Hậu quả từ mất an toàn lao động

Hậu quả từ mất an toàn lao động
một ngày trướcBài gốc
Người lao động tại Công ty cổ phần cơ khí Gang Thép (TP. Thái Nguyên) được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động.
Dù không muốn, nhưng do một chút sơ xuất cũng có thể xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ). Bình quân trên toàn tỉnh xảy ra hơn 100 vụ TNLĐ/năm, làm ít nhất 10 người chết và hàng chục người phải chung sống với thương tật suốt phần đời con lại. Điều đó cho thấy nguy cơ mất an toàn lao động (ATLĐ) luôn tiềm ẩn tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến và ở bất kỳ môi trường lao động nào. Khi TNLĐ xảy ra, đương nhiên người lao động, gia đình phải chịu nhiều thiệt thòi và để lại nhiều hệ lụy cho xã hội.
Ông Nguyễn Văn Kiên, ở tổ 12, phường Cam Giá (TP. Thái Nguyên): Tôi làm công nhân tại Công ty cổ phần Hợp kim sắt Thái Nguyên. Trong quá trình sản xuất, chỉ vì một chút sơ ý mà tôi trở thành nạn nhân của TNLĐ. Sau thời gian dài điều trị, sức khỏe bình phục, tôi tiếp tục trở lại làm việc tại Công ty, nhưng sức vóc không thể được như trước...
Câu chuyện đưa chúng tôi về với những địa chỉ không may mắn do TNLĐ. Những người chúng tôi gặp được là người thân của nạn nhân đã bị chết đau đớn ngay tại nơi làm việc. Ông Nguyễn Văn Khoa, xóm Tân Lợi, xã Trung Lương (Định Hóa) thở dài: Sáng còn dắt xe ra cổng cho vợ đi làm, đến chiều thì nhận được tin vợ chết do tai nạn lao động.
Những cái chết không báo trước mang tên mất ATLĐ khiến nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Ví như trường hợp bà Lâm Thị Lệ Xuân, xóm Đồng Dong, xã La Hiên (Võ Nhai), chồng chết do TNLĐ khi đang làm việc tại Công ty cổ phần Khai khoáng miền núi. Bà Lý Thị Huyền, xóm Thống Nhất, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) có chồng làm công nhân tại Công ty TNHH bê tông xây dựng Việt Cường cũng bị chết trong lúc đang làm việc.
Mỗi vụ TNLĐ xảy ra là một nỗi đau khôn tả, làm chao đảo một mái ấm gia đình. Bà Vương Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty cổ phần Đá ốp lát và vật liệu xây dựng (TP. Thái Nguyên) thở dài như người mắc lỗi: Năm 2022, một TNLĐ xảy ra tại công ty đã lấy đi mạng sống của ông Phùng Văn Đại. Dù ngoài ý muốn, song là người làm công tác quản lý, tôi day dứt lương tâm.
TNLĐ xảy ra, doanh nghiệp còn phải gánh chịu nhiều thiệt hại về kinh tế. Trong thời gian từ năm 2020 đến hết năm 2024, liên quan đến hơn 600 vụ TNLĐ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là khoảng 15.000 ngày công nghỉ của người lao động. Theo đó là khoảng 1.000 tỷ đồng chi phí cho y tế; trả lương người lao động trong thời gian điều trị; bồi thường thiệt hại, trợ cấp nuôi cha mẹ già, con nhỏ của nạn nhân không may bị chết.
Công ty TNHH MTV Tam Hữu (TP. Sông Công) luôn quan tâm đầu tư bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động.
Theo kết luận của các cơ quan chức năng về nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động: Gần 80% do người lao động vi phạm nội quy làm việc; 17% do khách quan khó tránh; gần 4% vụ còn lại do người lao động không sử dụng phương tiện cá nhân. 100% số vụ TNLĐ có báo cáo đều được cơ quan chức năng nhà nước vào cuộc, xác định nguyên nhân, ban hành quyết định yêu cầu doanh nghiệp để xảy ra TNLĐ phải bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân. Nhưng số tiền bồi thường được gọi là thỏa đáng sẽ chẳng là bao so với thiệt hại gia đình nạn nhân phải gánh chịu.
Nhằm giảm nguy cơ mất ATLĐ, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tích cực vào cuộc, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chấp hành đầy đủ các quy định về công tác an toàn vệ sinh lao động. Vì sự phát triển ổn định và củng cố thương hiệu, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng đã trú trọng hơn trong công tác ATLĐ, tạo điều kiện cho người lao động được làm việc trong môi trường an toàn. Tại hầu hết các doanh nghiệp cũng đã xây dựng được nội quy, quy chế ATLĐ, tổ chức huấn luyện cho người lao động các kỹ năng về ATLĐ.
Ông Ngô Hồng Quang, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần cơ khí Gang Thép (TP. Thái Nguyên): Công ty có 356 người lao động, trong đó 217 lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nên sự an toàn trong lao động luôn được Công ty đặt lên hàng đầu.
Còn ông Dương Quang Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tam Hữu (TP. Sông Công), cho biết: 100% người lao động của Công ty đều nắm chắc những quy định về công tác ATLĐ. Trước khi vào ca làm việc, người lao động phải tuân thủ mang đầy đủ bảo hộ lao động. Nên dù công việc trong môi trường nặng nhọc, nhưng chúng tôi không phải cảnh giác, lo lắng về nguy cơ xảy ra tai nạn.
Những vụ việc TNLĐ đau lòng xảy ra chính là lời cảnh tỉnh để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chính quyền địa phương, trực tiếp là người lao động cùng nâng cao ý thức, tuân thủ nghiêm quy định làm việc an toàn; coi ATLĐ là sự phát triển của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chính quyền địa phương và hạnh phúc của mọi nhà.
Chí Cường
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202504/hau-qua-tu-mat-an-toan-lao-dong-5f126af/