẻ.
Mối quan hệ gắn bó với các hồng y Mỹ Latin cũng đóng vai trò quan trọng trong hành trình trở thành giáo hoàng của Hồng y Prevost. Nhờ từng phục vụ nhiều năm tại Nam Mỹ, ông Prevost được cả các hồng y khu vực này và Bắc Mỹ tín nhiệm.
Hồng y Prevost nhanh chóng trở thành một ứng viên nặng ký khi thu hút sự ủng hộ từ nhiều nhóm khác nhau, trong đó có cả các hồng y châu Phi và châu Á.
Ba vị hồng y nổi bật cho vị trí tân giáo hoàng được đưa ra biểu quyết trong mật nghị (từ trái sang): Pietro Parolin (Italy), Peter Erdo (Hungary) và Robert Prevost (Mỹ). Ảnh: Shutterstock, New York Times.
Các hồng y, vốn chuẩn bị tinh thần cho một mật nghị kéo dài, bắt đầu nhận thấy tiến trình bầu chọn sẽ kết thúc sớm hơn dự kiến. Trong các phiên thảo luận buổi sáng 7/5, nhiều người nhấn mạnh sự cần thiết của một giáo hoàng trung dung, không gây chia rẽ và có kinh nghiệm đa dạng, điều mà Hồng y Prevost sở hữu.
Ông Prevost từng được phân công hỗ trợ điều hành các phiên họp trước mật nghị thông qua bốc thăm, tạo điều kiện để ông tiếp xúc và lắng nghe các nhóm hồng y khác nhau. Một hồng y châu Phi nhận xét: “Ông ấy không đến để nói, mà để nghe. Và điều đó khiến ông trở thành người dẫn dắt đáng tin cậy”.
Không giống như các ứng viên khác, Hồng y Prevost được đánh giá là hội tụ các yếu tố: Kinh nghiệm điều hành, từng là giám mục ngoài Vatican, hiểu giáo triều, và đặc biệt có tinh thần truyền giáo mạnh mẽ, phù hợp với định hướng của Giáo hoàng Francis suốt thập kỷ qua.
Các vị hồng y tiến vào mật nghị bầu ra tân giáo hoàng. Ảnh: Reuters.
Tối hôm 7/5, tại nhà khách, các cuộc trò chuyện riêng lẻ cho thấy một sự đồng thuận dần hình thành. Hồng y Prevost được xem là lựa chọn dung hòa giữa cải cách và truyền thống. Không phe nhóm nào cảm thấy bị đẩy ra ngoài nếu ông được chọn. Một hồng y châu Mỹ nhận định: “Chúng tôi cần một người có thể giữ Giáo hội đoàn kết. Prevost có vẻ là người đó”.
Sáng hôm 8/5, các vòng bỏ phiếu tiếp theo diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Hồng y Prevost vượt qua hai ứng viên Parolin và Erdo về số phiếu, trở thành người dẫn đầu. Trong vòng bỏ phiếu thứ tư, khi ông nhận được 89 phiếu, đạt ngưỡng 2/3 đa số, cả phòng họp đứng dậy vỗ tay chúc mừng.
Ông Prevost chọn tước hiệu Leo XIV, đánh dấu sự tiếp nối tinh thần cải cách nhưng cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm giữ vững truyền thống. Việc lựa chọn danh hiệu Leo, từng được các giáo hoàng có vai trò củng cố quyền lực giáo hội sử dụng, được giới quan sát đánh giá là một thông điệp đáng chú ý.
Vị tân giáo hoàng kín tiếng
Hồng y Prevost sinh ra tại Chicago, gia nhập Dòng Thánh Augustine và được gửi đến Peru như một nhà truyền giáo trẻ tuổi. Ông từng chia sẻ: “Chính ở những ngôi làng nhỏ tại Peru, tôi học được cách phục vụ người khác”.
Trở về Mỹ, ông giữ vai trò lãnh đạo dòng tu rồi tiếp tục được bổ nhiệm làm giám mục tại Peru, một trong những vùng đất thách thức về mặt mục vụ và xã hội.
Với tính cách trầm lặng, Hồng y Prevost không phải là gương mặt thường xuyên xuất hiện trên truyền thông. Tuy nhiên, trong nội bộ Giáo hội, ông được biết đến như một người kiên định, lắng nghe và điều hành bằng sự đồng thuận thay vì mệnh lệnh, theo New York Times.
Năm 2023, Giáo hoàng Francis mời ông về Vatican, giao nhiệm vụ quản lý các vấn đề nhân sự trong Giáo triều, một minh chứng cho sự tin tưởng mà Tòa thánh dành cho ông.
Các tín hữu chờ đợi tín hiệu khói ở Basilica, nhà thờ Thánh Peter. Ảnh: Reuters.
Việc một hồng y người Mỹ, vốn không phải quốc tịch phổ biến cho ngôi vị giáo hoàng, được chọn, cho thấy sự thay đổi trong tư duy của Hồng y đoàn. Thay vì tìm kiếm một nhân vật quyền lực hay có ảnh hưởng truyền thông, họ đặt kỳ vọng vào một lãnh đạo mang tinh thần phục vụ, trung dung và gắn bó với các cộng đồng địa phương.
Tân Giáo hoàng Leo XIV hiện đối mặt với nhiều thách thức: duy trì cải cách trong giáo triều, hàn gắn các bất đồng trong nội bộ, và thúc đẩy vai trò của Giáo hội giữa thế giới hiện đại. Dẫu vậy, như lời một hồng y nhận xét sau mật nghị: “Đôi khi, người lãnh đạo mạnh nhất lại là người ít nói nhất”.
Đại Hoàng
Nguồn Znews : https://znews.vn/hanh-trinh-tro-thanh-giao-hoang-cua-vi-hong-y-nguoi-my-tram-tinh-post1552694.html