Các nghệ sĩ tham gia gameshow “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” mùa 2.
Mất sức hút sau thành công
Từng có thời điểm “Ca sĩ mặt nạ”, “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng”... có độ lan tỏa mạnh. Thế nhưng “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng mùa 2” đang lên sóng tập thứ 10 và có lượng khán giả quan tâm không mấy khả quan. “Rap Việt”, “Ca sĩ mặt nạ”… cũng gặp phải tình huống tương tự sau khi mùa 1 kết thúc.
Với “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng mùa 2”, tuy hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thay đổi thú vị nhưng chương trình không còn tạo sức ảnh hưởng mạnh mẽ như mùa đầu tiên. Đến thời điểm hiện tại, ca khúc chủ đề “Nơi bình minh đầy nắng” của “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng mùa 1” thu hút hơn 2,9 triệu lượt xem, còn ca khúc chủ đề của mùa 2 “Ngôi sao giữa thiên hà” mới có hơn 981.000 lượt xem. Những tiết mục nằm trong các đêm công diễn cũng giảm sức hút khi không còn thu về nhiều lượt chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội.
Tương tự, “Rap Việt” - show truyền hình được mong chờ nhất năm cũng bị đánh giá mờ nhạt hơn so với các mùa trước. Thời điểm “Rap Việt” tổ chức casting đã bị áp đảo từ các gameshow vừa ra mắt công chúng. Khi Rap Việt lên sóng các tập đầu, dư âm của các “Anh trai” vẫn còn mạnh mẽ. Còn vòng chinh phục “Rap Việt” mùa 4 hoàn toàn mờ nhạt, không tạo nổi một bản hit. Phải nhờ đến bản hit đột phá của Robber và Ngắn, “Rap Việt” mùa 4 mới có sản phẩm thống trị trending, đẩy sức hút gameshow tăng lên.
Đánh giá về sự lặng lẽ rút lui hay thiếu sức hút của một số gameshow, không ít ý kiến cho rằng, sau khi đã thành công ở mùa đầu, các nhà đài thường lao vào cuộc chiến rating (sự quan tâm, đánh giá của khán giả) và dần có xu hướng bỏ qua chất lượng để tập trung vào những nội dung dễ tiếp cận hơn, mang tính đại chúng. Từ đó, họ tạo ra drama và chiêu trò để thu hút sự chú ý của công chúng.
Bên cạnh đó, sự cạn kiệt nhân tài cũng là một yếu tố khiến các mùa sau của gameshow không còn thu hút khán giả như trước. Việc quay lại của những gương mặt cũ từ ghế huấn luyện viên, ban giám khảo, thậm chí là thí sinh, khiến khán giả không còn cảm thấy bất ngờ, làm giảm sức hấp dẫn của chương trình.
Cần có sự sáng tạo, yếu tố bất ngờ
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, chiêu trò được xem là một phần không thể thiếu của các gameshow truyền hình hiện nay. Tuy nhiên, việc các nghệ sĩ lạm dụng chiêu trò thường sẽ dẫn đến mất điểm trong mắt công chúng.
“Việc tạo chiêu trò trên các gameshow truyền hình có thể có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến sự nổi tiếng và danh tiếng của nghệ sĩ. Đôi khi, chiêu trò có thể tạo sự chú ý cho nghệ sĩ nếu tình huống được tạo ra một cách hài hước, thông minh và có sức cuốn hút đối với khán giả. Còn ngược lại, nếu các chiêu trò phản cảm, đi ngược lại văn hóa truyền thống thì nó có thể gây tổn thương cho danh tiếng và sự tôn trọng dành cho nghệ sĩ, ảnh hưởng đến hình ảnh và cơ hội nghề nghiệp của họ” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Đề cập đến lý do các chương trình truyền hình ngày càng giảm sức hút, NSƯT Hạnh Thúy chia sẻ, các gameshow sau mùa đầu tiên giảm sức hút có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Một trong những nguyên nhân chính là do mất đi yếu tố bất ngờ và mới lạ.
“Mùa đầu tiên thường tạo được ấn tượng mạnh bởi ý tưởng độc đáo và khả năng thu hút khán giả với những nội dung mới mẻ. Tuy nhiên, ở các mùa sau, công chúng đã quen với cấu trúc chương trình và không còn cảm giác tò mò, hào hứng như ban đầu. Thêm vào đó, sự trùng lặp trong nội dung và cách tiếp cận cũng khiến chương trình trở nên nhàm chán. Các format thường không thay đổi nhiều, dẫn đến việc thiếu sáng tạo trong cách xây dựng câu chuyện hoặc tổ chức thử thách, khiến người xem không tìm thấy lý do để tiếp tục theo dõi” - NSƯT Hạnh Thúy chia sẻ.
Thị trường giải trí luôn thay đổi nhanh chóng với sự ra đời của nhiều lựa chọn mới. Nếu không có sự cải tiến hoặc bứt phá, các gameshow dễ dàng bị khán giả bỏ qua để tìm đến những nội dung khác phù hợp hơn với xu hướng và sở thích cá nhân.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, một gameshow cần có chất lượng nội dung cốt lõi để giữ chân khán giả. “Để giữ chân khán giả, các nhà sản xuất cần tập trung vào việc sáng tạo không ngừng trong nội dung và hình thức thể hiện. Khán giả luôn mong muốn được trải nghiệm những điều mới lạ, vì vậy việc làm mới format chương trình, tạo ra các tình huống bất ngờ hoặc thay đổi cách kể câu chuyện sẽ giúp chương trình duy trì sức hút” - ông Sơn cho hay.
Bên cạnh đó, việc xây dựng và kết nối cảm xúc với khán giả cũng là yếu tố quan trọng. Những câu chuyện truyền cảm hứng, nhân văn hoặc phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của người xem sẽ giúp họ cảm thấy đồng cảm và gắn bó hơn với chương trình. Đồng thời, việc lựa chọn thí sinh, khách mời hoặc giám khảo có sức hút và cá tính đặc biệt cũng là một cách để tăng tính hấp dẫn.
Ngoài ra, nhà sản xuất cần chú ý lắng nghe ý kiến khán giả. Những phản hồi từ người xem có thể là nguồn tài nguyên quý giá để cải thiện chương trình và điều chỉnh nội dung phù hợp với thị hiếu. Sự tương tác qua mạng xã hội hoặc các kênh truyền thông khác sẽ giúp chương trình tạo được cộng đồng trung thành, đồng thời tăng tính lan tỏa.
Thêm nữa cũng cần chú trọng việc tích hợp công nghệ mới. Sử dụng các yếu tố như thực tế ảo, thực tế tăng cường, hoặc các hoạt động tương tác trực tuyến sẽ mang lại trải nghiệm mới mẻ, giữ chân khán giả lâu dài. Đồng thời, phát triển nội dung đa nền tảng, kết hợp giữa truyền hình và kỹ thuật số, sẽ giúp chương trình tiếp cận nhiều đối tượng hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Thị trường giải trí luôn thay đổi nhanh chóng với sự ra đời của nhiều lựa chọn mới. Nếu không có sự cải tiến hoặc bứt phá, các gameshow dễ dàng bị khán giả bỏ qua để tìm đến những nội dung khác phù hợp hơn với xu hướng và sở thích cá nhân.
Hoàng Vân