Vượtqua nghịch cảnh
Long vẫn còn nhớ rất rõ ngày 2-9-2003, khi anh bước sang tuổi 15 chưa tròn một tháng, từ một thanh niên khỏe mạnh, hoạt bát, anh trở thành người tàn phế sau cú ngã khiến hai đốt sống cổ bị hỏng.
Những năm sau đó, những biến cố vẫn liên tiếp đến với chàng trai trẻ khi sức khỏe giảm sút, tai nạn cứ ập đến. Bố anh cũng mãi rời xa gia đình sau những tháng ngày mẹ anh chạy vạy bán hết đồ giá trị để chạy chữa căn bệnh ung thư dạ dày cho ông.
Sau tai nạn, cuộc đời Phạm Sỹ Long tưởng như chẳng còn gì lưu luyến, anh nhìn mọi thứ chán nản, cáu gắt với mọi người. Thấy mẹ vừa đau đớn vừa lo âu cho mình, anh chỉ biết im lặng và khóc thầm. Có những đêm anh thức trắng, nghe tiếng tích tắc của đồng hồ mà thấy tim mình cũng đang đứt dần từng nhịp. Anh thấy mình đau không phải ở thể xác mà vì một nỗi đau khác sâu hơn, âm ỉ hơn, đó là cảm giác mình là gánh nặng cho gia đình.
Sự chăm sóc ân cần của mẹ, sự động viên gần gũi của người thân, bạn bè khiến anh nghĩ mình phải tìm cách vươn lên thay đổi bản thân. Anh xem đi xem lại những chương trình về Nick Vujicic, một người không có chân, không tay nhưng làm được nhiều điều ý nghĩa và nghĩ: Họ làm được thì mình cũng làm được. Từ đó, Phạm Sỹ Long bắt tay vào thiết lập lại cuộc đời mình. Đầu tiên anh tập hát. Sau đó, anh đọc sách. Lúc đầu, anh nhờ chị, em của mình cầm sách cho anh đọc. Sau đó, không muốn làm phiền họ mãi, anh nhờ người nhà kê gối cao đầu lên, rồi dưới bụng cũng kê một cái gối cho cao, dựng sách vào đó, miệng ngậm chiếc đũa để tự lật sách.
Thời gian sau, anh nghĩ: Nếu mình chỉ đọc sách mãi thế này thì cũng không để lại cho đời điều gì. Muốn lưu lại thì cần phải viết, nên anh tập ngậm bút vào miệng để viết. Thời gian đầu tập viết, môi anh lúc nào cũng tê cứng, nước dãi chảy ròng ròng, răng mòn đi, miệng lở loét, cổ họng khô khốc phải nuốt nước thay cơm và miệng cũng bị méo vì cắn bút, khoảng cách giữa giấy với mắt quá gần, nên lúc nào viết, nước mắt cũng tiết ra, cổ mỏi nhừ. Mỗi con chữ được viết ra là một lần Phạm Sỹ Long chiến thắng nỗi đau, anh không cho phép mình dừng lại, dù đôi tay anh bất động, nhưng với ý chí của mình, anh vẫn cố gắng vươn lên, quyết không đầu hàng số phận.
Anh Phạm Sỹ Long (ngoài cùng bên trái) trong buổi ra mắt tập tự truyện "Chàng rồng phiêu lưu ký".
Khi viết thành thục, đẹp rồi, anh lại tập vẽ và làm thơ. Anh bắt đầu viết tập hồi ký 800 trang về cuộc đời mình. Đến hiện tại, anh đã xuất bản thêm một tập tự truyện “Chàng rồng phiêu lưu ký”, tập thơ “Miền khát vọng” (tái bản 3 lần), tập truyện dài “Không chỉ là giấc mơ”. Ngoài ra, Long còn tham gia nhiều khóa học về luyện giọng, giao tiếp, diễn giả... Cũng trong các khóa học này, một người bạn biết được hoàn cảnh của Long, đã tặng anh một chiếc xe lăn bằng điện. Từ đó, anh có thể “đi lại” khắp nơi, một mình thực hiện mong muốn đến thăm Thủ đô Hà Nội.
Truyền cảm hứng về nghị lực vươn lên
Sau khi hoàn thành các khóa học phát triển bản thân, năm 2021, Phạm Sỹ Long cùng con gái nuôi mở lớp học online “Thức tỉnh giọng nói bên trong bạn”.
