Công việc giúp chị Mai Thị Thùy Trang (TP.Tân An) vơi đi sự lạc lõng trong những ngày đầu đến vùng đất mới
1. Sau lễ cưới 2 ngày, Trung úy Bùi Thanh Phong (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 738, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) trở lại đơn vị. Người vợ trẻ Mai Thị Thùy Trang (TP.Tân An) cũng bắt đầu ngày làm việc đầu tiên tại công ty mới. Xứ lạ quê người, môi trường làm việc mới, lại ít được gặp chồng, cuộc sống của chị Trang dường như chỉ quen thuộc với cung đường từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại.
Khi nhận lời yêu bộ đội, chị Trang biết mình phải thực sự mạnh mẽ, chấp nhận những thiệt thòi bởi công việc không cho phép anh ở bên chị thường xuyên. Niềm hạnh phúc bên nhau cuối tuần vốn là điều rất giản đơn, bình dị của những người yêu nhau, đối với chị Trang lại vô cùng “xa xỉ”. “Chọn gắn bó với anh thì tôi nghĩ việc thông cảm với đặc thù công việc của anh là chuyện đương nhiên” - chị Trang chia sẻ.
Vì sự cảm thông đó, chị quyết định rời quê, từ bỏ công việc ổn định đang làm để đến TP.Tân An bắt đầu cuộc sống mới với hy vọng được gần chồng hơn. “Từ nơi ở của tôi đến đơn vị anh cũng mấy mươi cây số nhưng như vậy vẫn gần hơn nhiều so với khoảng cách từ Sóc Trăng đến Long An. Tôi may mắn tìm được việc ngay khi vừa đến nơi ở mới. Nhờ có công việc và đồng nghiệp, tôi cảm thấy đỡ lạc lõng hơn trong những ngày đầu” - chị Trang bộc bạch.
Cưới nhau gần 1 năm, số lần chị Trang ở bên chồng chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi vài tháng anh mới về thăm nhà một lần. Không thể cùng anh quây quần bên mâm cơm gia đình mỗi ngày, chị chọn vui với những cuộc gọi sau giờ làm việc. Anh chị gặp nhau qua màn hình điện thoại, kể cho nhau nghe những câu chuyện vui trong cuộc sống thường ngày.
Chị Trang chia sẻ, chị vẫn thường nói chuyện vui bởi muốn giữ cho cả 2 nguồn động lực trong những lúc xa nhau. “Vừa cưới xong phải sống một mình, tôi cũng tủi thân nhưng không thể vì điều đó mà làm ảnh hưởng đến anh. Tôi vui vẻ, vững vàng thì anh mới yên tâm công tác” - chị Trang vui vẻ nói.
Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng êm đềm. Nhiều lúc có chuyện không vui, người vợ trẻ thui thủi khóc một mình, rồi lại gọi cho chồng với nụ cười rạng rỡ để anh an tâm công tác. Đôi tháng, nếu anh không về được, chị lại đến đơn vị thăm. Những buổi chiều cuối tuần như thế luôn được đôi vợ chồng trẻ chờ mong.
2. Vừa xoa nhẹ bụng, chị Lưu Thị Thúy Quanh (xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh), vợ Thượng úy Trần Quốc Tuấn (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 738, huyện Thạnh Hóa) vừa kể: “Trước đây, tôi vẫn thường đến đơn vị thăm anh nhưng từ lúc có thai thì tôi không đi nữa. Đường xa, sức khỏe tôi không bảo đảm mà anh cũng lo lắng lắm”.
Chị Lưu Thị Thúy Quanh (xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh) hiện trông coi nhà thuốc nhỏ tại chợ Nhơn Ninh, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh
Yêu nhau từ khi còn học THPT, chị Quanh chưa từng nghĩ sau này chồng mình sẽ là một quân nhân. Khi biết anh lựa chọn phục vụ lâu dài trong quân ngũ, chị nghĩ đến những nhọc nhằn khi làm hậu phương người lính. Tuy nhiên, điều đó không làm tình yêu của anh chị lung lay. “Tôi hạnh phúc khi gắn bó cùng anh. Dù ít gặp nhau nhưng tôi luôn cảm nhận sự quan tâm của anh dành cho mình. Gia đình chồng cũng đối xử rất tốt nên tôi cảm thấy ấm áp” - chị Quanh chia sẻ.
Phụ nữ mang thai thường vẫn mong có chồng bên cạnh quan tâm, chăm sóc nhưng do đặc thù công việc, Thượng úy Trần Quốc Tuấn chỉ có thể hỏi thăm vợ qua những cuộc gọi mỗi ngày, nhắc nhở vợ giữ gìn sức khỏe.
Không có chồng đỡ đần việc nặng, lại thương mẹ chồng lớn tuổi và vất vả, nên dù mang thai, chị Quanh vẫn cố gắng tự làm nhiều việc. “Lần gần đây nhất, do hơi cố sức nên tôi bị đau. Bác sĩ dặn nghỉ ngơi nhiều nên hầu hết việc trong nhà mẹ và anh chị đều giúp tôi. Cũng may, tôi luôn có mẹ chồng và anh chị bên cạnh quan tâm. Bởi vậy, dù sống xa chồng, tôi vẫn thấy mình may mắn và hạnh phúc” - chị Quanh chia sẻ thêm.
Biết rõ đặc thù công việc của chồng nên chị Quanh nhờ gia đình hỗ trợ khi chào đón thiên thần nhỏ. Chị chủ động sắp xếp việc gia đình ổn thỏa trong thời gian vượt cạn và ở cữ sắp tới. “Nhà xa đơn vị quá nên tôi nghĩ khó thể nào anh có thể về ngay khi tôi chuyển dạ. Có cha mẹ và anh em bên cạnh thì chắc chắn là tôi và bé sẽ được chăm sóc chu đáo. Là quân nhân nghĩa là anh mang trọng trách trên vai, không lý gì tôi lại đặt thêm áp lực cho anh cả” - chị Quanh mỉm cười cho biết.
Rồi chị kể thêm về niềm vui những ngày có anh bên cạnh. Hầu như lần nào anh về phép, mọi việc lớn nhỏ trong nhà, chị gần như không cần phải “động tay”. Từ những việc như thay bóng đèn bị hỏng, chà rêu trên sàn nước sau nhà hay nấu ăn, giặt giũ, anh đều tự làm. “Nhiều lúc bạn bè thấy anh về thì mời anh tới nhà họ chơi, dự tiệc nhưng hầu như anh đều từ chối để dành thời gian cho gia đình. Chúng tôi thường dành thời gian đó để sum họp gia đình, về thăm ông bà ngoại” - chị Quanh nói.
Chọn gắn bó với quân nhân, những người vợ như chị Trang, chị Quanh biết, phải thực sự vững vàng để làm hậu phương cho chồng yên tâm công tác. Sống xa chồng, ai cũng sẽ có lúc tủi thân nhưng đã đi cùng nhau thì khó khăn sẽ thành động lực để cùng cố gắng và thêm trân trọng những giây phút ở gần nhau./.
Quế Lâm