Hành trình 'vượt nắng, thắng mưa' tại Dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên

Hành trình 'vượt nắng, thắng mưa' tại Dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên
11 giờ trướcBài gốc
Tháng 7 là mùa mưa Lào Cai, mỗi khi nước trút xuống, đoạn đường đất lên vị trí cột VT93 thuộc xã Bảo Yên lại trở nên lầy lội, bám dính lấy chân người. Thế nhưng khi mưa ngớt, nắng hửng lên, đất vừa se khô thì những công nhân tại Dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên lại đổ ra công trường với quyết tâm "làm bù, làm gấp" để hoàn thành tiến độ.
Treo người ôm cột điện giữa nắng như nung
14h30 mùa hè, thời tiết vô cùng nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời lúc này lên đến hơn 40ºC. Đoàn công tác chúng tôi có mặt tại vị trí cột điện 369 tại Dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên và cảm nhận ngay không khí làm việc cũng "nóng" không kém.
Lau mồ hôi vào chiếc áo ướt sũng, anh Nguyễn Đức Sơn, công nhân lắp cột tại công trường, nhờ đồng nghiệp phụ đỡ mình công việc, để tranh thủ vài phút nghỉ ngơi, uống nước mát.
“Gần 2 tháng qua làm 3 vị trí cột, tôi chỉ nghỉ 1 ngày duy nhất. Công việc đang cực kỳ khẩn trương để theo kịp tiến độ đề ra nên ai cũng nỗ lực. Mỗi ngày, công việc sẽ bắt đầu từ lúc 5h30 để tranh thủ khi trời còn chưa quá nắng đến 10h30 thì tranh thủ nghỉ ngơi vì thời tiết khắc nghiệt, rồi lại tiếp tục vào buổi chiều. Nhiều khi nắng quá xây xẩm mặt mày chúng tôi phải thay nhau vào chỗ mát uống nước nhờ đồng nghiệp hỗ trợ”, anh Sơn chia sẻ.
Người công nhân trèo lên ôm thân cột điện trong điều kiện nắng nóng, nhiệt độ hơn 40ºC.
Anh Sơn cho biết thêm, mỗi ngày tại đây, 29 công nhân phối hợp nhịp nhàng với nhau để những cột điện lên cao. "Mỗi lần như thế, những người đứng bên dưới buộc chặt cột sắt vào xe cẩu chuyên dụng, giơ tay ra hiệu để đưa lên cao. Khi cột sắt được đưa lên đủ tầm, nhóm người ở trên bắt đầu đặt cột vào đúng vị trí, người công nhân ôm những cây cột điện nóng rãy vì nắng rồi bắt ốc vít vào các khớp nối. Hầu như lần nào chúng tôi cũng ướt sũng, mồ hôi trên áo thấm đẫm lên cột", anh Sơn nói về những khó khăn khi làm ở trên cao giữa thời tiết đổ lửa.
Anh Nguyễn Đức Sơn tranh thủ giây phút ít ỏi để nghỉ ngơi trên công trường.
Cột VT93 nằm ở trên ngọn đồi cao hơn cả trăm mét so với mực nước biển. Chiều cao của cột là 83m. Nắng nóng gay gắt, nhiệt độ hấp thụ vào thân cột bằng kim loại. Khi tiếp xúc với thân cột, những người công nhân lắp cột được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ nhưng vẫn không khỏi cảm giác khó chịu. Mồ hôi nhỏ xuống cũng nhanh chóng bay hơi.
Ngoài ra, do mặt bằng không phẳng nên móng cột số 93 theo dạng lệch, các cột có độ chênh nhau tới 6m, yêu cầu kỹ thuật cao cần nhiều dụng công lắp đặt. Dù gian khó, những người công nhân vẫn giữ vững tinh thần quyết tâm hoàn thành kịp tiến độ, không ngại gian khổ.
Dù đã nghe nhiều nhưng phải đến công trường Dự án đường dây điện 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, chứng kiến tận mắt mới có thể thấy được sự khó khăn, vất vả, khốc liệt vì địa hình thi công chủ yếu trên đồi núi và thời tiết khắc nghiệt cùng cường độ làm việc khẩn trương không kịp nghỉ.
Đây là một trong các dự án trọng điểm quốc gia, chiều dài toàn tuyến 229,5km, đi qua 2 tỉnh gồm Lào Cai, Phú Thọ. Thủ tướng phát lệnh khởi công vào ngày 16/3 và yêu cầu hoàn thành đóng điện công trình trước 19/8. Thi công với thời gian chỉ hơn 5 tháng, “chiến dịch” tăng tốc vì thế được vận hành, bất chấp vô vàn khó khăn, gian khổ.
