Hãy nói con cần mẹ!

Hãy nói con cần mẹ!
7 giờ trướcBài gốc
Workshop và Giao lưu ra mắt sách tại Hội An
Căn bệnh thầm lặng của thời đại số
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình cứ 20 người thì có một người đang phải sống chung với bệnh trầm cảm, tương đương 5% dân số toàn cầu, với hơn 300 triệu ca được chẩn đoán.
Sau đại dịch Covid-19, con số này tiếp tục tăng nhanh, phản ánh sự tổn thương kéo dài về mặt tinh thần mà nhiều người đang phải đối mặt.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ người mắc trầm cảm dao động từ 3,1-6% tùy từng khu vực, đặc biệt cao tại các đô thị lớn - nơi áp lực học tập, công việc và nhịp sống ngày càng đè nặng lên sức khỏe tinh thần.
Điều đáng lo ngại là ngay cả ở những quốc gia phát triển, sức khỏe tâm thần được quan tâm đúng mức, thì số người trầm cảm được tiếp cận và điều trị chuyên sâu vẫn còn rất hạn chế.
Trong khi đó, những người thân, đặc biệt là cha mẹ, thường không được trang bị đầy đủ kiến thức để nhận diện, hỗ trợ và đồng hành cùng người bệnh. Thiếu hiểu biết, lo lắng thái quá, thậm chí là phớt lờ các dấu hiệu sớm có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng sống và làm tăng nguy cơ tổn thương sâu hơn.
Trong thực tế, sự im lặng và khép mình của người mắc trầm cảm không chỉ khiến họ chịu đựng một mình mà còn khiến người thân rơi vào trạng thái hoang mang: Không biết bắt đầu từ đâu, nên nói gì, làm gì, hay có nên lo lắng không khi thấy con mình bỗng trở nên trầm lặng, thiếu hứng thú, xa cách với cuộc sống.
Xuất phát từ những trăn trở đó, cuốn sách Hãy nói rằng con cần mẹ của PGS.TS Nguyễn Phương Hoa đã ra đời như một cẩm nang tâm lý đầy thấu hiểu dành cho các bậc cha mẹ và người thân đang đồng hành cùng người trầm cảm.
Không phải là sách chuyên môn khô cứng, mà là những trang viết đầy cảm xúc, giàu kinh nghiệm và ấm áp sẻ chia, cuốn sách giúp cha mẹ bước vào thế giới nội tâm phức tạp của con, học cách lắng nghe, kiên nhẫn và chữa lành, ngay cả khi chưa có chuyên gia đồng hành.
Tại buổi ra mắt sách kết hợp workshop giao lưu do Anbooks tổ chức cuối tuần qua tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), không khí ấm cúng, chân thành đã thực sự trở thành không gian của sự sẻ chia.
Những câu chuyện xúc động từ người đã từng bên cạnh người thân mắc trầm cảm, hay những băn khoăn từ những ai đang trên hành trình đi tìm hiểu về sức khỏe tinh thần, đã tạo nên một buổi trò chuyện giàu giá trị.
PGS.TS Nguyễn Phương Hoa là chuyên gia đầu ngành về tâm lý học, từng được đào tạo tại Nga và Pháp, nguyên Trưởng phòng Thực nghiệm và Ứng dụng Tâm lý học (Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), hiện là Viện trưởng Viện Tâm lý học và Truyền thông, Hội Tâm lý học Việt Nam, đồng thời là cố vấn diễn đàn Beautiful Mind Việt Nam, nơi kết nối những người quan tâm tới sức khỏe tinh thần.
Buổi workshop không chỉ ra mắt một cuốn sách, mà còn đánh thức nhận thức cộng đồng về trầm cảm, căn bệnh tâm thần phổ biến nhưng còn nhiều hiểu lầm. Sự kiện là lời nhắc rằng, mỗi chúng ta - dù là cha mẹ, người thân hay người đồng nghiệp - đều có thể trở thành “người chữa lành” bằng sự thấu hiểu, đồng hành và yêu thương đúng cách.
Cánh cửa cảm thông mở lối chữa lành giữa những ngày đen tối
Sau hai cuốn sách từng chạm đến trái tim độc giả là Có một cơn đau mang tên trầm cảm và Khi mây đen kéo tới, tác giả Nguyễn Thị Phương Hoa tiếp tục đồng hành cùng các bậc cha mẹ có con đang vật lộn với trầm cảm qua tác phẩm mới Hãy nói rằng con cần mẹ.
