Đây không chỉ là một hoạt động kỷ niệm thông thường, mà là hành trình đầy ý nghĩa của Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (quận Đống Đa, Hà Nội), ngôi trường mang tên người anh hùng, trở về nguồn cội, để nói lời tri ân, để thắp lên ngọn lửa giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trong tâm hồn thầy trò và cộng đồng.
Đại diện nhà trường và thân nhân gia đình Anh hùng Tô Vĩnh Diện cùng nhau thực hiện nghi thức mở bức rèm đỏ, chính thức khánh thành phù điêu chân dung người anh hùng và mô phỏng hành động lấy thân mình chèn pháo – biểu tượng trung tâm của công trình tri ân
Hành động từ lòng biết ơn
Anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện đã đi vào lịch sử như một biểu tượng của lòng quả cảm và tinh thần hy sinh cao cả trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Câu chuyện ông lấy thân mình chèn pháo để bảo vệ vũ khí cho đồng đội chiến đấu vẫn luôn là niềm cảm phục, là bài học giáo dục giá trị sống cho nhiều thế hệ.
65 năm qua, Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện ở Hà Nội luôn tự hào mang tên người anh hùng ấy. Năm 2025, nhân dịp kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 65 năm ngày thành lập trường, Ban Giám hiệu cùng tập thể nhà trường đã quyết định thực hiện một điều chưa từng có: Xây dựng một công trình tri ân ngay tại quê hương người anh hùng mà họ mang tên.
“Từ lâu chúng tôi đã ấp ủ ý tưởng này, vừa để tưởng nhớ và vừa là hành động cụ thể để học sinh được ‘gặp’ chính người anh hùng trong không gian sống thật của ông, được chạm vào lịch sử bằng trái tim”, cô Hà Ngọc Lan - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ với giọng xúc động.
Công trình tri ân được khởi công từ đầu tháng 5.2025 và hoàn thành chỉ sau ba tuần thi công khẩn trương. Không chỉ là một cuộc trùng tu đơn thuần, đây là sự hội tụ của công sức, tấm lòng và sự góp sức của rất nhiều tập thể, cá nhân.
Từ những bức tường cũ kỹ, ngôi nhà đã được sơn mới toàn bộ, hàng rào bao quanh được chỉnh trang, không gian trưng bày lưu niệm được ốp gỗ, lắp đèn rọi chuyên dụng. Đặc biệt, tại trung tâm gian chính là một bức phù điêu mô tả cảnh Anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo - khoảnh khắc làm nên bất tử. Phía bên phải là bức chân dung của ông được khắc họa bằng đá quý, bên cạnh bàn thờ trang trọng được sắp đặt với sự tôn kính sâu sắc.
Tập thể cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện xếp hàng ngay ngắn, đặt tay lên ngực trái, tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện tại gian thờ chính trong khu lưu niệm gia đình
Toàn bộ thiết kế công trình do tập thể giáo viên nhà trường phối hợp thực hiện, dựa trên nghiên cứu tư liệu lịch sử từ Sư đoàn 367, Sư đoàn 361 và Viện Bảo tàng Phòng không - Không quân. Các Sư đoàn này cũng là những đơn vị trực tiếp góp công, góp của vào quá trình thực hiện. Đồng hành còn có Hội Doanh nghiệp Giáp Tý 1984, các cựu học sinh và đối tác thân thiết của nhà trường.
Không chỉ là một công trình vật chất, đó là công trình của ký ức, của lòng biết ơn, và của mạch nguồn văn hóa truyền thống không bao giờ ngưng chảy.
Bài học từ quê hương anh hùng
Tại buổi lễ bàn giao, các em học sinh đứng chăm chú lắng nghe câu chuyện về anh hùng Tô Vĩnh Diện, những ánh mắt rưng rưng, những cái cúi đầu đầy thành kính trước bàn thờ của người liệt sĩ năm xưa. Dưới bóng tre làng, nơi đất và người hòa quyện trong thanh âm thiêng liêng của lịch sử, lòng yêu nước, tinh thần hy sinh đã được truyền đi mà không cần sách vở.
“Con thấy xúc động lắm. Con biết Anh hùng Tô Vĩnh Diện hy sinh để đồng đội giữ được khẩu pháo. Con sẽ học giỏi để xứng đáng với tên trường mình”, một bạn nhỏ chia sẻ bằng giọng trong veo.
Sự hiện diện của các cháu ruột của liệt sĩ Tô Vĩnh Diện trong buổi lễ như nối dài thêm mạch cảm xúc. Ông Tô Vĩnh Châu, cháu ruột của anh hùng liệt sĩ, nghẹn ngào: “Từ đáy lòng, gia đình tôi xin cảm ơn nhà trường và các đơn vị. Công trình này không chỉ là một món quà, mà là lời nhắc nhở thiêng liêng về đạo lý, về truyền thống bất khuất của gia đình và dân tộc”.
Các đại biểu dự lễ bàn giao Công trình tri ân Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Vĩnh Diện
Theo cô Hà Ngọc Lan, công trình sẽ không dừng lại là một địa chỉ lưu niệm đơn thuần mà sẽ trở thành điểm đến giáo dục truyền thống thường xuyên của nhà trường. “Hằng năm, chúng tôi dự tính sẽ tổ chức cho học sinh về thăm, dâng hương, kể chuyện lịch sử tại đây. Chúng tôi muốn các em hiểu rằng, để có hòa bình hôm nay, đã có những con người dùng cả mạng sống của mình để đổi lấy”, cô Lan nói.
Không ít phụ huynh, giáo viên cũng chia sẻ mong muốn đưa con em, học sinh đến nơi đây để “học một bài học mà không có trong sách giáo khoa”.
Đại diện Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không - Không quân tặng quà gia đình Anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện tại buổi lễ
Điều đặc biệt cảm động là trong bối cảnh ngành Giáo dục gặp nhiều áp lực, tập thể Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện vẫn dành tâm huyết để thực hiện một công trình đầy nhân văn, nối dài truyền thống đạo lý của dân tộc.
Phó Hiệu trưởng nhà trường, nhà giáo Đinh Phi Nga cho biết: “Chúng tôi tin rằng giáo dục đạo đức, truyền thống là nền tảng để học sinh hình thành nhân cách. Một giờ học giữa lòng quê, trước di ảnh người anh hùng, có thể tác động mạnh hơn cả trăm trang sách”.
Với ý nghĩa đó, công trình tri ân Anh hùng Tô Vĩnh Diện không chỉ là biểu hiện của lòng biết ơn, mà còn là minh chứng sống động về cách giáo dục thế hệ trẻ bằng cảm xúc, bằng trải nghiệm thật, và bằng những giá trị không bao giờ cũ.
NGUYỄN LINH