Để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ, hàng ngày vẫn có hàng nghìn công nhân lao động chăm chỉ, miệt mài, hết mình trên công trường. Với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương" và quyết tâm thi công "3 ca 4 kíp" đúng như chỉ đạo của Thủ tướng, mọi nhân lực của Dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên luôn kỳ vọng sẽ về đích đúng hẹn.
Người lao động với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa" quyết tâm tăng tốc hoàn thành Dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên.
Nắng nóng như đổ lửa khiến công việc hàng ngày của công nhân thêm khó khăn.
Gian nan đưa vật liệu lên đỉnh đồi
Một trong những khó khăn đặc biệt tại Dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên là nhiều vị trí móng cột nằm trên đỉnh đồi, lưng chừng núi địa hình dốc đứng rất khó khăn, nguy hiểm cho việc vận chuyển vật liệu và tổ chức thi công.
Nhằm giảm độ dốc và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình vận chuyển vật tư, thiết bị, tuyến đường công vụ lên móng cột được chia nhỏ và thi công theo từng đoạn. Thậm chí, nhiều điểm muốn lên còn phải sử dụng nhiều loại phương tiện khác nhau.
Đơn cử như vị trí cột điện 140 tại xã Lâm Thượng, Lào Cai. Đường núi dài khoảng 1,8km, dốc khoảng 60 độ, quanh co, khúc khuỷu, có đoạn đường nằm giữa hai sườn núi dốc, tạo thành một con đường hẹp. Đứng ở dưới chân núi nhìn lên điểm thi công, tôi thầm hỏi làm cách nào họ có thể đưa được vật liệu lên đó.
Đoàn công tác muốn lên được công trường phải sử dụng 3 chiếc xe và đi thành nhiều chuyến. Chuyến đầu tiên là trên một chiếc xe công nông được kéo lên núi bằng chiếc xe ủi. Chiếc xe đi trước có tác dụng san phẳng các khu vực gồ ghề, loại bỏ chướng ngại vật. Chỉ những loại xe khỏe leo núi mới có thể di chuyển được ở địa hình nơi đây.
Đến đoạn đường hẹp, xe ủi khó có thể tiếp tục đưa xe công nông đi qua, chúng tôi lại chuyển sang xe bán tải chuyên dụng ở công trường. Từ đó, chiếc xe gầm cao, máy khỏe vẫn phải chậm chạp vượt đoạn đường núi quá cao và đốc đưa mọi người lên đến đỉnh.
Đường núi hiểm trở để lên đến vị trí cột 140 tại xã Lâm Thượng, Lào Cai
Vì đường núi dài, dốc, nhân sự muốn lên đến vị trí cần phải sử dụng nhiều loại phương tiện khác nhau.
Giờ trưa, những người công nhân tranh thủ tránh nóng trong lán trại được dựng đơn sơ. Tuy ngồi nghỉ ngơi nhưng mồ hôi vẫn chảy thành dòng trên làn da rám nắng.
Ông Văn Minh Tâm, quản lý gói thầu 3HH, đang có mặt trên công trường xây dựng vị trí cột điện 140 chia sẻ: “Công việc ở đây rất gian nan do địa hình hiểm trở, đồi núi nhiều, độ dốc cao. Công tác mở đường cũng mất rất nhiều thời gian. Các ống thép dài, nặng, phải chia thành nhiều đoạn để vận chuyển dần lên đến nơi. Mọi nhân sự đều đang quyết tâm, nỗ lực để đưa mọi hạng mục của công trình này về đích”.
Sự đồng lòng, phối hợp không chỉ của các công nhân mà còn của nhiều đơn vị quản lý, cơ quan chức năng và cả bộ đội, giúp tiến độ của công trình đang ngày càng thần tốc hơn, kịp tiến độ về đích hơn.
Tại vị trí cột số 140, chúng tôi gặp Thượng úy Đỗ Đức Anh chỉ huy trưởng lực lượng bộ đội Trung đoàn 174 Sư đoàn 316, Quân khu 2 (Bộ Quốc phòng) đang hỗ trợ vận chuyển vật tư, xây dựng phần móng của công trình.
