Đoàn viên, thanh niên, cán bộ Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên phát cháo miễn phí cho bệnh nhân.
Từ thiện đúng người, đúng mục đích, đúng pháp luật
Gần hai năm qua, chị Triệu Kim Huệ, Bí thư Đoàn xã Lam Vỹ (Định Hóa) đã nhiều lần thức trắng bên giường bệnh tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Trong vòng tay bố mẹ, bé Ma Thịnh Nguyên Khôi, mới hai tuổi, âm thầm chống chọi với bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia), một căn bệnh hiểm nghèo, đòi hỏi điều trị dài ngày và tốn kém.
Hy vọng le lói khi kết quả kiểm tra tại Bệnh viện Thái Lan vào cuối tháng 12-2024 xác nhận: Nguyên Khôi đủ điều kiện để thực hiện ca ghép tế bào gốc - cơ hội quý giá giúp em có thể khỏi bệnh. Tuy nhiên, chi phí cho ca phẫu thuật ước tính lên tới 3,5 tỷ đồng, một con số quá lớn với gia đình thuần nông của chị Huệ. Dù đã dự tính bán hết tài sản, vay mượn khắp nơi, số tiền gom góp được vẫn chưa đủ một nửa.
Chị Đào Thị Thanh Tuyền, Bí thư Huyện đoàn Định Hóa chia sẻ: Chỉ còn hơn 20 ngày nữa là đến lịch phẫu thuật. Số tiền còn thiếu hơn một tỷ đồng, là cả cánh cửa sống còn của bé Khôi. Ngay sau khi nắm bắt tình hình, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương, xác minh và nhanh chóng chia sẻ thông tin qua các kênh truyền thông xã hội. Nhờ đó, nhiều tấm lòng hảo tâm đã biết đến hoàn cảnh của bé Khôi và chung tay hỗ trợ. Tin vui là hiện bé đã đủ điều kiện để tiếp tục điều trị.
Với vai trò là một cán bộ Đoàn năng động, luôn hết mình vì cộng đồng, chị Huệ chưa từng nghĩ sẽ phải kêu gọi giúp đỡ. Chị Huệ nói: Tôi biết gia đình mình khó khăn, nhưng ngoài kia còn rất nhiều người khổ hơn. Nếu không vì sự sống của con, tôi chắc cũng không dám mở lời. Nhờ sự chung tay của cộng đồng, tôi có thêm niềm tin rằng con mình sẽ có cơ hội được sống như bao đứa trẻ khác.
Minh bạch - chìa khóa giữ vững niềm tin
Không chỉ riêng con chị Huệ, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều trường hợp rơi vào hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo được các mạnh thường quân chung tay giúp đỡ. Mỗi ngày, các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh tiếp nhận hàng chục, thậm chí hàng trăm trường hợp bệnh nhân rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đó có thể là những em nhỏ đang chống chọi với ung thư, người lao động nghèo mắc bệnh hiểm nghèo không đủ khả năng chi trả viện phí, hay những cụ già neo đơn cần một tia hy vọng để tiếp tục điều trị. Chính tại đây, từng suất cơm từ thiện, từng khoản viện phí được hỗ trợ, từng lời động viên chân thành từ cộng đồng đã trở thành nguồn động lực lớn lao giúp bệnh nhân thêm vững vàng vượt qua nghịch cảnh.
Trong hành trình đồng hành cùng những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, điều quan trọng không chỉ là sự sẻ chia, mà còn là sự sẻ chia đúng cách, đúng nơi. Một trong những kênh hỗ trợ thiết thực và an toàn nhất hiện nay chính là hệ thống Phòng Công tác Xã hội tại các bệnh viện trong tỉnh. Đây không chỉ là nơi tiếp nhận những đóng góp từ cộng đồng, mà còn đóng vai trò như một “cầu nối nhân ái”, kết nối tấm lòng của các nhà hảo tâm với những mảnh đời đang từng ngày chiến đấu với bệnh tật.
Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tổ chức phát quà cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.
Trao đổi với phóng viên, anh Đào Duy Kiên, Trưởng Phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: Không chỉ tiếp nhận đóng góp tài chính, Phòng Công tác Xã hội còn đảm nhiệm vai trò giám sát, hỗ trợ các thủ tục cần thiết, đảm bảo tính minh bạch và đúng mục đích của các khoản hỗ trợ. Việc kết nối thông qua bệnh viện giúp hạn chế tình trạng lừa đảo, lợi dụng lòng tốt của người dân.
