Đây không phải lần đầu tiên “xe điên” gây TNGT liên hoàn người cầm lái có nồng độ cồn, mà đã có rất nhiều vụ việc tương tự gây ra tai họa thảm khốc. Từ lâu, hậu quả của rượu bia đã gây ra rất nhiều hệ lụy, không chỉ gây TNGT, bạo lực, mất TTATXH, mà nghiện rượu còn là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh tật hiểm nghèo.
Gia tăng gánh nặng bệnh tật và tử vong
Theo Bộ Y tế, sản lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam khoảng 4,4 tỷ lít/năm và rượu là 315 triệu lít/năm. Rượu bia gây ra 230 loại bệnh tật và tình trạng thương tích (rối loạn sử dụng rượu bia) cũng là nguyên nhân gây ra 46.000 ca tử vong (năm 2021). Trong 230 loại bệnh tật do rượu bia gây ra, nặng nề nhất là tổn thương gan, xơ gan, làm trầm trọng các tổn thương do virus viêm gan C, viêm tụy cấp tính và mãn tính, các bệnh tim mạch, ung thư, các thương tích do bạo lực và TNGT.
Vụ TNGT liên hoàn vào tối 16/7 trên đường Nguyễn Trác, đoạn trước tòa nhà CT7 (phường Dương Nội, TP Hà Nội) khiến 1 người tử vong, tài xế gây tai nạn có nồng độ cồn rất cao.
Chỉ trong vòng một tuần vừa qua, Trung tâm Hồi sức tích cực – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương liên tục tiếp nhận bệnh nhân nguy kịch, điểm chung là đều có tiền sử lạm dụng rượu kéo dài dẫn tới xơ gan nặng, dễ rơi vào loạt biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Nặng nề nhất là ông N.V.C (53 tuổi, trú tại Bắc Ninh) nghiện rượu 15 năm nay. Sau thời gian dài làm bạn với “ma men”, ông bị thoát vị rốn và được chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, sau mổ, ông nhanh chóng rơi vào tình trạng nhiễm trùng hậu phẫu và sốc nhiễm khuẩn do nền gan xơ nặng, buộc phải chuyển lên tuyến trên. Ngày thứ 3 điều trị, ông đột ngột nôn ra máu ồ ạt, tụt huyết áp nhanh – biểu hiện điển hình của giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, biến chứng hay gặp ở người xơ gan do rượu. Dù được hồi sức tích cực nhưng tiên lượng rất xấu, gia đình xin cho ông về.
Trường hợp khác là cụ bà L.T.T (74 tuổi, trú tại Tuyên Quang), có tiền sử uống rượu kéo dài hơn 10 năm với mức tiêu thụ khoảng 500–700ml/ngày. Dù được chẩn đoán xơ gan từ 10 năm trước, nhưng bà vẫn duy trì thói quen uống rượu hàng ngày. Cách đây 10 ngày bà phải nhập viện với chẩn đoán viêm màng não và nhồi máu não trên nền xơ gan nặng. Do quá nặng, bà được chuyển lên tuyến Trung ương và được chẩn đoán viêm màng não vi khuẩn phối hợp đột quỵ não, diễn tiến cực kỳ phức tạp do xơ gan mất bù và hệ miễn dịch bị hủy hoại sau nhiều năm nghiện rượu.
BS Hà Việt Huy, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết, ở người xơ gan nặng do rượu, hệ miễn dịch và các cơ chế bảo vệ nội tạng gần như bị xóa sổ. Khi có nhiễm khuẩn hoặc biến chứng tiêu hóa, cơ thể không đủ khả năng chống đỡ. Tình trạng “sốc chồng sốc” (vừa nhiễm trùng, vừa suy gan cấp, vừa do mất máu) khiến quá trình hồi sức vô cùng khó khăn. Vì vậy, người từng được chẩn đoán xơ gan tuyệt đối không được uống rượu – kể cả liều nhỏ. Xơ gan không được điều trị giống như một “ngòi nổ sẵn có”, chỉ cần một yếu tố kích hoạt như nhiễm trùng hay xuất huyết là có thể dẫn tới biến chứng nguy kịch hoặc tử vong.
