Hành trình từ bản nhỏ... đến giảng đường âm nhạc của nam sinh dân tộc H'Mông

Hành trình từ bản nhỏ... đến giảng đường âm nhạc của nam sinh dân tộc H'Mông
4 giờ trướcBài gốc
Giấc mơ nảy mầm từ gian khó
Sinh năm 2005 tại một vùng quê nghèo ở Đắk Lắk, Đang là con thứ năm trong một gia đình với bảy anh chị em. Ở nơi Đang sống, âm nhạc không phải là một sự lựa chọn phổ biến. Nhưng chính nơi ấy, trong những buổi sinh hoạt nhà thờ, trong tiếng hát của những người dân tộc H’Mông, niềm đam mê âm nhạc đã nhen nhóm trong anh.
Từ nhỏ, Đang không nghĩ mình sẽ theo con đường nghệ thuật. Mãi đến lớp 9, một bước ngoặt xảy ra khi anh gặp được cô Võ Thị Loan - người đã dạy anh đàn miễn phí. Mỗi tuần, Đang đến nhà thờ để học organ, rồi dần chuyển sang piano. Đang dần biết thế nào là âm nhạc, mỗi khi giai điệu nào nảy ra trong đầu, anh đều lấy giấy để viết lại.
Năm lớp 11, Đang đã tự sáng tác một bài hát bằng tiếng của người đồng bào H'mông để nói về lòng thành kính với đạo Kitô giáo. Với Đang, bài hát này được sáng tác như cách Đang bày tỏ tấm lòng của mình với tôn giáo nhưng hân hoan hơn khi bài hát này được sử dụng và cất vang trong nhà thờ. Chính điều này càng làm cho đam mê của Đang bùng lên mãnh liệt hơn.
Nam sinh viên Giàng Văn Đang. (Ảnh: NVCC)
Sau khi tốt nghiệp THPT, Đang quyết định theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Anh thi vào một trường tư thục ở Sài Gòn nhưng nhận ra học phí quá cao, vượt ngoài khả năng của gia đình. Không bỏ cuộc, Đang tiếp tục thi vào Học viện Âm nhạc Huế. Lần đầu tiên, anh thất bại. Nhưng với tinh thần không lùi bước, anh xin học trung cấp một năm để ôn luyện rồi thi lại, và lần này, Đang đã thành công trở thành một trong những sinh viên có điểm xét tuyển đầu vào top cao của ngành sáng tác âm nhạc.
Học nhạc là một hành trình đầy thử thách, Đang vừa học vừa làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt. Anh làm phục vụ quán ăn, khuân vác, rửa chén với mức lương 12.000 đồng/giờ. Không chỉ phải vật lộn với kinh tế, Đang còn trải qua những biến cố gia đình. Tháng 11/2024, ba Đang nhập viện vì bệnh gút và biến chứng máu. “Khi ấy mình cứ nghĩ đến việc bỏ học nhưng được gia đình khích lệ nên mình vẫn tiếp tục bước tiếp”, Đang nhớ lại.
Âm nhạc là tiếng nói cảm xúc
Đang không xem âm nhạc chỉ là một ngành học, mà hơn hết, đó là cách anh bày tỏ tâm tư và cảm xúc của mình. Anh có thói quen sáng tác vào ban đêm, khi không gian lặng yên, để những giai điệu tự do chảy trong đầu rồi kết tinh thành những bản nhạc đầy cảm xúc.
Đang vẫn đang nỗ lực cho ước mơ âm nhạc của mình. (Ảnh: NVCC)
Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của Đang là khi anh tự tin bước lên sân khấu để trình diễn ca khúc do chính mình sáng tác trong Lễ trao học bổng “Nâng bước thủ khoa 2024” do báo Tiền Phong tổ chức tại TP. HCM. “Nỗi sợ lớn nhất của mình lúc đó là mình không được hát”, Đang nói. Trước hàng trăm khán giả, anh run đến mức giọng hát có đôi chút chệch choạc, nhưng với anh, đó là lần đầu tiên anh thực sự cất lên tiếng nói của chính mình qua âm nhạc. “Đến với chúng em, niềm tin và ước mơ…” câu hát ấy không chỉ dành cho riêng Đang mà còn cho những người trẻ dám mơ, dám bước qua nghịch cảnh.
Tại quê nhà, nhiều người H'Mông vẫn chỉ biết chơi sáo bằng cảm tính, không hiểu về nhạc lý. Đang mong một ngày có thể trở về, dạy lại cho thế hệ sau về âm nhạc, để không chỉ có tiếng sáo mà còn có cả những bản nhạc đầy màu sắc vang lên giữa đại ngàn Tây Nguyên.
Giàng Văn Đang may mắn nhận được laptop ngoài học bổng tại chương trình 'Nâng bước thủ khoa 2024'.
Nói về ước mơ lớn nhất của mình, Đang cười bộc bạch: “Mình mong một ngày nào đó, đi đâu cũng có thể nghe thấy những bài hát của mình vang lên. Không phải vì danh tiếng, mà vì mình muốn âm nhạc của mình có thể chạm đến trái tim người khác”.
Ngoài nhận học bổng ‘Nâng bước thủ khoa 2024’, Đang cũng là một trong những sinh viên may mắn được trúng laptop trong phần bốc thăm may mắn của chương trình, đây là sự động viên, khích lệ vô cùng lớn đối với anh trên con đường chinh phục ước mơ.
Như Quỳnh - Vỉnh Dỳ
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/hanh-trinh-tu-ban-nho-den-giang-duong-am-nhac-cua-nam-sinh-dan-toc-hmong-post1715055.tpo