Đồng thời, đây cũng là cách để tạo dựng lòng tin, giúp các nhà hảo tâm yên tâm đồng hành lâu dài. Phòng Công tác Xã hội hiện vận hành một quy trình tiếp nhận và xác minh thông tin rõ ràng. Khi có trường hợp cần hỗ trợ, các thông tin sẽ được công khai trên nhiều kênh chính thức của bệnh viện. Việc chia sẻ rộng rãi, kịp thời này không chỉ giúp cộng đồng tiếp cận thông tin nhanh chóng mà còn lan tỏa được tinh thần tương thân tương ái một cách hiệu quả, bền vững. - anh Đào Duy Kiên
Lòng tốt và ranh giới pháp lý
Hiện nay pháp luật không có quy định yêu cầu người nhận hỗ trợ phải cung cấp thông tin chi tiết về việc sử dụng nguồn tiền ủng hộ như thế nào, mà chỉ có yêu cầu đối với người kêu gọi hỗ trợ. Theo đó, đối với việc kêu gọi ủng hộ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, khoản 2 điều 23 Nghị định 93/2021 quy định cá nhân tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện và sử dụng để hỗ trợ trực tiếp cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Cá nhân tổng hợp đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và thực hiện công khai trên các phương tiện truyền thông.
Luật sư Phạm Trung Kiên, Giám đốc Công ty Luật TNHH PK Việt Nam, cho biết: Đối với cá nhân kêu gọi từ thiện: Căn cứ điểm h khoản 1 Điều 2 và Điều 17 Nghị định 93/2021/NĐ/CP quy định cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phụ khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý, cá nhân khi được đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện phải là cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự, khi kêu gọi phải thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông và UBND cấp xã nơi cư trú. Đồng thời, phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng theo từng cuộc quyên góp, phải sao kê, biên nhận đầy đủ và không được nhận thêm quyên góp sau khi đã hết thời gian tiếp nhận đã cam kết. - Luật sư Phạm Trung Kiên
Thực tế cho thấy, các khoản đóng góp từ thiện dù là tiền mặt, hàng hóa hay các nguồn lực cứu trợ luôn tiềm ẩn rủi ro nếu không được giám sát chặt chẽ và sử dụng đúng mục đích. Vấn đề đặt ra không chỉ là hiệu quả của việc hỗ trợ, mà còn là tính minh bạch và trách nhiệm pháp lý của người tiếp nhận. Trong trường hợp không có cơ chế kiểm soát, giám sát độc lập, các khoản tiền do cá nhân hoặc tổ chức đứng ra vận động rất dễ dẫn đến nghi ngờ, thậm chí bị hiểu sai về động cơ nếu thiếu công khai, rõ ràng. Việc sử dụng sai mục đích hoặc không minh bạch, dù là vô tình hay cố ý, đều có thể kéo theo hệ lụy pháp lý nghiêm trọng. Nhẹ, có thể bị xử lý hành chính; nặng hơn, tùy mức độ vi phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Em Nguyễn Hương Quỳnh, sinh viên Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên): Từ thiện vốn dĩ là việc làm xuất phát từ lòng tốt, từ tinh thần tương thân tương ái của người Việt. Nhưng khi có những biểu hiện thiếu minh bạch, thậm chí là trục lợi cá nhân, thì không chỉ làm tổn hại đến danh dự của người làm thiện nguyện mà còn khiến công chúng dần mất niềm tin vào những giá trị tử tế.
Từ thiện là một hành động nhân văn, thể hiện lòng nhân ái và sẻ chia. Tuy nhiên, để tránh những hệ lụy tiêu cực, các cá nhân và tổ chức tham gia hoạt động từ thiện cần tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình quyên góp. Điều này không chỉ giúp duy trì niềm tin của cộng đồng mà còn góp phần nâng cao hiệu quả của các hoạt động từ thiện. “Từ bi phải có trí tuệ” - lòng tốt không chỉ là sự rung cảm trước nỗi đau của người khác, mà còn cần được dẫn dắt bởi sự sáng suốt và hiểu biết.
Chị Vũ Bích Thủy, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên) phát những suất cơm thiện nguyện cho bệnh nhân Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Trong hoạt động thiện nguyện, sự cảm thông thôi là chưa đủ; nếu thiếu tỉnh táo và minh bạch, những hành động xuất phát từ thiện chí rất dễ bị lợi dụng, thậm chí gây ra hệ lụy ngoài mong muốn. Chỉ khi lòng tốt được đặt đúng chỗ, được kiểm chứng và dẫn dắt bởi trách nhiệm, niềm tin vào hoạt động thiện nguyện mới có thể được giữ gìn và lan tỏa rộng rãi. Niềm tin ấy không chỉ là nền tảng cho mỗi hành động sẻ chia, mà còn là chất keo gắn kết cộng đồng, tạo nên những giá trị nhân văn bền vững trong xã hội hiện đại.
Theo Điều 10 Nghị định 130/2021/NĐ-CP, hành vi sử dụng tiền từ thiện không đúng mục đích hoặc không đúng đối tượng có thể bị xử phạt hành chính từ 5-10 triệu đồng. Nếu việc kêu gọi từ thiện và sử dụng tiền từ thiện sai mục đích có dấu hiệu gian đối, chiếm đoạt tài sản, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Minh Anh