Hát ngâm Ariya của đồng bào Chăm thành Di sản phi vật thể quốc gia

Hát ngâm Ariya của đồng bào Chăm thành Di sản phi vật thể quốc gia
12 giờ trướcBài gốc
Nghệ thuật hát ngâm Ariya của người Chăm tỉnh Ninh Thuận (cũ) và là của tỉnh Khánh Hòa ngày nay là Di sản phi vật thể quốc gia
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Khánh Hòa cho biết: Hát ngâm Ariya, gắn bó mật thiết với mọi mặt đời sống văn hóa, từ sinh hoạt thường ngày đến những nghi lễ quan trọng. Đây không chỉ là một hình thức giải trí mà còn là một kho tàng tri thức, cảm xúc và niềm tin, được gìn giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ.
Thể loại Ariya chịu ảnh hưởng từ dòng sử thi Ấn Độ, lan truyền qua các nền văn học Malaysia, Indonesia trước khi thẩm thấu vào văn hóa Chăm. Giai đoạn đầu, các tác phẩm Ariya thường xuất hiện nhiều lớp từ mượn ngoại ngữ, từ tên gọi, tên nhân vật đến cốt truyện. Tuy nhiên, nội dung đã được bản địa hóa để phù hợp với tâm lý, khát vọng và hoàn cảnh của người Chăm.
Những trường ca nổi tiếng như Um Mârup, Inra Patra, Déwa Mâno là minh chứng điển hình cho quá trình tiếp biến này. Sau thời kỳ tiếp nhận ảnh hưởng nước ngoài là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của dòng sáng tác dân gian, mang đậm cảm xúc thuần túy của cộng đồng.
Dân ca của đồng bào Chăm
Những bài Ariya ra đời trong thời kỳ này thường khuyết danh, phản ánh tinh thần tập thể, hoặc được xem là lời “mặc khải" từ thần linh chứ không phải sản phẩm cá nhân. Nội dung các bài thơ xoay quanh tình yêu đôi lứa, đời sống xã hội, các sự kiện cụ thể được ghi lại bằng thể thơ dễ nhớ, dễ truyền miệng.
Tác phẩm Ariya Bini - Chăm, được xem là một trong những sáng tác đầu tiên của dòng văn học Ariya, xuất hiện từ đầu thế kỷ XVIII. Tiếp nối là các tác phẩm nổi bật như Ariya Sah Pakei, Ariya Chăm - Bini, cùng nhiều bài thơ Ariya ngắn hơn ra đời sau đó như Ariya Nasah Asaih, Po Thiên, Kei Oy, Ariya Mayut....
Tất cả đều lấy bối cảnh từ thực tế đời sống quê hương – đất nước. Không gian trong Ariya có thể trải rộng theo chiều dài đất nước, nhưng cũng có khi chỉ thu hẹp trong một vùng, một làng hoặc vài làng cận kề nơi những câu chuyện cụ thể và con người thật đã trở thành chất liệu sống động cho thơ ca.
Nghệ nhân Ariya có thể cất tiếng hát mọi lúc, mọi nơi. Đối với những người nông dân, sau một ngày lao động vất vả, hát ngâm Ariya là cách để giải tỏa căng thẳng và tìm thấy niềm vui tinh thần bình dị nhưng sâu sắc.
Đặc biệt, trong những dịp tang ma, tiếng hát Ariya đóng vai trò vô cùng quan trọng. Để sẻ chia nỗi mất mát với gia đình có người thân qua đời, các nghệ nhân và bô lão thường đến viếng và ở lại qua đêm.
Trong không khí trầm lắng của đêm tang, họ không chỉ trò chuyện, sẻ chia mà còn cùng nhau cất lên những khúc hát Ariya – những bản trường ca về lẽ đời, thế sự, mang theo bao cung bậc cảm xúc thăng trầm. Tiếng hát Ariya như một liều thuốc xoa dịu nỗi đau, mang lại sự an ủi nhẹ nhàng và giúp người sống tạm nguôi ngoai nỗi tiếc thương dành cho người đã khuất.
