Hậu quả nặng nề vì pháo nổ

Hậu quả nặng nề vì pháo nổ
5 giờ trướcBài gốc
Thông tin từ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, trong những ngày nghỉ Tết, cơ sở y tế này đã tiếp nhận 33 ca cấp cứu do tai nạn pháo nổ, trong đó có nhiều trường hợp chấn thương nghiêm trọng như mù mắt, dập nát chi thể, chấn thương bụng kín... Nạn nhân chủ yếu là thanh thiếu niên và trẻ em, nhiều trường hợp bị thương nặng để lại di chứng lâu dài, thậm chí phải phẫu thuật cấp cứu để bảo tồn chức năng cơ thể. Đáng chú ý, không ít tai nạn xảy ra do sử dụng pháo tự chế hoặc tham gia đốt pháo trái phép, gây nguy hiểm không chỉ cho bản thân mà còn cho những người xung quanh.
Bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức chăm sóc và điều trị nạn nhân tai nạn do pháo nổ. Ảnh: BVCC
Một trường hợp điển hình, bệnh nhân N.C.D. (19 tuổi, ở Nam Định) nhập viện vào ngày 28/1/2025 (29 Tết) do tai nạn pháo nổ, dẫn đến mổ cấp cứu sửa mỏm cụt tay trái, cùng vết thương phần mềm tay phải.
TS.BS Phan Bá Hải - Phó trưởng Khoa Chi trên và Y học thể thao (Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức) thông tin, bệnh nhân bị gãy xương tay, dập nát bàn tay trái, đã được phẫu thuật cắt ngón cái và một loạt búp ngón của bàn tay. Đây là một trong số những trường hợp nghiêm trọng do pháo nổ gây ra, để lại những vết thương đau đớn và ảnh hưởng lâu dài đến chức năng vận động.
BS Hải cho biết thêm, năm nào cũng vậy, vào dịp Tết Nguyên đán, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận nhiều ca tai nạn do pháo nổ đến cấp cứu. Các trường hợp vào cấp cứu đều nặng và rất nặng. Bệnh nhân sử dụng pháo phần lớn còn rất trẻ, chủ yếu mua thuốc pháo trên mạng và xem chế tạo pháo qua Youtube, sau đó học chế pháo theo hướng dẫn trên mạng để nghịch, chứ không phải buôn bán.
“Các trường hợp bị tai nạn do pháo nổ chủ yếu bị thương hai tay, hỏng mặt, tổn thương nhãn cầu. Khi chế tạo pháo do kíp cháy nhanh quá, không đảm bảo kỹ thuật nên thường nổ trên tay gây nát hai tay. Hoặc khi đốt pháo nhìn trực tiếp, pháo phát nổ gây tổn thương hàm mặt, vỡ nhãn cầu gây tổn thương thị lực. Có nhiều trường hợp bị vỡ nhãn cầu khi mổ các bác sĩ phải bỏ nhãn cầu; nhiều em bị mù” – BS Phan Bá Hải cho hay.
Không chỉ tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, trên phạm vi cả nước, nhiều nạn nhân của tai nạn pháo nổ cũng được ghi nhận. trong đó có những ca tử vong.
Thông tin từ Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng, mới đây đơn vị tiếp nhận bệnh nhân vào cấp cứu liên quan đến pháo nổ. Do bệnh nhân bị vết thương nặng nên đã không qua khỏi. Cụ thể, sự việc xảy ra ngày 30/1 (mùng 2 Tết), anh N.H.C. (SN 1998, trú phường Thủy Hà, TP Thủy Nguyên) đến nhà người thân chúc Tết. Sau khi chúc Tết, anh C. ra ngoài ngõ đốt pháo và bị thương.
Phát hiện sự việc, mọi người đưa anh C. đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng cấp cứu. Tuy nhiên, đến ngày 31/1, anh C. không qua khỏi.
Trong khi đó, thông tin về tình hình các ca bệnh nhập viện vì tai nạn pháo nổ, TS Hoàng Văn Dung - Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) cho biết: Tai nạn thương tích do pháo nổ là câu chuyện không mới nhưng chưa cũ. Trong những năm gần đây, dịp trước và trong Tết Nguyên đán, khoa Chấn thương chỉnh hình thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh bị thương do chế tạo và đốt pháo nổ. Ghi nhận trong những ngày Tết vừa qua, khoa đã tiếp nhận 16 trường hợp tai nạn do pháo. Đa phần nạn nhân trong độ tuổi trẻ, còn đang học tập và là lao động chính của gia đình. Thương tích do pháo rất phức tạp, điều trị khó khăn và tốn kém. Sau điều trị thường để lại nhiều di chứng nặng nề như: mù mắt, sẹo xấu, mất sức lao động...
Theo Bộ Công an, pháo nổ, bao gồm cả pháo hoa nổ, đều bị nghiêm cấm sản xuất, tàng trữ và sử dụng trừ những tổ chức, cá nhân được phép theo quy định của pháp luật. Người dân cần phân biệt rõ ràng giữa pháo nổ và pháo hoa. Pháo hoa là loại không chứa thuốc nổ, chỉ phát sáng mà không gây tiếng nổ lớn. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thể mua pháo hoa từ các cửa hàng được cấp phép, nhưng phải tuân thủ quy định về sử dụng an toàn.
Để tránh vi phạm pháp luật và đảm bảo an toàn, Bộ Công an khuyến cáo người dân không tự ý chế tạo, sản xuất hoặc mua bán pháo nổ. Cần phân biệt rõ ràng giữa pháo hoa được phép sử dụng và pháo nổ bị cấm.
Các bác sĩ nhấn mạnh, tai nạn từ pháo tự chế không chỉ gây tổn thương cho nạn nhân mà còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Để tránh những hậu quả đáng tiếc, người dân cần tuân thủ pháp luật và vận động, giáo dục con em về sự nguy hiểm của pháo nổ. Các gia đình, đặc biệt là phụ huynh, cần tích cực tuyên truyền cho con em về sự nguy hiểm của pháo và nghiêm cấm việc tự chế tạo pháo nổ. Đồng thời, các cơ quan chức năng và trường học cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho cộng đồng, nhất là học sinh và thanh niên.
Báo cáo của Bộ Y tế cho biết trong 9 ngày Tết Nguyên đán 2025 (từ ngày 25/1 đến 2/2), các bệnh viện đã khám, cấp cứu gần 550.000 lượt người bệnh, trong đó 195.000 người bệnh nhập viện, điều trị nội trú và hơn 18.900 ca phẫu thuật. Cũng trong thời gian này, các cơ sở y tế đã đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón hơn 16.500 trẻ chào đời.
Bộ Y tế cũng cho biết, so với cùng kỳ Tết Giáp Thìn 2024, số ca khám cấp cứu nghi do tai nạn giao thông giảm 11%; số ca tử vong, nghi do tai nạn giao thông giảm 28,9%; số ca khám, cấp cứu nghi do tai nạn pháo nổ, pháo hoa giảm 24,2%; số ca khám, cấp cứu tai nạn nghi do vũ khí, vật liệu nổ tự chế giảm 50,5%. Tổng số ca khám, cấp cứu nghi do tai nạn giao thông dịp Tết là 24.100 ca; hơn 9.800 lượt người bệnh nghi liên quan đến tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị nội trú/theo dõi. Trong thời gian này đã ghi nhận 711 người khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn tự chế biến, say bia rượu, trong đó có 444 người phải nhập viện theo dõi, điều trị; chưa ghi nhận ca tử vong.
Đức Trân
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/hau-qua-nang-ne-vi-phao-no-10299338.html