Hành vi thiếu ý thức tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam: Cần làm gì để không tái diễn?

Hành vi thiếu ý thức tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam: Cần làm gì để không tái diễn?
4 giờ trướcBài gốc
Những ngày gần đây, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tại địa điểm mới trên Đại lộ Thăng Long (thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo người dân. Từ ngày 1/11, bảo tàng mở cửa miễn phí, mang đến cơ hội cho nhiều phụ huynh, học sinh và trẻ nhỏ trải nghiệm không gian lịch sử sống động, chiêm ngưỡng những hiện vật quý giá gắn liền với các giai đoạn hào hùng của dân tộc. Mỗi ngày, hàng trăm lượt khách ghé thăm, tạo nên không khí nhộn nhịp, sôi động nhưng cũng đầy tính trang nghiêm.
Tuy nhiên, bên cạnh những hình ảnh đẹp về ý thức tham quan văn minh, không ít sự việc đáng tiếc đã xảy ra, làm dấy lên những lo ngại về việc bảo vệ các hiện vật trưng bày. Trên mạng xã hội, nhiều người đã chia sẻ những hình ảnh và câu chuyện không mấy tích cực từ bảo tàng. Một số trẻ em đã làm gãy biển tên, thậm chí trèo, đạp lên các hiện vật, gây hư hỏng nghiêm trọng. Đáng nói, những hành vi này xảy ra bất chấp nội quy bảo tàng đã được nêu rõ ràng và được phổ biến tại các khu vực tham quan: “Không tì tay lên kính, không chạm tay hay trèo lên hiện vật”.
Hiện tượng trẻ em chèo lên hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Nguồn:Trang Facebook Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Đây không phải lần đầu tiên những hành động như vậy được ghi nhận tại các bảo tàng tại Việt Nam. Năm 2016, khi Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam mở cửa miễn phí, tình trạng tương tự cũng đã xảy ra. Lượng khách đổ về quá đông đã gây áp lực lớn cho công tác quản lý, dẫn đến việc nhiều em đã tự ý chạm tay vào các mẫu vật. Tuy vậy, bất chấp những biển cảnh báo cấm và lời nói của những nhân viên canh gác, nhiều phụ huynh vẫn để tình trạng này xảy ra, và thậm chí còn chạm vào hiện vật.
Chiều 12/3/2019, trang Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi – Xanh - Sạch - Đẹp đã phản ánh về hành động nhiều du khách quốc tế vô tư ngồi lên chiếc xe lôi trong Bảo tàng Đà Nẵng để chụp hình. Đặc biệt, các du khách này đều là người lớn tuổi, nhưng vẫn ngang nhiên ngồi lên hiện vật, bất chấp lời nhắc nhở của nhân viên bảo tàng.
Vụ việc trẻ em chạm vào hiện vật tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam năm 2016 cũng đã gây không ít bức xúc trong dư luận. Ảnh: Báo Gia đình & Xã hội.
Trên thực tế, việc gìn giữ, bảo quản các hiện vật, đặc biệt là những bảo vật quốc gia, là nhiệm vụ đầy thách thức, đặc biệt là với bảo tàng lớn như Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Nơi đây đang trưng bày hơn 150.000 hiện vật, trong đó có bốn bảo vật quốc gia gồm hai máy bay MIG-21 số hiệu 4324, 5121, xe tăng T54B số hiệu 843 và bản đồ quyết tâm chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đây là những hiện vật có giá trị lịch sử đặc biệt, không chỉ là minh chứng sống động cho những chiến công vang dội, mà còn là niềm tự hào của người Việt Nam qua những năm tháng chiến tranh.
Chính vì vậy, để góp phần bảo vệ những hiện vật “vô giá” này, cần đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa đội ngũ bảo tàng và chính khách tham quan. Tuy nhiên, không ít phụ huynh dường như chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của các hiện vật, dẫn đến việc thiếu giám sát con em mình trong quá trình tham quan.
Trong khi đó, trẻ nhỏ vốn hiếu động, thích khám phá, nhưng điều này không thể là lý do để biện minh cho các hành vi thiếu ý thức tại các khu vực công cộng. Việc để trẻ tự do chạy nhảy, đùa nghịch trong không gian bảo tàng không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng tham quan của những người xung quanh mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hư hại nghiêm trọng đến các hiện vật lịch sử.
Vì vậy, phụ huynh cần đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục trẻ về quy tắc ứng xử nơi công cộng, đồng thời dạy trẻ biết trân trọng các giá trị lịch sử, văn hóa. Điều này không chỉ giúp hình thành thói quen tốt cho trẻ mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với công lao gìn giữ di sản của thế hệ đi trước.
Qua mỗi chuyến tham quan, trẻ không chỉ được mở rộng kiến thức mà còn học được cách cư xử đúng mực, có ý thức hơn trong việc bảo vệ những giá trị chung của cộng đồng. Về phần mình, chính phụ huynh cũng được bồi dưỡng thêm lòng yêu nước, cũng như học thêm được những kiến thức lịch sử, những bài học kinh nghiệm quý báu của ông cha ta, để có thể tiếp tục dạy trẻ kể cả khi về nhà.
Phú Quý
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/hanh-vi-thieu-y-thuc-tai-bao-tang-lich-su-quan-su-viet-nam-can-lam-gi-de-khong-tai-dien-359043.html