Tiếng hát Ariya như một liều thuốc xoa dịu nỗi đau, mang lại sự an ủi nhẹ nhàng và giúp người sống tạm nguôi ngoai nỗi tiếc thương dành cho người đã khuất
Trong những đêm tang, khi các nghi thức chưa bắt đầu hoặc vào lúc rảnh rỗi, các cụ cao niên thường quây quần bên nhau, lấy những bản chép tay cổ ra và luân phiên hát ngâm các bài Ariya. Hình thức thực hành này diễn ra một cách tự nhiên và giản dị: ai nhớ bài nào thì ngâm bài đó, người này nối tiếp người kia.
Có lúc, mọi người cùng đồng thanh một bản Ariya; những ai chưa thuộc lời sẽ được các cụ khác hướng dẫn, gợi mở câu chữ để hát theo và ghi nhớ. Với những nghệ nhân trẻ, đây cũng là dịp quý báu để được học hỏi trực tiếp từ các bậc tiền bối thông qua hình thức truyền khẩu sống động này.
Trong không gian nghi lễ này, nghệ thuật hát ngâm Ariya được bảo tồn và tiếp nối một cách lặng lẽ nhưng bền bỉ, từ người này sang người khác, từ thế hệ này sang thế hệ sau, góp phần giữ gìn một giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc của dân tộc Chăm.
Hát ngâm Ariya không chỉ là hình thức sinh hoạt văn nghệ mang tính cộng đồng mà còn mang yếu tố tâm linh và phòng vệ. Trong những chuyến đi hành lễ tại các đập nước đầu nguồn hay khi lên rừng chặt gỗ, các chức sắc, già làng hoặc người đi rừng thường phải qua đêm trong rừng sâu.
Khi trời tối, họ nhóm lửa trại và cùng nhau hát Ariya để giữ tinh thần thoải mái và đặc biệt là xua đuổi thú dữ. Tiếng hát vang vọng giữa núi rừng tĩnh mịch khiến muông thú e dè, không dám lại gần con người.
Bên cạnh đó, vào lúc tờ mờ sáng, khi chỉ vừa nghe tiếng gà gáy đầu tiên, một số nghệ nhân, thường là các chức sắc, lại mang sách Ariya ra đọc và hát ngâm. Khi trong làng có phụ nữ mới sinh con, các nghệ nhân Ariya thường được mời đến hát ngâm nhằm tạo không khí ấm cúng, vui vẻ trong gia đình, đồng thời xua đuổi tà khí, phòng tránh ma quỷ quấy phá, bảo vệ sức khỏe cho mẹ và trẻ sơ sinh.
Họ nhóm lửa ngay giữa sân nhà, ngồi ở gian ngoài gần nơi hai mẹ con nghỉ ngơi và hát liên tục cho đến khi tiếng gà gáy vang lên báo hiệu trời sáng. Cứ như thế, các đêm tiếp theo, nghệ nhân lại tiếp tục đến hát, cho đến khi người mẹ và đứa trẻ hồi phục hoàn toàn.
Đặc sắc văn hóa đồng bào Chăm
Hát ngâm Ariya không chỉ là một hình thức nghệ thuật dân gian mà còn có vai trò đặc biệt trong việc gìn giữ chữ viết và tiếng nói truyền thống của người Chăm. Chất liệu sáng tác của Ariya bắt nguồn từ những lát cắt chân thực của đời sống: sinh hoạt thường ngày, lễ hội, tang ma và các sự kiện có thật trong cộng đồng.
Nhờ vậy, mỗi tác phẩm Ariya đều mang giá trị tư liệu quý báu, giúp người đọc, người nghe hiểu biết thêm về xã hội, văn hóa, con người Chăm qua từng thời kỳ lịch sử. Đồng thời, lời ngâm trong Ariya còn hàm chứa thông điệp giáo dục sâu sắc, khuyên dạy thanh thiếu niên rèn luyện phẩm hạnh, sống có trách nhiệm, hướng đến điều thiện và cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước ngày một tốt đẹp hơn, dù hoàn cảnh còn nhiều khó khăn.
Hát ngâm Ariya không chỉ là một nét đẹp văn hóa mà còn là một phần hồn của người Chăm ở Khánh Hòa ngày nay.
XUÂN HƯỚNG
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/hat-ngam-ariya-cua-dong-bao-cham-thanh-di-san-phi-vat-the-quoc-gia-154538.html