Một trường hợp bị tai nạn giao thông rất nặng do sử dụng rượu bia phải trải qua 3 lần phẫu thuật mới cứu được tính mạng.
Quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp
Trong số nạn nhân của vụ TNGT liên hoàn tại Dương Nội có 3 mẹ con là chị L.T.H.G (SN1995) chở theo 2 con trên xe máy là cháu V.P.H (SN 2019) và V.K.H (SN 2022). Tài xế Lê Minh Giáp uống rượu say sau cuộc nhậu, thay vì gọi xe về nhà, anh này điều khiển ôtô và gây TNGT nghiêm trọng. Hai cháu bé con chị H được đưa vào Bệnh viện Nhi Hà Nội cấp cứu trong tình trạng chấn thương sọ não nặng.
Theo các bác sĩ, cháu bé SN 2022 nặng hơn người anh, khi vào viện đã hôn mê, đa chấn thương, dập phổi, thở máy. Chiều 18/7, trao đổi với phóng viên Báo CAND, đại diện Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết, cháu lớn đã tỉnh táo hơn, cháu nhỏ vẫn thở máy. Hai cháu đang được theo dõi và kiểm soát chức năng sống chặt chẽ tại Khoa Hồi sức tích cực.
Đã có rất nhiều vụ TNGT thảm khốc bắt nguồn từ tài xế say rượu gây ra. Mặc dù Luật TTATGT đường bộ cấm tuyệt đối tài xế có nồng độ cồn điều khiển phương tiện giao thông, song nhiều người uống rượu say vẫn cầm lái. Hậu quả khiến người đi đường vô tội bị thương, thậm chí tử vong, trong đó có người là trụ cột của gia đình, có nạn nhân lại là những cháu nhỏ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Do đó, tăng cường xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn là một trong những giải pháp làm giảm TNGT do rượu bia.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo CAND tại các bệnh viện lớn như Việt Đức, 19-8, 108, Bạch Mai…, từ khi thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Bộ Công an tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn, tình trạng TNGT vào nhập viện có sử dụng rượu bia đã giảm tới 50%. Song, bên cạnh đó, vẫn còn 50% trên tổng số ca TNGT nhập viện là có sử dụng rượu bia, để lại hậu quả nặng nề cho những người vô tội lưu thông trên đường.
Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an), mỗi ngày ghi nhận vài chục trường hợp tai nạn vào cấp cứu, trong đó TNGT chiếm một nửa. BSCKII Mạch Thọ Thái, Trưởng Khoa Cấp cứu cho biết, nếu như trước đây, các ca TNGT vào cấp cứu sặc mùi rượu bia, có người vào viện trong tình trạng say xỉn, mất tỉnh táo, nôn mửa, gây khó khăn cho bác sĩ trong chẩn đoán và đưa đi chụp chiếu, thì nay tình trạng này đã giảm nhiều. Đặc biệt, các ca chấn thương sọ não do TNGT sử dụng rượu bia cũng giảm mạnh. Đây là hiệu quả của việc nâng cao chế tài xử phạt theo Nghị định 100 cũng như sự ra quân quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn của lực lượng CSGT.
Tuy nhiên, theo BS Thái, vẫn còn nhiều trường hợp uống rượu bia, thậm chí say xỉn vẫn điều khiển ôtô, xe máy, gây tai nạn cho người đi đường. Có những trường hợp vào cấp cứu rất thương tâm, bệnh nhân còn trẻ đã phải gánh chịu hậu quả bị liệt do chấn thương cột sống, hoặc mất chân, tay là nạn nhân của tài xế quá chén.
Để giảm bệnh tật và tử vong do rượu, bia, cũng như giảm TNGT, Bộ Y tế đã đề xuất tăng thuế tiêu thụ đối với rượu bia để giảm người uống. Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), điều chỉnh tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng rượu, bia. Theo đó, rượu từ 20 độ trở lên và mặt hàng bia chịu mức thuế 65% từ đầu năm 2026, các năm tiếp theo mỗi năm tăng 5% và đạt mức thuế 90% vào năm 2031. Hy vọng với các biện pháp quyết liệt của nhiều bộ, ngành, đặc biệt việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông sẽ mang lại hiệu quả tích cực, giảm người tử vong do TNGT cũng như bệnh tật từ “ma men”.
Trần Hằng