Hành trình từ chiến trường đánh Mỹ đến Giải thưởng Hồ Chí Minh

Hành trình từ chiến trường đánh Mỹ đến Giải thưởng Hồ Chí Minh
13 giờ trướcBài gốc
Báo Hànôịmới trân trọng trích đăng Hồi ký của GS.TS Trương Hữu Chí, nhằm giúp bạn đọc hiểu thêm về những ngày tháng hào hùng của dân tộc và những đóng góp của ông cùng đồng nghiệp cho sự phát triển sản xuất công nghệ cao ở Việt Nam.
GS.TS Trương Hữu Chí (bên phải) làm việc với Hãng Buttner về chuyển giao công nghệ Định lượng tự động về Việt Nam. Ảnh: NVCC
Từ nhà trường đến chiến trường
Tôi sinh ngày 20-9-1952 tại 55 phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bố tôi là ông Trương Đắc Vinh, sinh năm 1905, là nhà thầu vận tải đường sông tại Hải Phòng, Quảng Ninh và Nam Định, nhưng đã bị phá sản khi quân đội Nhật phá hủy toàn bộ thiết bị vận chuyển trong đêm đảo chính Pháp năm 1945. Mẹ tôi bà Bùi Thị Thực, sinh năm 1919 tại Hà Nội.
Năm 1971 tôi thi đỗ vào Đại học Bách khoa Hà Nội và theo học lớp K16A CTM từ tháng 9-1971. Năm 1972 với khí thế hào hùng của đất nước, tôi đã xung phong tham gia quân đội. Ngày 22-9-1972, chúng tôi dự lễ giao quân tại chợ Bầu, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Chiều 8-1-1973 chúng tôi tạm biệt những người thân tại Ga Thường Tín để vào miền Đông Nam Bộ cùng Đoàn 2004...
Từ ngày 11-7-1973 đến 29-11-1973 cả bốn đại đội của Đoàn 2004 được giao nhiệm vụ hàn gắn con đường chiến lược (Lộ đỏ) từ Lộc Ninh - Catum - Thiện Ngôn Xa mất đoạn từ cầu Bổ Túc - Catum - suối Nước Trong - ngã ba Đồng Pan. Công việc rất vất vả vì máy bay địch ném bom phá hoại…
Ngày 18-4-1974, tôi tạm biệt chiến trường Đông Nam Bộ và E271 trong Đoàn 619 ra Bắc. Chúng tôi được vận chuyển bằng ô tô theo đường Tây Trường Sơn qua Bản Đông đến ngã ba đường 9 đến Lao Bảo lúc 5h30 ngày 23-5 và trở về miền Bắc thân yêu sau khi vượt sông Bến Hải ngày 18-5-1974. Sau khi nộp hồ sơ tại trạm Thường Tín tôi được về điều dưỡng tại Đoàn 869 Bộ tư lệnh Thủ đô.
Sau hơn 4 tháng điều trị, điều dưỡng tôi nhận được quyết định của Bộ Tư lệnh Thủ Đô về học tại Đại học Bách khoa Hà Nội từ ngày 25-10-1974. Tôi đã học tốt những môn học của ngành chế tạo máy và là sinh viên ưu tú - Thủ khoa khóa 19 khoa chế tạo máy. Việc tự đọc và tự học các giáo trình của 2 ngành tự động hóa và vô tuyến điện tử của Bách khoa - Hà Nội giúp tôi hiểu nguyên lý và chức năng, tính năng của từng bộ phận, máy và thiết bị của 2 ngành này. Những kiến thức này đã giúp tôi xây dựng và phát triển “cơ điện tử", là phần giao thoa của 4 ngành cơ khí - điện - điện tử - công nghệ thông tin.
