Hành trình truyền cảm hứng của nữ bác sỹ mang tên một loài hoa

Hành trình truyền cảm hứng của nữ bác sỹ mang tên một loài hoa
5 giờ trướcBài gốc
Bác sỹ Hồng Nhung
Nỗi sợ và lòng đam mê
Khi còn là một cô bé, bác sỹ Nguyễn Hồng Nhung từng có một nỗi sợ sâu sắc - sợ máu. Cảm giác khi nhìn thấy những vết thương, dòng máu đỏ chảy ra từ cơ thể luôn khiến chị hồn bay phách lạc. Và thật khó để hình dung rằng, một ngày, chị trở thành một bác sỹ phẫu thuật hàm mặt - người đã làm nên những kỳ tích y học cứu sống, phục hồi và tái tạo khuôn mặt cho biết bao bệnh nhân.
Giọt máu loang, hay hình ảnh vết thương của người khác khiến cô bé Nhung cảm thấy như chính mình bị đau đớn vậy. Cha của chị - một bác sỹ nổi tiếng trong ngành y đã khuyên nhủ, nếu muốn cứu người, chị buộc phải đối mặt với nỗi sợ này. Không có sự hy sinh nào không phải trả giá. Chính những lời khuyên ấy đã thắp lên trong tâm cô gái trẻ quyết tâm, giúp chị dần vượt qua nỗi sợ máu và khởi đầu hành trình trở thành bác sỹ.
Bác sỹ Hồng Nhung hiện công tác tại Trường đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội), đồng thời là bác sĩ lâm sàng tại Bệnh viện E. Chị có học vị tiến sỹ. Chị từng phẫu thuật cho hàng ngàn bệnh nhân ung thư, trẻ em dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt, bệnh nhân liệt mặt… Chị cũng có nhiều báo cáo tại các hội nghị khoa học quốc tế trong nước và nước ngoài được đánh giá cao.
Năm 2003, khi vừa tròn 19 tuổi, Nguyễn Hồng Nhung sang Nga học chuyên ngành bác sỹ đa khoa. Đó là thời điểm chị bắt đầu tìm ra chính mình. Tại đây, trong những giờ học lý thuyết, chị đã có cơ hội tìm hiểu sâu về các bệnh lý và cách điều trị. Trong suốt những năm tháng học tập tại Học viện Y khoa Mátxcơva, chị không chỉ mải mê học tập, mà còn luôn mong muốn được tiếp cận thực tế trong các ca mổ.
Mỗi kỳ nghỉ hè, Nhung lại tranh thủ về Việt Nam để thực tập tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Khoảnh khắc đáng nhớ nhất mà chị kể lại là lần đầu tiên theo cha vào một ca phẫu thuật vi phẫu tạo hình cho bệnh nhân bị bỏng axit nặng.
Khuôn mặt bị biến dạng, không có mắt, không có mũi của bệnh nhân nhìn vô cùng đáng sợ, nhưng sau khi bác sỹ thực hiện phẫu thuật tạo hình, cô gái bị bỏng ấy đã có thể nhìn thấy ánh sáng và hít thở bình thường trở lại. Chính khoảnh khắc ấy đã khơi dậy trong bác sỹ Nhung niềm đam mê mãnh liệt với nghề, là động lực để cô gái trẻ tiếp tục theo đuổi con đường khó khăn, nhưng vô cùng cao quý này.
Trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp, nữ bác sỹ gặp phải nhiều thử thách, nhất là khi cha không đồng ý cho chị theo ngành phẫu thuật hàm mặt. Ông lo rằng, công việc này quá khắc nghiệt và đòi hỏi quá nhiều hy sinh về thời gian và công sức. Theo lời khuyên của gia đình, bác sỹ Nhung được chuyển hướng đi theo chuyên ngành khác nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, trong thời gian rảnh, chị vẫn lén tham gia các ca mổ tại phòng mổ của cha mình. Mưa dầm thấm lâu, đến năm 2011, quyết tâm của chị đã nhận được cái gật đầu của người cha, khi cho phép chị trở thành bác sỹ phẫu thuật tạo hình.
