Một trong bảy bản gốc Magna Carta do Vua Edward I ban hành năm 1300 hiện đang nằm trong thư viện của Trường Luật Harvard. Ảnh: Trường Luật Harvard
Phát hiện bất ngờ
Magna Carta, hay còn gọi là Đại Hiến chương Anh, là một văn kiện lịch sử quan trọng được ban hành lần đầu tiên vào năm 1215 bởi Vua John của Anh, dưới áp lực từ giới quý tộc.
Văn kiện này đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử pháp lý và chính trị phương Tây vì nó thiết lập nguyên tắc cốt lõi: không ai, kể cả nhà vua, đứng trên luật pháp.
Theo tờ Guardian, một bản Magna Carta tại Trường Luật Harvard vừa được xác nhận là một trong bảy bản gốc hiếm hoi còn sót lại từ năm 1300 do Vua Edward I ban hành.
Giáo sư David Carpenter, chuyên gia lịch sử thời trung cổ tại King's College London, đã tình cờ phát hiện tài liệu này – có tên mã HLS MS 172 – khi đang tra cứu bộ sưu tập số của thư viện Harvard.
Ban đầu, nó được gán nhãn là một bản sao từ năm 1327. Tuy nhiên, Carpenter lập tức nhận thấy điểm khác biệt: “Tôi nghĩ thầm, trời ơi, nó trông giống hệt một bản gốc từ năm 1300.”
Cùng với đồng nghiệp Nicholas Vincent từ Đại học East Anglia, ông đã tiến hành nhiều phân tích, bao gồm quét ảnh quang phổ và ánh sáng cực tím, để xác minh tính xác thực.
Một chi tiết nổi bật là cách viết tên "Edwardus", trong đó cả chữ E và D đều là chữ hoa, một nét hiếm gặp nhưng cũng xuất hiện ở một trong sáu bản gốc khác.
Giáo sư Carpenter khẳng định HLS MS 172 là “một trong những tài liệu có giá trị nhất thế giới” vì nó đại diện cho nguyên tắc nền tảng của Magna Carta: không ai, kể cả vua, được đứng trên pháp luật.
“Nếu nhà vua muốn hành động chống lại bạn, ông ta phải theo đúng quy trình pháp lý, đó là cốt lõi của nhà nước pháp quyền và nền dân chủ phương Tây,” ông nói.
Hành trình kỳ lạ của một báu vật lịch sử
Bản Magna Carta quý giá này đã có một hành trình kéo dài hàng thế kỷ trước khi đến Harvard. Theo Giáo sư Vincent, tài liệu được cấp cho quận nghị viện Appleby ở Cumbria vào năm 1300, sau đó được lưu giữ bởi gia đình quý tộc Lowther vào thế kỷ 18.
Từ họ, nó được trao cho Thomas Clarkson – nhà hoạt động bãi bỏ chế độ nô lệ nổi tiếng – rồi đến tay Forster Maynard, một phi công xuất sắc trong Thế chiến I và sau này là chỉ huy căn cứ không quân ở Malta.
Năm 1946, thư viện Trường Luật Harvard đã mua lại bản tài liệu này từ nhà sách Sweet & Maxwell (London) với giá chỉ 27,50 đô la. Một tháng trước đó, một cựu chiến binh Không quân Hoàng gia Anh đã bán nó với giá 42 bảng Anh.
Ông Vincent nhận định: “Thật dễ hiểu vì sao nó bị phân loại sai, thời điểm đó mọi người đều mệt mỏi sau chiến tranh. Nhưng giờ thì nó đáng giá gấp nhiều, nhiều, nhiều lần.”
Phó Trưởng khoa Amanda Watson của Trường Luật Harvard bày tỏ sự tự hào về phát hiện này và nhấn mạnh: “Đây là minh chứng cho giá trị của việc mở cửa kho tư liệu cho giới nghiên cứu. Xin chúc mừng Giáo sư Carpenter và Vincent vì khám phá tuyệt vời này.”
Giáo sư Carpenter cũng bày tỏ cảm xúc của mình: “Tôi thực sự kinh ngạc. Đầu tiên là vì tài liệu này vẫn còn tồn tại, và thứ hai là vì Harvard không hề hay biết về báu vật mà họ đang nắm giữ suốt ngần ấy năm.”
NGHIÊM THANH