Tháng 11-1979, anh Hoàng Ái - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Máy và dụng cụ công nghiệp Bộ Cơ khí và luyện kim đã đến Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển 3 kỹ sư tốt nghiệp loại giỏi của khóa 19 là Nguyễn Danh Tiến ngành nhiệt luyện, Lương Đình Cường ngành gia công áp lực và tôi ngành máy công cụ và dụng cụ về làm việc tại Viện. Ngày đầu tiên đến thăm Viện tại đường Khương Đình thấy cơ sở chỉ có 3 dãy nhà cấp 4 và 1 nhà xưởng thì cũng hơi lo nhưng khi được gặp các cán bộ của Viện lúc đó là 79 người phần lớn là phó tiến sĩ, kỹ sư học ở nước ngoài về với tác phong làm việc nghiêm túc và lịch sự tôi thấy yên tâm...
Sau 2 tháng nghiên cứu tài liệu và thực trạng tôi bắt đầu sửa chữa và phục hồi máy phát xung cao tần đầu tiên và đầu tháng 3-1980 đã được thử nghiệm và đưa vào sản xuất. Đề tài đã kết thúc tốt đẹp tháng 5-1980 sau khi máy phát xung cao tần thứ 2 được đưa vào sản xuất và tôi được thưởng 200 đồng - phần thưởng lớn cho công trình khoa học đầu tiên từ sản xuất.
Năm 1991, tôi được giao đề tài Nhà nước dao răng ghép thuộc chương trình cấp Nhà nước 24-04 và được đi thực tập tại Tiệp Khắc tháng 5 và 6 năm 1982. Cuối năm 1982 ngành than có nhu cầu rất lớn về mũi khoan xoáy cầu để thay thế các sản phẩm phải mua với giá rất đắt từ Nhật Bản.
Sau khi nghiên cứu kỹ sản phẩm, vật liệu và công nghệ chế tạo, tôi đã đồng ý và được giao chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo 5 mũi khoan xoay cầu 255mm" cho mỏ than Hà Tu (Tổng công ty Than Quảng Ninh). Đây là trở ngại cuối cùng để tôi được dự thi nghiên cứu sinh năm 1985.
Vì mức độ phức tạp và tiến độ của đề tài chúng tôi được huy động tối đa năng lực và nhân sự của Viện cùng sự phối hợp của các đơn vị trong Bộ như Phòng Nhiệt luyện của Viện Công nghệ. Chúng tôi không quản ngày đêm để lần thử đầu tiên khoan được 1.000m và lần thứ hai khoan được 2.400m. Kết quả thử nghiệm này đã vượt xa sự mong đợi của chúng tôi và đó là nguồn khích lệ để tôi vượt qua kỳ thi nghiên cứu sinh tháng 5-1984 được tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
Đầu tháng 8-1985 tôi được Vụ Sau đại học cử làm nghiên cứu sinh tại Đức... Ngày 10-12-1990, tôi bay về Hà Nội với bằng tiến sĩ, là thành viên của Hội Khoa học “Cắt bằng tia nước” của Cộng hòa Liên bang Đức.
Xây dựng và phát triển ngành cơ khí điện tử
Sau hơn 5 năm du học tại Đức trở về, tôi thấy Hà Nội đã thay đổi rất nhiều. Viện chúng tôi đã chuyển sang địa điểm mới tại 46 Láng Hạ và sắp có tên mới “Viện IMI”. Trụ sở chính của Viện là ngôi nhà 5 tầng dọc theo đường Láng Hạ.
Tháng 3-1991, tôi đã viết đề nghị xin thành lập Trung tâm chuyển giao công nghệ, lúc đó là mô hình hoạt động phù hợp với các nước như Việt Nam. Tôi đã gặp Tiến sĩ Trần Việt Hùng, Bộ trưởng Bộ Cơ khí luyện kim và nhận được lời khuyên nên về Viện IMI... Đến đầu tháng 8-1991, Viện quyết định thành lập Trung tâm chuyển giao công nghệ.
Đầu năm 1993 chúng tôi bắt đầu phát triển các loại thiết bị định lượng điện tử chính xác cao cho công nghiệp sản xuất phân bón trên cơ sở hợp tác với Hãng G.Buettner từ Esling, nhờ đó doanh thu tăng nhanh và ổn định nên lần đầu tiên chúng tôi không phải vay để trả lương nữa, đồng thời chúng tôi tuyển mỗi năm 15 kỹ sư giỏi từ các ngành: Chế tạo máy, điện tử, điện tự động hóa và công nghệ thông tin từ Đại học Bách khoa Hà Nội.
