Hãy để mỗi món quà là một dấu ấn Hà Nội

Hãy để mỗi món quà là một dấu ấn Hà Nội
2 ngày trướcBài gốc
Câu chuyện vẫn đang “nằm trên kệ”
Chúng ta đang phô bày những sản phẩm đẹp, được làm mới hàng năm và có giá trị văn hóa. Nhưng chỉ trưng bày thì chưa đủ”, ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á - nhận xét khi đi một vòng các gian hàng tại Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội 2025 diễn ra từ ngày 11-13/4 tại phố đi bộ Trần Nhân Tông, Hà Nội.
Giới thiệu nghệ thuật in mộc bản ở Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội
Ông lấy ví dụ: “Trước đây tò he chỉ có vài hình dáng cơ bản, nay đã có bộ sưu tập về ca trù, tuồng… Điều đó cho thấy sản phẩm được nâng tầm, có câu chuyện văn hóa lồng ghép. Nhưng để thành sản phẩm du lịch thực thụ, chúng ta cần chiều sâu hơn, trải nghiệm rõ ràng hơn”.
Theo ông Quỳnh, một sản phẩm du lịch không chỉ cần bao bì đẹp hay giá trị truyền thống, mà còn phải dẫn dắt khách du lịch vào một không gian kể chuyện - từ khâu làm ra sản phẩm, văn hóa làng nghề, đến lý do nên chọn món quà đó làm kỷ niệm.
Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội 2025 với chủ đề tưởng như hấp dẫn: “Du lịch Hà Nội - Điểm đến di sản thế giới” và kỳ vọng của Ban tổ chức qua từng món quà du lịch mong muốn kể câu chuyện về di sản để lan tỏa tình yêu Hà Nội đến du khách trong và ngoài nước.
Với khoảng 80 gian hàng trưng bày sản phẩm sáng tạo, bao bì đẹp mắt,… tất cả tạo nên một không gian rực rỡ sắc màu. Nhưng phía sau vẻ rực rỡ ấy, lại là một khoảng trống lớn mang tên “thiếu câu chuyện” - thứ vốn phải là linh hồn của du lịch văn hóa của sản phẩm quà tặng
Nếu không ai kể gì, sản phẩm chỉ nằm trên kệ”- ông Phạm Hải Quỳnh đã thẳng thắn góp ý.
Và quả thật, câu nói ấy đánh trúng điểm yếu nhất của nhiều chương trình làm du lịch hiện nay: Vẫn đang loay hoay giữa trưng bày và kể chuyện, giữa hội chợ thương mại và trải nghiệm du lịch.
Những sản phẩm thủy hải sản đông lạnh được bán kèm tại gian hàng của du lịch Cô Tô (Quảng Ninh)
Cần thực chất và hấp dẫn hơn
Có thể thấy, nhiều địa phương đang rất nỗ lực đưa sản phẩm làng nghề vào không gian du lịch, làm mới bằng công nghệ, chất liệu, bao bì và cả sự liên kết vùng. Những con tò he nay không chỉ là trò chơi tuổi thơ mà được "nâng cấp" thành bộ sưu tập về ca trù, tuồng, chầu văn - mang tính giáo dục và lưu giữ di sản. Hay những chiếc quạt giấy, túi vải, gốm sứ được sáng tạo theo phong cách hiện đại, dễ tiếp cận hơn với giới trẻ và du khách quốc tế.
Ông Phạm Hải Quỳnh (bên phải) tham quan gian hàng giới thiệu về sản phẩm tò he
Vấn đề cốt lõi, theo ông Quỳnh, là nhiều gian hàng hiện chỉ dừng lại ở việc "xếp sản phẩm lên kệ". Nếu không có người hướng dẫn, giới thiệu, giải thích thông điệp, thì dù sản phẩm có đẹp đến mấy cũng thiếu “hồn”.
“Khách du lịch cần được dẫn dắt vào câu chuyện, được trải nghiệm. Một không gian làng nghề thu nhỏ, có người làm thật, có diễn giải, rồi cuối cùng là mua sản phẩm về như phần kết của hành trình - đó mới là sản phẩm du lịch thực sự” - ông Quỳnh nói.
Trở lại chủ đề của lễ hội năm nay là "Kể chuyện di sản Hà Nội qua các món quà", nhưng theo ông, cách làm hiện tại vẫn chưa lột tả được hết tinh thần đó. Cần có nhiều hơn những mô hình sống động, những tương tác thực và đặc biệt là những người kể chuyện thật sự.
Ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng, lễ hội không khác gì một hội chợ thương mại, thiếu câu chuyện và người kể chuyện
Rõ ràng, sản phẩm du lịch không chỉ là hình thức. Nó cần một hành trình trải nghiệm, một cốt truyện rõ ràng, một người dẫn chuyện thuyết phục để chạm vào cảm xúc của du khách. Khi người tham quan chỉ đi dạo, nhìn ngắm và rời đi mà không đọng lại cảm xúc hay ký ức, thì mọi công phu thiết kế cũng trở nên vô nghĩa.
Khu múa rối nước Đào Thục được du khách hưởng ứng
Một lớp múa của các em thiếu nhi Hà Nội trong trang phục "áo tứ thân, khăn mỏ quạ" được giáo viên đưa đến lễ hội vô tình trở thành điểm nhấn được du khách yêu thích
Du lịch hiện đại không chạy theo số lượng mà theo chiều sâu trải nghiệm. Khi một sản phẩm quà tặng được kể một cách hấp dẫn, gắn với ký ức địa phương, truyền thống thủ công và cảm xúc cá nhân - nó mới trở thành “đại sứ” cho du lịch của các địa phương.
Ông Phạm Hải Quỳnh kỳ vọng trong những mùa lễ hội sau, mỗi sản phẩm quà tặng sẽ không chỉ thay đổi về hình dáng mà còn nâng cấp về trải nghiệm du lịch, tạo nên những ý tưởng mới mẻ và thông điệp giàu chiều sâu để thu hút khách quốc tế lẫn nội địa.
Thu Hường
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/hay-de-moi-mon-qua-la-mot-dau-an-ha-noi-382800.html