Hào khí Điện Biên

Hào khí Điện Biên
16 giờ trướcBài gốc
Hướng dẫn viên thuyết minh diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ cho cán bộ các cơ quan, đơn vị đến tham quan tại Bảo tàng tỉnh (Ảnh: TUYẾT MAI)
Cuối năm 1953, khi thực dân Pháp tập trung xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, Trung ương Đảng đã quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong những tháng năm hào hùng ấy, nhiều chiến sĩ, thanh niên xung phong Lạng Sơn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ, cùng đồng bào cả nước hướng về Điện Biên.
Là người lính tham gia trực tiếp tại chiến trường Điện Biên, ký ức của ông Đặng Xuân Mai (sinh năm 1932), trú tại khối 2, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn vẫn vẹn nguyên về những tháng ngày “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non”. Mặc dù đã ngoài 90 tuổi nhưng ông vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn. Khi chúng tôi hỏi về quá trình tham gia chiến dịch, như chạm vào những kỷ niệm bi tráng nhất cuộc đời, ông đã kể cho chúng tôi nghe những năm tháng kháng chiến gian khổ mà rất đỗi hào hùng.
Ông Mai hồi tưởng: Năm 1950, ngay sau ngày giải phóng Lạng Sơn, tôi nhập ngũ thuộc Đại đoàn 316. Sau đó tôi được điều chuyển sang Tiểu đoàn 130 (thuộc Trung đoàn 209, Đại đoàn 312). Từ cuối năm 1953 đầu năm 1954, là lính bộ binh, cùng với những đồng đội khác, tôi đã tham gia kéo pháo vào, kéo pháo ra tại trận địa, tham gia đào hào quanh các cứ điểm của địch. Đơn vị chúng tôi được nhận nhiệm vụ đánh trực tiếp vào cụm cứ điểm Him Lam. Sau chiến thắng Him Lam, đơn vị tiếp tục tham gia đánh chiếm các cao điểm phía Đông. Mỗi trận chiến đều diễn ra đầy cam go, quyết liệt, nhiều đồng chí đã hy sinh. Nhìn đồng đội của mình nằm đó, chúng tôi lại thêm quyết tâm, xông lên lao thẳng trận địa của địch mà chiến đấu. Đến ngày 7/5, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, đơn vị tiến đánh vào Mường Thanh, hướng về sở chỉ huy của địch. Tôi vẫn nhớ như in đó là buổi chiều tà, các cánh quân của ta cùng tiến về sở chỉ huy, tôi cùng các chiến sĩ trong đơn vị mình và các đơn vị khác đã dẫn giải nhóm tù binh ra khỏi hầm.
Nhớ về những kỷ niệm xưa, ông Mai nhớ mãi cuộc nói chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi chiến dịch bắt đầu. Khi Đại tướng hỏi các đồng chí có quyết tâm đánh giặc, quyết tâm giành chiến thắng trận này không? Tất cả các chiến sĩ đều đồng thanh hô to hai chữ “Quyết tâm”.
Với phương châm “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, trong những năm 1953, 1954, bộ đội chủ lực bạt rừng xẻ núi, mở đường kéo pháo, xây dựng trận địa chiến đấu. Dân quân, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn vận chuyển hàng hóa, lương thực, đảm bảo hậu cần phục vụ chiến dịch.
Chiến sỹ lực lượng vũ trang và đoàn viên thanh niên tham quan, tìm hiểu các tư liệu, hình ảnh tại gian trưng bày triển lãm chuyên đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại”(năm 2024) Ảnh: LA MAI
Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn (1930 – 1985), từ cuối năm 1953 đến giữa năm 1954, toàn tỉnh đã huy động được 700 tân binh bổ sung cho lực lượng vũ trang quân khu để huấn luyện, tham gia chiến đấu trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954 và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, rất nhiều chiến sĩ quê hương Lạng Sơn có mặt ở các mặt trận ác liệt, anh dũng chiến đấu, lập được những chiến công xuất sắc, góp phần vào thắng lợi chung của toàn quân và dân ta.