Đầu năm 1996, tôi được bổ nhiệm là Viện Phó kiêm Giám đốc Trung tâm chuyển giao công nghệ. Chúng tôi tiếp tục thiết kế các loại thiết bị định lượng tự động cho công nghiệp cũng như đủ loại trạm trộn bê tông tự động để cung cấp ra thị trường. Các sản phẩm này có độ hiện đại tương đương như các sản phẩm của Đức nhưng giá chỉ bằng 25% nên chúng tôi phải hợp tác với Công ty Cơ khí 1-5 Hải Phòng và Công ty Xây lắp 2 sản xuất mới đáp ứng đủ yêu cầu của khách hàng.
Đầu năm 1997, Trung tâm B2 vẫn tiếp tục đà phát triển ổn định và ngày 4-7-1997 tôi được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện IMI với hai nhiệm vụ cơ bản: Giữ ổn định và tạo sự phát triển tương đối đồng đều giữa các trung tâm của Viện IMI.
Những năm cuối 1990, nhu cầu đào tạo nghiên cứu sinh trong nước là rất lớn bên cạnh đó các xưởng thực nghiệm và lực lượng tiến sĩ học nước ngoài về cũng đủ để thành lập cơ sở đào tạo sau đại học. Ngày 27-2-1999 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 29/1999 QĐ-TTg giao nhiệm vụ cho Viện IMI được đào tạo tiến sĩ. Với quyết định này của Thủ tướng, Viện IMI đã chính thức trở thành đơn vị đào tạo tiến sĩ.
Hành trình làm khoa học của tôi và các đồng nghiệp dù khó khăn nhưng cũng nhận được sự động viên, khích lệ, ghi nhận. Ngày 30-8-2005, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký quyết định tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ cho Cụm công trình nghiên cứu thiết kế chế tạo cụm thiết bị cơ điện tử trong công nghiệp cho nhóm tác giả 15 người, đại diện bởi tác giả Trương Hữu Chí - Viện trưởng Viện Máy và dụng cụ công nghiệp.
Ngày 29-6-2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho tôi với tư cách là Viện trưởng Viện Máy và dụng cụ công nghiệp (Bộ Công nghiệp, nay là Bộ Công Thương) vì đã có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu, thiết kế, chỉ đạo cụm thiết bị cơ điện từ trong công nghiệp... Những sự ghi nhận này thực sự là động lực để tôi tiếp tục cống hiến cho khoa học.
Trong khi đó, doanh thu của Viện IMI tăng đều từ năm 1995 là 10 tỷ đồng; năm 2000 là 100 tỷ đồng và đến năm 2004 chúng tôi đã đến điểm bão hòa nên để bảo đảm được sự tăng trưởng nhanh và tạo vốn, chúng tôi đã nhận Công ty Kinh doanh ô tô nhập khẩu Visaco làm công ty thành viên của Viện IMI. Nhờ đó doanh thu năm 2005 đạt 1.000 tỷ đồng và cao nhất đạt 9.000 tỷ đồng năm 2009.
Tháng 9-2012, tôi nhận được thông báo nghỉ hưu từ ngày 1-1-2013 và Viện IMI được tiếp tục thực hiện quá trình cổ phần hóa. Phong trào chuyển giao công nghệ để thành lập các công ty mới đã trở thành một trào lưu đối với các kỹ sư của Viện, phân viện và các công ty thành viên. Đến năm 2012 đã có hơn 30 kỹ sư của Viện đã thành lập công ty mới trong đó có 3 công ty cổ phần tập đoàn. Nếu tính cả các đơn vị được tiếp nhận chuyển giao công nghệ của Viện IMI khi thống kê được đầy đủ, chúng ta sẽ thấy rõ ảnh hưởng của Viện IMI rõ hơn trong sự phát triển sản xuất công nghệ cao ở Việt Nam. Đó là điều tự hào của những người có trách nhiệm ở Viện IMI như chúng tôi.
Trương Hữu Chí
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/hanh-trinh-tu-chien-truong-danh-my-den-giai-thuong-ho-chi-minh-701079.html