Anh nói: “Mấy ngày trước, nơi đây vừa có mưa lớn. Đường ngập nặng, bùn chảy dẫn đến xe chuyên dụng không thể vận chuyển máy móc, thiết bị, vật liệu lên đến được công trường. Chúng tôi phải sử dụng cuốc xẻng để nạo vét bùn, làm phẳng để đường công vụ di chuyển dễ dàng hơn và hỗ trợ đơn vị thi công bốc các loại vật tư, sắt, cốp pha lên xe để trung chuyển lên vị trí công trường. Ngoài ra là nhiệm vụ nạo vét, đan sắt tại phần chân móng cột để kịp tiến độ đổ bê tông”.
Từ đầu tháng 6, Quân khu 2 đã phối hợp với Ban dự án để đưa bộ đội đến hỗ trợ tại các hạng mục khó khăn nhất. 121 chiến sĩ của Trung đoàn 174, Sư đoàn 326 đang đồng thời phối hợp cùng đơn vị thi tại 3 điểm cột khác nhau.
Bộ đội Quân khu 2 sửa đường, vận chuyển vật liệu, hỗ trợ Dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên.
Những người lính phối hợp cùng công nhân để dự án có thể hoàn thành trong thời gian sớm nhất.
Rời khỏi vị trí cột điện 140, chúng tôi đi đến các vị trí cột 369 tại xã Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ). Công trường nằm trên thửa đất gần bên dòng sông Lô. Để xây dựng những vị trí cột vượt sông như vậy, các đơn vị kỹ thuật phải tính toán chi tiết, cẩn thận vì tuyến dây sẽ dài hơn. Cột điện tại đây cao tới 130m, cao nhất toàn Dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên.
Lãnh đạo các đơn vị đều bám hiện trường cùng cán bộ, công nhân, trực tiếp tháo gỡ vướng mắc tại chỗ. Anh Hồ Văn Thắng, đội trưởng đội thi công thuộc Công ty Xây Lắp Mạnh Trường Sơn nhấn mạnh: “Đây là vị trí cột cao nhất trên toàn đường dây với chiều cao là 130m và nặng 352 tấn. Tuy vậy lại phải xây dựng trên nền đất ruộng. Chúng tôi phải mua thêm đất đá để đổ vào lát nền. Các vị trí trên cao, đơn vị phải thuê xe cẩu 500 tấn mới có thể đưa vật liệu tới vị trí mong muốn. Công nhân lên cột cũng phải có kinh nghiệm, chuyên môn tốt vì càng cao, lắp đặt càng khó. Nhưng tất cả mọi nhân sự đều nỗ lực để cùng nhau 'vượt nắng, thắng mưa’, tăng tốc hoàn thành các cột mà mình phụ trách để kịp tiến độ ngày 19/8”.
Cột điện vị trí 369 là một trong những cột khó thi công nhất trên toàn đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên. Tuy vậy, đến nay công trình này đã hoàn thành được 90% các hạng mục.
Trên công trường nắng gắt, những người công nhân vẫn miệt mài thi công.
Ông Bùi Phương Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Điện 1 chia sẻ: "Đồng hồ đếm ngược đến lúc này chỉ còn gần một tháng nữa là phải xong. Cũng lo. Quyết tâm thì không phải nói nữa, vật tư thiết bị cũng đã ổn nhưng lo cái thời tiết thất thường sẽ ảnh hưởng đến tiến độ. Vật tư chỗ nào cũng khẩn trương tập kết đến chân công trình. Gần 100% vị trí móng cột đã xong, nhiều khoảng néo chúng tôi đã bắt đầu cho kéo rải dây. Tất cả chúng tôi đều có mặt trên công trường. Phấn đấu để hoàn thành đóng điện vào ngày 19 tháng 8, đây là nhiệm vụ Thủ tướng giao cho ngành điện và cán bộ nhân dân hai tỉnh Lào Cai, Phú Thọ".
Bài học từ những dự án trước cho thấy, tinh thần quyết tâm và nỗ lực của đội ngũ công nhân, người lao động là yếu tố then chốt quyết định tiến độ và chất lượng công trình. Năm ngoái, đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối, dài 519km, được hoàn thành chỉ sau hơn 6 tháng thi công, một kỳ tích hiếm có. Năm nay, đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên tiếp tục được kỳ vọng sẽ lập nên dấu mốc mới của Tổng công ty Điện lực Việt Nam.
Hoàng Hà
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/hanh-trinh-vuot-nang-thang-mua-tai-du-an-duong-day-500kv-lao-cai-vinh-yen-ar954636.html