Nếu hai cuốn sách trước nghiêng về trải nghiệm cá nhân với tư cách người mẹ có con từng mắc trầm cảm, thì lần này, tác phẩm mới được nâng tầm thành một cẩm nang mang tính học thuật - vừa giàu tri thức khoa học, vừa đậm chiều sâu cảm xúc.
Sách tập hợp của hơn 500 trích dẫn từ các nghiên cứu quốc tế mới nhất trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, cho thấy tác giả đã dành rất nhiều tâm huyết để cập nhật, hệ thống và chuyển hóa những dữ liệu khô khan thành lời văn gần gũi, nhẹ nhàng, dễ tiếp cận.
“Tôi không viết một cuốn sách thuần túy khoa học. Tôi chỉ muốn tạo ra một người bạn đồng hành đáng tin cậy cho cha mẹ, những người đang cố gắng ở bên con mình trong những ngày tăm tối nhất”, tác giả nhấn mạnh.
Hãy nói rằng con cần mẹ, người đọc không chỉ thấy các dẫn chứng khoa học, mà còn bắt gặp chính mình trong những dòng tự sự đầy day dứt và chân thực: Có một câu hỏi không của riêng ai, rằng: Con tôi vốn rất thông minh, nhưng trầm cảm đã khiến cháu như bị tê liệt. Cháu có thể trở thành người có ích không?; Một người cha không còn trẻ vừa kể, vừa rưng rưng cầu cứu bác sĩ: Con tôi từng hỏi chúng ta sống để làm gì? Tôi trả lời rằng sống để hạnh phúc. Nhưng cháu nói: “Con đã cố rồi, nhưng càng cố bao nhiêu, con chỉ càng đau đớn bấy nhiêu. Con muốn từ bỏ”.
Những câu chuyện ấy không chỉ là những lát cắt cuộc sống, mà còn là minh chứng cho sự phức tạp, mơ hồ nhưng cũng đầy hy vọng trong hành trình chữa lành.
Với văn phong thấu cảm và từng trải, tác giả dẫn dắt người đọc từ việc nhận diện các biểu hiện khó nắm bắt, đến việc hiểu sâu nguyên nhân tâm lý, cuối cùng là học cách đồng hành và chữa lành trong yêu thương, tôn trọng sự tự chủ của người bệnh.
Một điểm độc đáo của cuốn sách là cách tiếp cận rất nhân văn và khoa học: Không tô hồng, không bi kịch hóa, mà thẳng thắn nói về những nghịch lý thường thấy.
Rằng người trầm cảm không phải là người yếu đuối hay mất động lực. Ngược lại, họ có thể mang trong mình khả năng tập trung, phân tích và nội lực đáng kinh ngạc, nếu được đặt trong một môi trường phù hợp, được trao quyền tự chủ và sự tin tưởng đúng cách.
Không chỉ dành cho các bậc cha mẹ, Hãy nói rằng con cần mẹ còn là một tài liệu tham khảo giá trị cho các nhà trị liệu, nhà nghiên cứu và bất kỳ ai đang quan tâm đến lĩnh vực sức khỏe tinh thần.
Trong lời nhận xét của Th.S Mai Thị Việt Thắng, chuyên gia tư vấn trị liệu tâm lý: “Cuốn sách như một cánh cửa mở ra sự hiểu biết, cảm thông và yên tâm. Kể cả khi không vượt qua được trầm cảm, thì việc sống chung với nó bằng sự hiểu biết cũng đã giúp chúng ta sống nhẹ nhõm, nhân văn và ý nghĩa hơn”.
Chuỗi sự kiện Workshop và Giao lưu ra mắt sách đã và đang được Anbooks tổ chức tại ba thành phố lớn: TP. Hồ Chí Minh (17.5), Hội An (18.5) và Hà Nội (24.5).
Đây thực sự là diễn đàn để lắng nghe, kết nối và cùng nhau mở rộng nhận thức về một trong những vấn đề sức khỏe tâm thần đáng lưu tâm nhất hiện nay: Trầm cảm, căn bệnh không nhìn thấy nhưng luôn cần được lắng nghe.
KHÁNH CHI
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/gia-dinh/hay-noi-con-can-me-136325.html