Bến đỗ của chị là Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương. Tại đây, chị đã trực tiếp tham gia những ca mổ phức tạp, đặc biệt là phẫu thuậ cho những bệnh nhân ung thư vùng hàm mặt hay những bệnh nhi bị dị tật bẩm sinh như khe hở môi, hàm ếch.
Với bác sỹ Nhung, mỗi ca phẫu thuật không chỉ là một công việc chuyên môn, mà là một cuộc sống mới, một hy vọng mới mà chị có thể trao cho những bệnh nhân nghèo khó, đặc biệt là các em bé.
Trong cuộc đời nghề y của mình, một trong những cuộc mổ đặc biệt mà bác sỹ Nhung không bao giờ quên là ca phẫu thuật cho một bệnh nhân ung thư có khối u lớn ở vùng hàm mặt. Chị sợ thất bại đến mất ăn, mất ngủ. Nhưng một người thầy của chị, PGS-TS. Lê Văn Sơn đã nói: "Bệnh nhân đang bị bệnh rất nặng. Nếu con không làm, bệnh nhân sẽ không có cơ hội. Nhưng nếu con làm được cho họ, con sẽ cho họ một cơ hội được chữa bệnh, được cứu sống". Chính lời động viên này đã giúp Nhung vượt qua lo lắng và thực hiện thành công ca phẫu thuật đó.
Không chỉ dừng lại ở kỹ thuật truyền thống, bác sỹ Nhung còn tiên phong ứng dụng công nghệ 3D vào các ca phẫu thuật tạo hình xương hàm mặt. Bằng cách sử dụng mô hình 3D, bác sỹ có thể lên kế hoạch mổ chính xác hơn, giúp giảm thiểu rủi ro và đạt được kết quả tốt nhất cho bệnh nhân.
Dù là một bác sỹ tài năng, bác sỹ Nhung cũng không ít lần phải đối mặt với khó khăn trong công việc. Chuyên ngành vi phẫu yêu cầu sự tập trung tuyệt đối và đôi khi, những ca mổ kéo dài hàng giờ đồng hồ, bác sỹ phải làm việc từ sáng đến đêm. Mỗi ca mổ là một thử thách về thể lực lẫn tinh thần, nhưng động lực lớn nhất của bác sỹ Nhung chính là sự phục hồi của bệnh nhân. “Có những lúc, tôi cảm thấy như kiệt sức, nhưng nhìn thấy bệnh nhân hồi phục, tôi lại có thêm động lực để tiếp tục làm việc. Đó là phần thưởng vô giá”, bác sỹ Nhung nói.
“Thiên thần” của những bệnh nhi hở môi, hàm ếch
Bên cạnh công việc tạo hình vi phẫu, bác sỹ Nguyễn Hồng Nhung còn tham gia nhiều chương trình phẫu thuật nhân đạo, mang lại hy vọng và niềm vui cho những trẻ em bị dị tật bẩm sinh.
Chị nhớ mãi trường hợp bé gái 2 tuổi từ miền núi cao, sinh ra với khe hở môi và hàm ếch. Mẹ của bé tâm sự rằng, con gái chị bị mọi người trong làng gọi là “ma quái” và xa lánh. Được sự hỗ trợ của các đồng nghiệp, bác sỹ Nhung đã tiến hành ca phẫu thuật để tạo hình lại khuôn mặt bé. Khi ca mổ thành công, khuôn mặt của bé gái dần trở lại hình dáng bình thường. Mẹ của bé không giấu nổi sự xúc động, ánh mắt của bà ánh lên niềm hạnh phúc vô bờ.
Chính những khoảnh khắc ấy, chị cảm nhận rõ giá trị của công việc mình đang làm.
Mỗi lần bước vào phòng mổ, bác sỹ Nhung không chỉ là một thầy thuốc, mà còn là một người mẹ, một người bạn lớn, sẵn sàng ôm ấp và xoa dịu nỗi sợ hãi của các bệnh nhi. “Nhìn các bé ngủ say sau ca mổ, tôi thấy mọi mệt mỏi trong người tan biến hết”, bác sỹ Nhung chia sẻ.