Chia sẻ về quyết định mở lớp học này, anh nói: “Tôi đã từng ở đáy sâu nhất của tuyệt vọng, đã từng nghĩ rằng cuộc đời này không dành cho những người tàn phế như tôi. Nhưng rồi, bằng một chút ánh sáng le lói từ niềm tin, từ tình thương của bố mẹ và trên hết, từ chính nỗi đau đã trải qua, tôi quyết đứng dậy, không phải bằng đôi chân, mà bằng ý chí. Cuối cùng, tôi đã biết được giá trị của cuộc sống. Nhưng chính khi đạt được những điều ấy, tôi chợt nhận ra, không phải ai cũng đủ may mắn có người bên cạnh nâng đỡ khi họ gục ngã. Không phải ai cũng biết rằng, trong họ có một ngọn lửa chờ được thắp sáng. Thế là, tôi quyết định mở lớp học này.Không phải để dạy, mà để chia sẻ và truyền đi niềm tin rằng, ai cũng có thể sống có ý nghĩa, dù họ thiếu tay, thiếu chân, hay thiếu tự tin. Tôi hiểu rất rõ sự bất lực của những người khiếm khuyết và biết được họ sẽ hạnh phúc như thế nào khi chinh phục được những khó khăn. Tôi tin, tôi làm được thì ai cũng làm được”.
Đến nay, Phạm Sỹ Long đã mở được 14 khóa học, giúp cho hơn 150 học viên tự tin hơn. 3 khóa đầu tiên, anh dạy miễn phí, các khóa sau anh có thu phí, nhưng học viên nào có hoàn cảnh khó khăn, muốn thay đổi bản thân cũng đều được miễn phí. Đặc biệt, khóa học của anh chỉ cần một thành viên trong nhà đăng ký thì cả gia đình đều học được. Vậy nên, có nhiều gia đình, cha mẹ và con cái kết nối được với nhau. Nhiều học viên có bố, mẹ là giảng viên đại học, nhưng khi thấy anh dạy cho con mình thì cũng tò mò học thử, từ đó hiểu hơn về con mình.
Chị Việt Nga (giáo viên, 46 tuổi, ở Gia Lai) chia sẻ: Trước kia, chị rất nhút nhát, nói năng không rõ ý, thường hay bối rối trước đám đông. Nhưng khi được học khóa "Thức tỉnh giọng nói bên trong bạn" của thầy Long, được thầy và đội nhóm hướng dẫn tận tình, chị đã mạnh dạn hơn, vượt qua những sợ hãi vô hình và hiện nay, chị vẫn tự luyện tập thường xuyên để vượt qua chính mình, hoàn thiện mình hơn. Bạn Đỗ Thành Trung (sinh viên Trường Đại học Công nghệ Đông Á) từ việc có tật nói lắp, nói hụt hơi và nhút nhát, sau khóa học đã biết cách làm chủ tư duy và tự tin thuyết trình trước đám đông. “Điều em thích thú hơn cả là thầy Long đã truyền cho em nghị lực mạnh mẽ không bao giờ lùi bước trước nghịch cảnh”, Thành Trung nói.
Anh Phạm Sỹ Long và mẹ tại cuộc thi hùng biện Người truyền cảm hứng-2024 do Divistion N-Toastmasters Việt Nam tổ chức. Ảnh NVCC
Với những nghị lực phi thường và việc làm ý nghĩa cũng như hành trình truyền cảm hứng của mình, tháng 9-2022, anh Phạm Sỹ Long được Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tặng Bằng khen là Gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, được vinh danh trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2022. Cũng trong năm này, Long nhận thêm Bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng về thành tích xuất sắc trong phong trào "Tôi yêu Tổ quốc tôi".
Cuối năm 2024, đầu năm 2025, anh tham gia cuộc thi hùng biện Người truyền cảm hứng-2024 do Divistion N-Toastmasters Việt Nam tổ chức. Anh đoạt giải nhì và giải thí sinh được yêu thích nhất. Trước đó, anh cũng tham gia nhiều cuộc thi viết và nhận được nhiều giải thưởng.
Trong lần trò chuyện mới đây, chàng trai liệt tứ chi Phạm Sỹ Long chia sẻ với niềm hân hoan: “Tôi đã đăng ký hiến cơ thể cho y học Việt Nam. Mong ước lớn nhất của tôi bây giờ là y học Việt Nam ngày càng phát triển, mang lại niềm hy vọng và hạnh phúc cho mọi người. Tôi mong muốn, dù chết đi, nhưng cơ thể tôi vẫn còn hữu ích, để tôi được “sống” thêm một lần nữa”.
VÕ THỊ MỸ HẠNH