Hành vi 'độ' xe bị xử phạt thế nào?

Hành vi 'độ' xe bị xử phạt thế nào?
7 giờ trướcBài gốc
Công an TPHCM đã đột kích hàng loạt cơ sở “độ” xe trên địa bàn thành phố, phát hiện nhiều phương tiện có dấu hiệu thay đổi đặc tính xe. Ảnh: CATPHCM
Theo luật sư Nguyễn Hữu Thục, Đoàn Luật sư TPHCM, Văn phòng Luật sư Thục và cộng sự, dù được xem là sở thích cá nhân của một bộ phận người dân nhưng trên thực tế, hành vi "độ" xe không chỉ gây tốn kém mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm pháp luật.
Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, hành vi "độ" xe sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt nghiêm khắc, tùy thuộc vào loại phương tiện và mức độ vi phạm, cụ thể như sau:
Thứ nhất, mức xử phạt đối với phương tiện xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy như sau:
+Đối với hành vi tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với chứng nhận đăng ký xe: Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với cá nhân, từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe (căn cứ điểm a, khoản 1 Điều 32 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định);
+Đối với hành vi lắp đặt, sử dụng thiết bị âm thanh, ánh sáng trên xe gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe (căn cứ điểm c khoản 3 Điều 32 Nghị định 168/2024/NĐ-CP);
+Đối với các hành vi như tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe; lắp đặt, sử dụng thiết bị thay đổi biển số trên xe trái quy định; đưa phương tiện không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số) tham gia giao thông;
đưa phương tiện gắn biển số không đúng với chứng nhận đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp tham gia giao thông: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe (căn cứ Điểm b, g, h Khoản 8 Điều 32 Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
Luật sư Nguyễn Hữu Thục Ảnh: NVCC
Thứ hai, mức xử phạt đối với phương tiện là xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô:
+ Đối với hành vi tự ý lắp kính chắn gió, kính cửa của xe không phải là loại kính an toàn và hành vi không làm thủ tục khai báo với cơ quan đăng ký xe theo quy định trước khi cải tạo xe (đối với loại xe có quy định phải làm thủ tục khai báo):
Phạt tiền từ 300 nghìn đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân hoặc 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức vi phạm (căn cứ khoản a Khoản 2 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).
+ Hành vi tự ý thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong chứng nhận đăng ký xe và lắp đặt, sử dụng thiết bị âm thanh, ánh sáng trên xe gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ, cố ý can thiệp làm sai lệch chỉ số trên đồng hồ báo quãng đường đã chạy của xe ô tô:
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe (căn cứ điểm i, k Khoản 7 Điều 32 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).
+ Hành vi tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực), hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế trong hồ sơ đã nộp cho cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe hoặc tự ý lắp đặt thêm cơ cấu nâng hạ thùng xe, nâng hạ công-ten-nơ trên xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc): Phạt tiền từ 65.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 130.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe (căn cứ theo điểm c khoản 16 Điều 32 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).
Cũng theo luật sư Nguyễn Hữu Thục, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt hành chính, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi "độ" xe có thể bị trừ điểm giấy phép lái xe và bị áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc khôi phục lại nhãn hiệu, màu sơn ghi trong chứng nhận đăng ký xe theo quy định, buộc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật theo quy định (lắp đúng loại kính an toàn);
nếu gây hư hại cầu, đường phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; buộc tháo dỡ thiết bị âm thanh, ánh sáng lắp đặt trên xe gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
"Những chiếc xe bị thay đổi cấu trúc dễ trở thành "hung thần" trên đường phố, đe dọa đến sự an toàn của toàn xã hội. Pháp luật nghiêm cấm và có chế tài xử lý mạnh tay để răn đe và bảo vệ lợi ích cộng đồng.
Người dân cần nâng cao nhận thức, từ bỏ "thú vui nguy hiểm" này, đồng thời tích cực tố giác các hành vi độ xe trái phép để góp phần xây dựng môi trường giao thông văn minh, an toàn", luật sư Nguyễn Hữu Thục đưa ý kiến.
"Độ" xe, thuật ngữ phổ biến trong giới chơi xe, là hành vi tự ý can thiệp, thay đổi kết cấu, đặc tính hoặc chức năng gốc của phương tiện so với thiết kế ban đầu của nhà sản xuất. Việc "độ xe" có thể bao gồm: thay đổi màu sơn, gắn thêm thiết bị âm thanh - ánh sáng, chỉnh sửa động cơ, khung sườn hay thậm chí là thay đổi cả kết cấu xe.
Đinh Thu Hiền
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/hanh-vi-do-xe-bi-xu-phat-the-nao-20250422140114001.htm