Mùa sứa thường bắt đầu từ độ tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch. Năm nay, theo ngư dân phường Kỳ Ninh, mùa sứa bắt đầu muộn hơn do thời tiết lạnh kéo dài. Sản lượng khai thác sứa ít hơn mọi năm nhưng lợi nhuận từ đầu mùa lại cao hơn nhiều năm trước, có thời điểm 1 kg sứa thành phẩm lên tới 150 nghìn đồng.
Cứ vào khoảng 4-5h sáng mỗi ngày, người dân Kỳ Ninh lại dong thuyền ra khơi cách bờ từ 1 - 2 hải lý để khai thác; đến 8-10h cùng ngày, thuyền cập bờ mang theo đầy sứa biển.
Vừa trở về sau chuyến ra khơi từ rạng sáng, ông Nguyễn Văn Khuyến (TDP Tân Tiến, phường Kỳ Ninh) cho biết: "Thuyền của gia đình chúng tôi đi mỗi ngày được 2-3 tấn sứa tươi. Mỗi tấn sứa tươi sẽ chế biến được khoảng 50 kg sứa lá dung. Với giá bán bình quân: sứa thân 60 - 70.000 đồng/kg, sứa chân 80 - 90.000 đồng/kg, mỗi ngày đi biển mang về cho chúng tôi từ 3 - 5 triệu đồng...".
Đang trong mùa khai thác nên lượng sứa bà con đánh bắt được khá nhiều.
Đang ngồi trên bãi biển để sơ chế lượng sứa mà chồng vừa mang về sau chuyến ra khơi, chị Đặng Thị Loan (TDP Tân Tiến, phường Kỳ Ninh) vui vẻ cho biết: "Nghề làm sứa lá dung rất vất vả nhưng bù lại cho thu nhập khá. Sứa lá dung ở Kỳ Ninh được nhiều người ưa chuộng nên ngày càng được giá. Thời điểm đầu năm, có lúc gia đình tôi bán ra với giá 150.000 đồng/kg. Hiếm nơi còn giữ cách làm sứa lá dung như ở Kỳ Ninh nên có lẽ vì thế sứa ở quê tôi luôn có chỗ đứng trong lòng thực khách...".
Lá dung, lá lấu sau khi hái từ rừng được người dân xay nhỏ để trộn cùng sứa tươi mới đánh bắt về. 2 loại lá này không chỉ tạo nên màu sắc vàng tự nhiên, tạo mùi thơm, khử mùi tanh mà còn mang lại hương vị riêng biệt của sứa Kỳ Ninh.
Bà Đặng Thị Khuyên (TDP Tiến Thắng, phường Kỳ Ninh), người đã có thâm niên hơn ba thập kỷ trong nghề làm sứa truyền thống chia sẻ: "Sứa sau khi được đưa về, người ta tách riêng phần thân và phần chân, sau đó thái ra thành những miếng nhỏ. Sứa tươi được ép với lá lấu xay nhỏ trong vòng 2 ngày, sau đó rửa sạch, tiếp tục ép với bột lá dung một đêm, khi sứa ngả sang màu vàng, đạt được độ thơm và giòn thì lúc ấy mới đạt chuẩn. Tất cả các công đoạn ép sứa hoàn toàn bằng thủ công nên việc chế biến sứa lá dung mất nhiều công sức. 10 kg sứa tươi mới tạo ra 0,5 kg sứa lá dung thành phẩm".
Sứa Kỳ Ninh thành phẩm có màu vàng đẹp, mùi thơm đặc trưng của lá rừng.
Các món ăn được chế biến từ sứa lá dung như: Sứa chấm, nộm sứa, gỏi sứa... đều là những đặc sản, dễ ăn, mát giòn, có lợi cho sức khỏe.
Nghề làm sứa lá dung có từ lâu đời và dần trở thành nghề truyền thống của bà con Kỳ Ninh. Hiện, toàn phường có khoảng hơn 100 hộ theo nghề này. Không chỉ mang lại thu nhập khá cho bà con mà sứa lá dung đang dần trở thành thương hiệu của Kỳ Ninh nói riêng, TX Kỳ Anh nói chung.
Bà Phạm Thị Thùy Mỹ - Bí thư Đảng ủy phường Kỳ Ninh
Thu Trang