Chị cũng nhớ trường hợp một bé trai mới 3 tuổi, được gia đình đưa đến bệnh viện với khe hở môi quá rộng. Trước khi phẫu thuật, ánh mắt của cậu bé như chứa đựng sự bất an, nỗi lo sợ khi phải đối mặt với cuộc phẫu thuật. Bác sỹ Nhung đã nhẹ nhàng cầm tay bé, nói: “Con không phải sợ, bác sẽ giúp con đẹp hơn, sẽ không còn đau nữa”. Khi ca mổ hoàn tất, nhìn thấy bé trai có thể mỉm cười, khuôn mặt tươi tắn như ánh bình minh sau cơn mưa, bác sỹ Nhung hiểu rằng, mọi khó khăn trong nghề y đều xứng đáng và mỗi ca phẫu thuật đều là một câu chuyện đẹp.
Dù nghề phẫu thuật hàm mặt đầy thử thách và đòi hỏi rất nhiều sự hy sinh, bác sỹ Nhung vẫn luôn giữ vững niềm đam mê và tình yêu với nghề. Đối với chị, mỗi ca mổ thành công không chỉ là một chiến thắng trong chuyên môn, mà còn là cơ hội để thay đổi cuộc đời bệnh nhân.
Tuy nhiên, công việc này cũng có những nỗi lo riêng. Chị thừa nhận, khi có con, việc cân bằng giữa công việc và gia đình là điều vô cùng khó khăn. Những lúc đêm khuya, khi đang mổ, chị lại nhận được những cuộc gọi từ con, lúc thì con bị ốm, lúc thì nhớ mẹ. Dẫu vậy, chị không bao giờ bỏ cuộc, bởi với chị, đó là sự hy sinh xứng đáng.
Trong câu chuyện của mình, bác sỹ Nguyễn Hồng Nhung luôn bày tỏ niềm tự hào vì y học Việt Nam đã ngày càng phát triển, tiệm cận các nền y học tiên tiến trên thế giới. Chị đã tham dự và báo cáo những nghiên cứu của mình tại nhiều hội nghị khoa học quốc tế. Chị cho biết, chị đã thấy được những tiến bộ vượt bậc của nền y học Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực phẫu thuật tạo hình.
Bác sỹ Nhung hy vọng, trong tương lai, ngành phẫu thuật hàm mặt và tạo hình sẽ được mở rộng hơn nữa, giúp đỡ được nhiều bệnh nhân hơn. Chị mong muốn những trẻ em bị dị tật bẩm sinh sẽ có cơ hội được điều trị toàn diện từ khi còn nhỏ, để sau này có thể sống một cuộc đời bình thường và hạnh phúc. Với những gì từng trải qua, bác sỹ Nhung tin rằng, chỉ cần có đủ đam mê, quyết tâm và tình yêu với nghề, bất cứ ai cũng có thể vượt qua khó khăn, thử thách, để cống hiến cho sự nghiệp chữa bệnh cứu người.
Nữ bác sỹ tên một loài hoa đẹp không chỉ là một bác sỹ giỏi, mà còn là một người thầy, một người truyền cảm hứng cho các thế hệ bác sỹ trẻ, đặc biệt là các nữ bác sỹ, để họ có thể mạnh mẽ theo đuổi đam mê và vượt qua mọi khó khăn trong công việc. “Ngành y luôn đòi hỏi sự kiên nhẫn và hy sinh, nhưng nếu bạn có đam mê và lòng cống hiến, bạn sẽ nhận lại được những phần thưởng vô giá. Công việc này không chỉ là nghề nghiệp, mà là một sứ mệnh”, bác sỹ Nhung chia sẻ.
Dương Ngân
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/hanh-trinh-truyen-cam-hung-cua-nu-bac-sy-mang-ten-mot-loai-hoa-d243730.html