Nguyện vọng trên của người dân Hà Nội là chính đáng, bởi lẽ cùng với sông Tô Lịch, các sông tại Hà Nội như: Kim Ngưu, Lừ, Sét, Nhuệ, Đáy... từ lâu đã biến thành kênh thoát nước thải, ô nhiễm từ hàng chục năm nay. Mặc dù TP Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực cho việc đầu tư, cải tạo môi trường ở những dòng sông này, nhưng đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả.
Hàng ngày, 90% của khoảng 400.000m3 nước thải sinh hoạt và hơn 1.000m3 rác thải không hề được xử lý, đổ thẳng vào các ao hồ, sông ngòi. Đáng nói, đa số các phương án xử lý ô nhiễm chỉ được triển khai trong một khu vực hoặc một khoảng thời gian nhất định, nên thiếu hiệu quả trên diện rộng và kết quả không duy trì được dài lâu.
Vì thế, mới đây, với quyết tâm của chính quyền TP, dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với hệ thống thu gom nước thải hai bên bờ sông Tô Lịch, đã hoàn thành và đang vận hành thử nghiệm cùng với dự án bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch.
Dự kiến chưa đầy một năm nữa, dòng sông này sẽ trở lại sạch, xanh một cách bền vững, đã trở thành căn cứ để người dân mong chờ về việc những dòng sông Sét, Lừ, Kim Ngưu… cũng sẽ được hồi sinh đúng nghĩa.
Và trong niềm mong chờ đó, không ít người đã đặt câu hỏi đến bao giờ, dù tại phiên chất vấn HĐND TP mới đây, Lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội cho biết, sông Tô Lịch sẽ được làm sạch đồng bộ với sông Sét và sông Kim Ngưu vì nằm trong Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.
Tuy nhiên, người dân vẫn bán tín bán nghi, bởi lẽ việc làm sạch 4 con sông nội đô đã trải qua một quá trình khá dài, nhưng vẫn dừng ở phần ngọn nên sông cứ “hồi” được chút lại “chết”.
Điều này cũng không khó lý giải, bởi yếu tố cốt lõi là phải kiểm soát được ô nhiễm từ sớm, từ xa và ngay tại nguồn xả ra sông, sau đó mới tính tới các giải pháp tiếp theo như bổ sung các quy định về quy chuẩn xử lý nước thải ra sông, hồ để ngăn chặn tái ô nhiễm dòng chảy đồng thời phân định rõ, quy trách nhiệm với việc tổ chức và quản lý hệ thống sông ngòi, kênh mương với từng cơ quan, từng địa phương.
Song, về hệ thống thu gom nước thải hai bên sông nội đô của Hà Nội, đến nay mới có khu vực sông Tô Lịch, vừa xây dựng xong, còn lại các sông khác vẫn chưa làm được điều này. Do đó, chừng nào chưa thu gom được hết nước thải sinh hoạt và đưa về nhà máy xử lý thì vấn đề ô nhiễm sông vẫn chưa được giải quyết tận gốc.
Và để hồi sinh các dòng sông đúng nghĩa, thiết nghĩ không chỉ trông chờ vào chính quyền TP, mà phải có sự chung tay của cả cộng đồng. Chừng nào người dân vẫn vứt rác và đổ thải xuống sông, thì sông vẫn không thể sạch, xanh trở lại. Cần lắm những hành động thiết thực bảo vệ môi trường, bảo vệ những dòng sông, đừng nên chỉ biết mong chờ.
Thương Huế