Quán triệt nhiệm vụ của tỉnh, hậu phương phục vụ tiền tuyến, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh, chỉ riêng trong năm 1954, toàn tỉnh huy động 45 tấn thực phẩm, đóng góp 200.000 ngày công làm đường vận chuyển, hàng nghìn mét khối gỗ cho mở đường, xây dựng các binh trạm phục vụ chiến dịch. Chiến thắng Điện Biên Phủ ghi nhận sự cống hiến đóng góp vô cùng lớn của quân dân Tây Bắc, Việt Bắc, liên khu 3 và liên khu 4 trong đó có các chiến sĩ, thanh niên xung phong trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Phát huy truyền thống vẻ vang
Tiếp nối hào khí chiến thắng Điện Biên Phủ, dân tộc ta đã viết tiếp chiến công chói lọi Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau 40 năm đổi mới, nước ta đã vươn mình, khẳng định được vị thế trên bản đồ quốc tế, hiên ngang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ông Đặng Xuân Mai chia sẻ với phóng viên những kỷ niệm được lưu giữ trên điện thoại trong chuyến thăm chiến trường xưa nhân kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Cùng với cả nước, quân và dân trên địa bàn tỉnh đã phát huy truyền thống vẻ vang, tích cực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phát triển. Đến nay, diện mạo tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều đổi mới, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Theo thống kê, năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đạt 56,4 triệu đồng/người, tăng 16,9 triệu đồng so với năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,48%, giảm 4,4% so với năm 2020. Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển ổn định, chuyển dịch đúng hướng, an sinh xã hội được chăm lo, quốc phòng an ninh được giữ vững.
Trong quá trình dựng xây, phát triển quê hương, các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn luôn quan tâm làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, tập trung thục hiện tốt công tác giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước cho cán bộ, đảng viên, thanh niên, học sinh.
Anh Bế Trường Giang, Bí thư Đoàn xã Liên Hội, huyện Văn Quan chia sẻ: Nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và 71 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2025), Đoàn xã Liên Hội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như tổ chức giao lưu, tọa đàm với hội viên cựu chiến binh; dâng hương tưởng niệm tại nhà bia liệt sỹ để tưởng nhớ công lao của các anh hùng… Qua đây góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới những chiến sỹ đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Cùng với các hoạt động trên, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống còn được đẩy mạnh qua các tiết học tại nhà trường, việc lưu giữ và trưng bày các hiện vật lịch sử tại Bảo tàng tỉnh… Qua những câu chuyện lịch sử, những minh chứng thực tế… đã góp phần khơi dậy niềm tự hào trong thế hệ trẻ, nhắc nhở các em ghi nhớ công lao của ông cha ta và thôi thúc các em ra sức phấn đấu.
Em Hứa Đức Anh, học sinh lớp 6A1, Trường Tiểu học và THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lạng Sơn hào hứng: Vừa qua em được bố mẹ dẫn đi tham quan Bảo tàng tỉnh. Tại đây em được xem các hình ảnh, tìm hiểu thông tin về chiến dịch Điện Biên Phủ. Em thấy rất tự hào trước những chiến công hiển hách của cha ông. Em tự nhủ phải cố gắng học tập tốt hơn nữa để trở thành công dân có ích, góp phần dựng xây quê hương ngày càng phát triển.
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ đã ghi tên mình vào dòng chảy vẻ vang của lịch sử dân tộc mà còn là một biểu tượng sáng ngời về ý chí, sức mạnh, trí tuệ của quân và dân Việt Nam. Những năm tháng không quên ấy sẽ mãi mãi là niềm tự hào, là sức mạnh to lớn để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đi lên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
PHƯƠNG DUNG - THANH MAI
Nguồn Lạng Sơn : https://baolangson.vn/ngan-vang-hao-khi-dien-bien-5046083.html