Hầu hết dự án cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long chậm tiến độ

Hầu hết dự án cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long chậm tiến độ
6 giờ trướcBài gốc
Sáng 16/10, tại TP. Cần Thơ diễn ra Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị, cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.
Quang cảnh hội nghị.
Ông Nguyễn Duy Lâm - Thứ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) - cho biết, hiện khu vực ĐBSCL đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng. Trong đó, 8/9 dự án đang tổ chức thi công, riêng dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (vốn ODA Hàn Quốc) đang hoàn thiện thủ tục, dự kiến khởi công đầu năm 2025.
Với 8 tuyến cao tốc đang thi công, ông Lâm cho biết công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án đạt trên 99%, cơ bản đáp ứng tiến độ thi công. Về thi công, các nhà thầu đã huy động 450 mũi thi công, với 6.500 nhân lực, 2.200 thiết bị thi công.
Theo ông Lâm, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ so với kế hoạch từ 4-15%. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn vật liệu cát đắp cho các dự án chưa đáp ứng yêu cầu. Việc này gây lãng phí lớn về thời gian, nguồn lực của các nhà thầu, ảnh hưởng hiệu quả thi công và tiến độ hoàn thành các dự án.
Đặc biệt, với dự án Cần Thơ - Cà Mau và đường Hồ Chí Minh cần hoàn thành công tác gia tải chậm nhất cuối năm nay, mới có thể hoàn thành dự án vào tháng 12/2025. Tuy nhiên, hiện cát cho dự án mới chỉ đạt 54.000 m3/ngày (thiếu khoảng 22.000 m3/ngày so với nhu cầu thì công). Tại dự án đường Hồ Chí Minh, hiện chỉ thi công các công trình cầu, đào bóc hữu cơ do chưa có cát, mới hoàn thành thủ tục cấp mỏ. Vì vậy, nếu không kịp thời bổ sung cát trong tháng 10 sẽ rất khó đáp ứng tiến độ.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm báo cáo tại hội nghị.
Theo Bộ GTVT, vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là phải đảm bảo nguồn vật liệu (cát đắp, cấp phối đá dăm). Hiện các địa phương đã tích cực rà soát, xác định được nguồn cát sông 72,3 triệu m3 trên tổng nhu cầu 65 triệu m3. Tuy nhiên, do thời gian thực hiện các thủ tục còn kéo dài và công suất khai thác các mỏ còn hạn chế, nên chưa đáp ứng yêu cầu thi công.
Về nguồn cấp phối đá dăm, tổng nhu cầu của các dự án khoảng 8 triệu m3. Đây cũng là thách thức lớn đối với khu vực ĐBSCL, cần phải được tập trung giải quyết theo phương châm “đi trước một bước”. UBND tỉnh An Giang đang thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ và dự kiến tổ chức đấu giá quyền khai thác mỏ đá tại địa phương. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục mất nhiều thời gian (khoảng 12 tháng), không kịp cung ứng vật liệu cho dự án Cần Thơ - Hậu Giang, trong khi đây là nguồn đá có trữ lượng lớn, chất lượng rất tốt và có điều kiện vận chuyển thuận lợi.
Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục hỗ trợ sớm hoàn thành các thủ tục khai thác tại 3 mỏ cát, đồng thời sớm hỗ trợ thêm nguồn cát còn thiếu khoảng 2 triệu m3, để đủ nhu cầu cho dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua Cần Thơ).
Thiếu cát, đá san nền đang làm chậm tiến độ các dự án cao tốc trọng điểm qua miền Tây (ảnh: Cảnh Kỳ).
Bộ GTVT cho biết, Thủ tướng đã 5 lần trực tiếp kiểm tra hiện trường và làm việc với các địa phương để chỉ đạo, cho chủ trương tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các dự án. Tuy nhiên, việc cung ứng vật liệu cát đắp cho các dự án vẫn còn một số khó khăn vướng mắc.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng) cần hoàn thành thủ tục cấp phép để khai thác các mỏ trước ngày 30/8/2024, tuy nhiên việc triển khai thủ tục cấp mỏ chưa đáp ứng được tiến độ thi công.
Cảnh Kỳ
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/hau-het-du-an-cao-toc-o-dong-bang-song-cuu-long-cham-tien-do-post1682785.tpo