Nhà báo Hạnh Nguyên phỏng vấn thầy trò ở huyện Bảo Lâm, huyện xa nhất, nghèo nhất của tỉnh Cao Bằng.
Bước tiến mới
‘Cao bằng’ giờ đã ‘cao hơn’ là tác phẩm của nữ phóng viên Ngô Thị Hạnh Nguyên - Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Cao Bằng tham gia tại Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2024.
Nhà báo Hạnh Nguyên chia sẻ, Cao Bằng là tỉnh miền núi phía Bắc, còn nhiều khó khăn, với 7/10 huyện thuộc diện 30a. So về điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học thì các cơ sở giáo dục của địa phương còn nhiều thiếu thốn, thiệt thòi. Còn nói về lĩnh vực khoa học công nghệ, Cao Bằng không thể sánh với các thành phố lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội.
“Tuy nhiên, với sự nỗ lực rất cao, có thể nói là phi thường của thầy và trò, cũng như sự ủng hộ hết mình, tạo điều kiện về cơ chế chính sách, sự quan tâm của ngành Giáo dục, năm 2024, lĩnh vực giáo dục STEM và STEAM của Cao Bằng đã sánh bằng và vượt so với cả nước” – nhà báo Hạnh Nguyên cho hay.
Nữ phóng viên dẫn chứng, đội thi Trường THPT Chuyên Cao Bằng giành giải vô địch quốc gia cuộc thi VEX IQ, điều khiển robot hiện đại nhất trên thế giới và liên tiếp 2 năm liền đến Hoa Kỳ tham dự giải quốc tế. Năm nay, đội đứng ở vị trí 49 thế giới, cao hơn nhiều bang ở Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng một số nước phát triển.
'Cao Bằng' giờ đã 'cao hơn' là bức tranh toàn cảnh về giáo dục STEM ROBOTIC của địa phương.
“Tác phẩm dự thi của tôi như câu chuyện đẹp để lan tỏa tích cực, từ sự vượt lên khó khăn của một điểm sáng là Trường THPT Chuyên tỉnh Cao Bằng, mà nay hành trình “xóa mù” công nghệ đã len lỏi mọi cấp học, mọi huyện nghèo trên địa bàn tỉnh” nhà báo Hạnh Nguyên cho hay.
Hiện, học sinh mang robot ra phố đi bộ để dạy cho nhau, đó là bước tiến mới của Cao Bằng và cũng có thể gọi là tấm gương về giáo dục STEM ROBOTIC của cả nước.
Hòa cùng niềm vui, hạnh phúc của thầy - trò
Cao Bằng có nhiều cái nhất, nghèo nhất nhưng cũng có nhiều kỷ lục nhất theo hướng tích cực mà nữ phóng viên trẻ đã kể trong tác phẩm qua rất nhiều góc nhìn, của các chuyên gia, các tỉnh bạn và của những người trong cuộc - rất khách quan.
Theo nhà báo Hạnh Nguyên, “Cao Bằng" giờ đã "cao hơn” là bức tranh toàn cảnh về giáo dục STEM ROBOTIC của địa phương. Đó là hành trình nuôi đề tài, theo đuổi đề tài từ những ngày đầu còn khó khăn và bây giờ đã có thành quả, trở thành phong trào thi đua.
Robot len lỏi trong từng cấp học, ở bậc mầm non tại Cao Bằng.
“Tôi nhận thấy, khi đi cùng đề tài, từ bắt đầu đến lúc đơm hoa kết trái, thì chính tác giả cũng là người có cảm xúc tự hào, xen lẫn xúc động như những người trong cuộc. Khi nhìn lại thành quả có được và xem lại tác phẩm của mình, tôi đã hòa vào niềm vui, hạnh phúc của các thầy, cô giáo, các em học sinh và cả ngành giáo dục Cao Bằng” – nhà báo Hạnh Nguyên bộc bạch.
Chia sẻ về hành trình thực hiện đề tài này, nữ phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Cao Bằng cho hay, ekip phải đi đến những huyện rất xa của tỉnh như: Bảo Lâm, cách trung tâm thành phố hơn 200 km, đường đèo dốc khó đi. Nơi đây tập trung đông đồng bào thiểu số Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô.
Có những học sinh chưa từng biết máy vi tính là gì, gần như 100% như vậy. Những nhân vật trong tác phẩm - đến lớp 9 mới lần đầu tiên được tiếp cận máy vi tính. Việc đầu tiên các bạn ấy được học là lập trình ảo. 2 bạn nữ đó đã được giải nhì cấp tỉnh.
“Bảo Lâm là huyện nghèo nhất tỉnh Cao Bằng nhưng lại là huyện đầu tiên của tỉnh tổ chức cuộc thi cấp huyện về lập trình và điều khiển robot. Đó là điều vô cùng ấn tượng” – nhà báo Hạnh Nguyên bày tỏ.
Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam là cơ hội để nữ phóng viên “trình làng” tác phẩm của mình trên một phương diện hoàn toàn mới. Đây là sân chơi ý nghĩa, đặc biệt là tổ chức trao giải vào dịp 20/11, ngày Nhà giáo Việt Nam.
“Thật tuyệt vời biết bao khi họ xem lại hình ảnh của mình trên màn hình ti vi, họ thấy mình đã nỗ lực như thế nào và chắc chắn rất hạnh phúc” – nhà báo Hạnh Nguyên bày tỏ.
Nữ nhà báo nhận thấy, trên đất nước của chúng ta có nhiều thầy, cô giáo đáng trân quý. Họ tâm huyết với nghề, yêu học trò. Họ không chỉ mong muốn cho học trò được hưởng những điều kiện giáo dục tốt nhất, mà chính họ là những người hành động để mong muốn đó trở thành hiện thực.
Nhà báo Hạnh Nguyên chụp ảnh kỷ niệm nhận giải năm ngoái cùng cô giáo Đỗ Trà - nhân vật trong tác phẩm, góp công lớn đưa học sinh Cao Bằng sang thi đấu vòng quốc gia tại Mỹ.
“Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam là cơ hội để những người làm báo như chúng tôi viết về người thầy, về ngành giáo dục. Đó là động lực các thầy, cô giáo trên mọi miền của Tổ quốc cảm thấy tin tưởng hơn về những điều tốt đẹp, để thêm yêu nghề. Với tôi, nghề giáo luôn nghề thiêng liêng và cao quý nhất” – nhà báo Hạnh Nguyên bộc bạch.
Minh Phong