Anh Nguyễn Văn Thăng - quận 1, TP HCM:
Chủ động làm hòa
Tôi luôn chọn cách chủ động làm hòa mỗi khi xảy ra va chạm giao thông, đơn giản vì ngại gặp rắc rối. Nỗi lo ngại ấy có lẽ xuất phát từ những câu chuyện tôi từng nghe, như bị hành hung, bị "bắt vạ" hay bị kéo vào vòng xoáy pháp lý phức tạp. Tôi vốn không giỏi ăn nói, lại thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống nên càng e ngại khi phải đối mặt sự tranh cãi, đôi co.
Tôi hiểu rằng chuyện chủ động làm hòa đôi khi đồng nghĩa với việc phải chịu thiệt thòi. Có thể trong tình huống va chạm nào đó, dù không sai hoàn toàn nhưng để tránh rắc rối, tôi sẵn sàng bỏ qua, nhường nhịn. Thà mất ít tiền và tốn chút thời gian sửa xe còn hơn là vướng vào những chuyện phiền phức, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống.
Tất nhiên, không phải lúc nào tôi cũng chọn cách im lặng. Nếu gặp phải những trường hợp cố tình gây sự, vu khống, tôi sẽ kiên quyết bảo vệ quyền lợi của mình. Lúc ấy, tôi sẽ cố gắng giữ bình tĩnh, tìm cách giải quyết êm đẹp hoặc nhờ đến sự can thiệp của cơ quan chức năng.
Cách xử lý của tôi có thể bị nhiều người cho là nhu nhược, thiếu bản lĩnh. Nhưng với tôi, an toàn và sự bình yên trong tâm hồn là quan trọng hơn cả. Tôi tin rằng sự nhường nhịn, bao dung sẽ giúp cuộc sống trở nên nhẹ nhàng, thoải mái hơn.
CSGT can thiệp một vụ việc va chạm giao thông dẫn đến xô xát xảy ra tại quận 3, TP HCM mới đây Ảnh: ANH VŨ
Anh Võ Hồng Phúc - TP Thủ Đức, TP HCM:
Làm chủ bản thân
Tôi luôn tự hào là một người tham gia giao thông văn minh, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Thế nhưng, dường như sự tử tế của tôi đôi khi lại trở thành "miếng mồi ngon" cho những kẻ thiếu ý thức. Không ít lần tôi bị tạt đầu xe, lấn làn, chuyển làn không bật đèn xi nhan hay bị chen ngang khi đang chờ đèn đỏ... Mỗi lần như vậy, sự bức xúc trong tôi lại dâng lên.
Cảm giác bất lực, ức chế khi chứng kiến những hành vi thiếu văn hóa giao thông ấy diễn ra ngay trước mắt thật khó chịu. Muốn lên tiếng nhắc nhở nhưng nghĩ đến những trường hợp bị "phản dame", thậm chí gây gổ, đánh nhau chỉ vì góp ý, tôi lại chùn bước. Rốt cuộc, những lời phàn nàn tôi cố gắng không buông ra, quá lắm là "xả" với người đi cùng. Bản thân những kẻ vi phạm kia nào có nghe thấy, càng không cảm nhận được sự bất bình của những người xung quanh.
Tôi hiểu rằng việc thay đổi ý thức của người khác là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, tôi vẫn mong mỗi người tham gia giao thông hãy tự nâng cao ý thức, tôn trọng pháp luật và những người xung quanh. Có như vậy, giao thông mới thực sự văn minh, an toàn. Còn tôi, có lẽ cũng cần học cách kiềm chế cảm xúc, tìm cách "bỏ ngoài tai mắt" những hành vi thiếu văn minh để giữ cho mình sự bình tĩnh và an toàn khi tham gia giao thông.
Bạn đọc thanhnguyen@gmail.com:
Không để mâu thuẫn leo thang
Va chạm giao thông là chuyện không ai mong muốn nhưng đôi khi vẫn xảy ra. Trong những tình huống này, việc giải quyết êm đẹp, nhanh chóng luôn là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng dễ dàng như vậy. Khi các bên liên quan không tìm được tiếng nói chung, việc nhờ đến sự can thiệp của cơ quan chức năng là điều cần thiết.
Nhiều vụ bạo lực ban đầu chỉ là những va quệt nhỏ, song do không kiềm chế được cảm xúc, đôi bên lời qua tiếng lại dẫn đến mâu thuẫn leo thang rồi xô xát. Cũng có những trường hợp cố tình chối bỏ trách nhiệm, đỗ lỗi cho người khác, khiến việc thương lượng trở nên bế tắc. Trong những trường hợp này, việc cố gắng tự giải quyết đôi khi chỉ khiến tình hình thêm phức tạp.
Lúc này, sự can thiệp của lực lượng chức năng, như cảnh sát giao thông, sẽ giúp "hạ nhiệt" tình hình, đồng thời phân định đúng sai dựa theo luật pháp và bằng chứng hiện trường. Các bên liên quan sẽ được bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Việc nhờ cơ quan chức năng can thiệp không chỉ bảo đảm tính công bằng, khách quan mà còn giúp chúng ta tránh được những rắc rối phát sinh sau này. Hơn nữa, đây cũng là cách góp phần xây dựng một xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật.
BẢO NGỌC