Hãy để những con phố 'kể chuyện' du lịch Huế

Hãy để những con phố 'kể chuyện' du lịch Huế
8 giờ trướcBài gốc
Trải nghiệm nghề truyền thống khi đến Huế
Từ những ý tưởng của du khách
Đến Huế trong chuyến du lịch 2 ngày 1 đêm, Ngô Duy Khang cùng nhóm bạn tại Ninh Bình lựa chọn khu phố Tây để trải nghiệm trong đêm duy nhất ở Huế. Duy Khang chia sẻ đầy hào hứng: “Tại Huế, ngoài tham quan các di tích, thắng cảnh đẹp, khu phố Tây cho mình những trải nghiệm khác rất thú vị về Huế, với một nhịp sống sôi động ở thành phố bình yên”.
Phần đông du khách đến Huế để khám phá văn hóa di sản, nhưng đó không phải là mong muốn duy nhất của họ. Mục tiêu cho những chuyến hành trình trải nghiệm là được khám phá thật nhiều, từ cảnh quan, văn hóa, con người đến nhịp sống của một vùng đất. Ở đó, nếu có những con phố biết “kể chuyện”, biết mang đến cho du khách những dấu ấn riêng, sẽ là một yếu tố vô cùng hấp dẫn.
Ông Nguyễn Phan Linh (56 tuổi, du khách Hà Nội) chia sẻ, ông từng tìm về những con phố ở Huế như khu phố cổ Gia Hội, phố cổ Bao Vinh và cảm nhận được những nét độc đáo, hồn xưa của xứ Huế. Đáng tiếc là việc phát huy giá trị những con phố gắn với hoạt động du lịch vẫn chưa nổi bật, chưa tạo được sức hấp dẫn. Huế cần phát huy những khu phố cổ kính, những cung đường đầy chất hoài niệm, giúp du khách có cảm giác được quay ngược dòng thời gian, lạc bước trong không khí truyền thống.
Trải nghiệm ẩm thực tạo nhiều ấn tượng cho du khách khi đến Huế
Theo nhiều du khách yêu mảnh đất Cố đô, với “chất liệu” văn hóa và giá trị ẩm thực đặc sắc, Huế hoàn toàn có thể hấp dẫn khách thập phương nếu biết cách khai thác các con phố, để chính những con phố ấy “kể chuyện” du lịch. Ông Linh góp ý: “Đặt mình vào vị trí của một du khách, chắc hẳn ai cũng thấy tiếc vì sản phẩm du lịch Huế chưa xứng với tiềm năng. Huế chưa có các phố ẩm thực, phố mua sắm. Huế nổi tiếng với 1.300 món ăn đặc sắc, nhưng hỏi chính người Huế kể thử 100 món ăn, họ vẫn ấp úng. Nếu tạo ra một khu phố ẩm thực với không gian ấn tượng - ở đó toàn bán món Huế, có thể chia thành khu bày bán ẩm thực cung đình và khu ẩm thực dân gian, khách vừa được ăn vừa có chỗ trải nghiệm làm món Huế. Tôi tin rằng những phố đêm như thế ở Huế sẽ thu hút đông du khách”.
Một điểm được nhắc đến là Huế vẫn chưa được chú trọng khai thác là các phố mua sắm, trong đó có hàng đặc sản, lưu niệm, thủ công mỹ nghệ... Theo một số du khách, các chợ dân sinh vẫn là kênh truyền thống chính để mua sắm. Bên cạnh đó, muốn tham quan, mua sắm đồ thủ công mỹ nghệ, khách thường phải đến các làng nghề khá xa - điều mà không phải ai cũng có thời gian thực hiện. Nếu tạo ra các con phố chuyên bán những mặt hàng này, sẽ tạo được điểm nhấn du lịch cho Huế.
Để những con phố hấp dẫn du khách
Đem những ý tưởng của du khách trao đổi với những người làm du lịch, không ít người đồng tình rằng tại Huế, phố ẩm thực và phố mua sắm chưa được hình thành với đa dạng loại hình để phục vụ khách du lịch.
Ông Vũ Văn Chương, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành TP. Huế, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Tự Hào Việt Nam chia sẻ, không chỉ du khách cần mà doanh nghiệp lữ hành cũng cần những con phố như thế để xây dựng sản phẩm, để thu hút và giữ chân du khách. Phố đi bộ hoạt động như kiểu các “phố ăn nhậu” thì không đặc sắc, khó tồn tại lâu dài, nhưng nếu tạo ra một con phố với nhiều nghề truyền thống của Huế, phố mua sắm những đặc sản của Huế hay còn phố với đa dạng món Huế thì sẽ tạo được điểm nhấn lôi cuốn du khách. Những con phố này ra đời cần vai trò Nhà nước vừa định hướng, vừa hỗ trợ, để đảm bảo hoạt động hiệu quả, lâu dài.
Thực tế tại nhiều quốc gia cho thấy, du lịch và mua sắm - ẩm thực có mối quan hệ hai chiều. Mua sắm, trải nghiệm ẩm thực kích cầu du lịch, và ngược lại, du lịch tạo điều kiện cho mua sắm, thưởng thức ẩm thực phát triển. Tại Thái Lan, một trong những yếu tố đóng góp vào doanh thu du lịch khổng lồ chính là các khu phố du lịch. Điển hình như Asiatique The Riverfront - nơi được xem là thiên đường mua sắm cho du khách với hơn 1.500 cửa hàng và 40 quán ăn khác nhau. Khu phố mở cửa từ khoảng 5 giờ chiều đến tận đêm khuya, tạo điều kiện để du khách vui chơi, ngắm cảnh, mua sắm và thưởng thức món ngon.
Để những con phố có thể “kể chuyện” du lịch, điều quan trọng là phải gắn liền với nét văn hóa đặc trưng của vùng đất. Đại diện Sở Du lịch cho rằng, thành phố Huế có thể phát triển theo mô hình của Kyoto - cố đô của Nhật Bản với hơn 1.000 năm lịch sử, nơi bảo tồn và phục dựng di sản văn hóa một cách tinh tế thông qua các trải nghiệm độc đáo. Lấy cảm hứng từ Kyoto, Huế có thể xây dựng các khu phố đi bộ mang phong cách truyền thống Việt Nam, tái hiện những con đường lịch sử, nơi nghệ thuật cung đình và sản phẩm thủ công địa phương được giới thiệu một cách hài hòa - vừa bảo tồn bản sắc, vừa thu hút du khách quốc tế.
Huế cũng có thể hình thành những khu phố may mặc, nơi chuyên đo và may áo dài truyền thống. Nhiều du khách đến Huế vẫn mong muốn mang về món quà lưu niệm là bộ áo dài được may tại chính mảnh đất này. Việc tạo ra những con phố như vậy cũng là cách để khẳng định thương hiệu của Cố đô: Huế - Kinh đô áo dài.
Bài, ảnh: HỮU PHÚC
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/du-lich/hay-de-nhung-con-pho-ke-chuyen-du-lich-hue-155652.html