Các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ của Hậu Giang được đầu tư đồng bộ, tạo thành mạng lưới giao thông đối ngoại tương đối hoàn chỉnh. Ảnh: Nguyễn Hằng - TTXVN
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2025 được thực hiện nhằm nâng cao chất lượng thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các hoạt động xúc tiến đầu tư năm nay sẽ tập trung vào 3 đột phá chiến lược là “đổi mới thể chế, cải cách hành chính; nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực và hạ tầng chiến lược; hạ tầng giao thông”.
Cụ thể, tỉnh tập trung thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào phát triển nông nghiệp, nông thôn; chú trọng áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong các ngành sản xuất trên để đảm bảo hiệu quả dự án và kết nối chuỗi giá trị các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh; đồng thời, tỉnh cũng tập trung thu hút đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo và công nghiệp hỗ trợ, các dự án xây dựng khu đô thị; khu nhà ở xã hội; dự án hạ tầng logistics; đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư có tính liên kết vùng, gắn với quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn 2045.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang giao Sở Tài chính tổng hợp danh mục dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư chung của tỉnh, xây dựng các chương trình hợp tác với với các tỉnh, thành phố; hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư quốc tế. Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các địa phương đẩy mạnh phối hợp triển khai hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn.
Theo chương trình xúc tiến đầu tư năm 2025, tỉnh sẽ tiến hành rà soát, cập nhật danh mục các dự án trọng điểm thu hút đầu tư năm 2025 nhằm cung cấp cho nhà đầu tư thông tin đầy đủ, chi tiết đối với từng dự án mời gọi đầu tư về quy mô, địa điểm, vị trí; thông tin về quy hoạch, điều kiện tự nhiên, điều kiện hạ tầng kỹ thuật.
Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang sẽ tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long để xây dựng khối liên kết nội vùng về tiêu thụ hàng hóa nông sản, khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng dùng chung như: kho tàng, bến bãi, sân bay, cảng biển, cảng sông, hệ thống giao thông thủy bộ và hệ thống logistics đang dần hoàn thiện tại khu vực.
Song song đó, tỉnh tăng cường thu hút các nguồn lực phát triển, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài và nguồn vốn ODA, thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, công nghệ AI, chip bán dẫn, năng lượng tái tạo…
Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có 317 dự án đầu tư, với tổng mức đầu tư 193.204 tỷ đồng; trong đó, có 251 dự án ngoài khu, cụm công nghiệp với tổng số vốn 41.230 tỷ đồng và 63 dự án trong khu công nghiệp với tổng số vốn là 151.684 tỷ đồng, 3 dự án trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang với tổng số vốn là 290 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh có 25 dự án FDI đang hoạt động, với tổng số vốn đăng ký 731 triệu USD.
Nguyễn Hằng/TTXVN