Trong những năm qua, việc triển khai Luật BĐG trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong triển khai thực hiện đã lồng ghép các chỉ tiêu, mục tiêu Chiến lược quốc gia về BĐG và Chương trình truyền thông về BĐG vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo từng giai đoạn và từng năm.
Đồng chí Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trao quà cho nữ sinh vượt khó tại Lễ phát động Tháng hành động vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.
Từ đó, góp phần quan trọng thúc đẩy BĐG trong các lĩnh vực, nâng cao vị thế và phát huy vai trò của nữ giới, nâng cao nhận thức của nam giới, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và an sinh xã hội.
Công tác BĐG và các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ngày càng được nâng cao, tạo cơ hội để phụ nữ đóng góp và tham gia ngày càng nhiều các hoạt động của xã hội, thực hiện tốt các quyền cơ bản, vị thế của phụ nữ trong gia đình, xã hội cũng được nâng lên. Tỷ lệ cán bộ nữ trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh ngày càng nhiều.
Đến nay, tỉnh Tiền Giang đã có nhiều nỗ lực trong triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đạt được nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh hiện đang duy trì hoạt động của 563 “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, 764 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 658 Đội phòng, chống bạo lực gia đình tại cấp cơ sở, 436 đường dây nóng hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực gia đình... Nhờ vậy, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đã giảm nhiều; tiếng nói của nạn nhân bị bạo lực, bị xâm hại được ghi nhận và hỗ trợ, giải quyết kịp thời.
Việc triển khai Tháng hành động BĐG là điểm nhấn, tạo nên một chiến dịch truyền thông về pháp luật vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên phạm vi toàn tỉnh; thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái, nhằm thúc đẩy BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, nhất là tại các địa bàn khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác BĐG của tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Đó là việc lồng ghép mục tiêu BĐG trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh chưa cụ thể; việc chưa lồng ghép giới trong công tác BĐG vào các hoạt động chuyên môn ở một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, chưa có chỉ tiêu cụ thể...
TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ THÁNG HÀNH ĐỘNG
Để các hoạt động trong Tháng hành động vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 đạt hiệu quả cao, tại lễ phát động, đồng chí Nguyễn Thành Diệu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh yêu cầu Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Tháng hành động với những nội dung cụ thể, thiết thực.
NHIỀU HOẠT ĐỘNG VÌ SỰ TIẾN BỘ PHỤ NỮ VÀ BĐG SẼ ĐƯỢC TỔ CHỨC
Đồng chí Lý Văn Cẩm, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Tiền Giang cho biết: Trong Tháng hành động BĐG năm nay, ngoài lễ phát động cấp tỉnh thì các địa phương cũng tổ chức Lễ phát động Tháng hành động với hình thức phù hợp.
Qua đó, tăng cường tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động của Tháng Hành động trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng và tình hình thực tế.
Đồng thời sẽ tổ chức các diễn đàn, đối thoại, tọa đàm, hội thảo, tập huấn về các nội dung liên quan đến chủ đề của Tháng hành động năm 2024; tuyên truyền về các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nói chung và phụ nữ, trẻ em nói riêng, vai trò của việc tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái trong việc thúc đẩy BĐG.
Tổ chức các cuộc thi về chủ đề BĐG và bạo lực trên cơ sở giới, giao lưu văn nghệ, thể thao...; tổ chức hoạt động hỗ trợ các nạn nhân, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác BĐG, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em nói chung và công tác triển khai Tháng hành động năm 2024 nói riêng.
Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện số hóa trong truyền thông thông qua mạng xã hội nhằm tiếp cận đến nhiều người dân, đặc biệt là thanh niên, học sinh, sinh viên... để lan tỏa mạnh mẽ công tác BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái.
Tỉnh cũng phát hành các sản phẩm truyền thông về các chính sách an sinh xã hội, vai trò của phụ nữ, BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt và dịch bệnh.
Đẩy mạnh huy động các nguồn lực để triển khai Tháng hành động; tăng cường xã hội hóa các hoạt động truyền thông và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân bị xâm hại, bạo lực, mua bán, bóc lột, người chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu...
Tăng cường các hình thức kiểm tra về BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong Tháng hành động. Xử lý nghiêm các vụ vi phạm về BĐG, bạo lực trên cơ sở giới và việc thực hiện các chính sách bảo trợ đảm bảo an sinh xã hội.
Trong đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức phát động Tháng hành động vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 với hình thức phù hợp; tăng cường tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động của Tháng hành động trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở, bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng và tình hình thực tế.
Đồng thời, quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục, đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch, ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền - lợi ích cho mỗi cá nhân và sự hài hòa các loại lợi ích trong xã hội. Giáo dục các vấn đề về giới, BĐG trong gia đình, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, các chính sách đảm bảo an sinh cho người dân nói chung và phụ nữ, trẻ em nói riêng thông qua các hình thức như: Tuyên truyền trực tiếp, cổ động trực quan, tuyên truyền trên báo, đài hoặc qua hình thức sân khấu hóa, tổ chức các hội thi, tọa đàm, phát hành rộng rãi các sản phẩm truyền thông về BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em...
Đây là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân, chấm dứt định kiến giới, tình trạng tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, tiến tới đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em, thực hiện BĐG.
Đồng chí Nguyễn Thành Diệu chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND cấp huyện và cấp xã quan tâm tổ chức thực hiện, chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG, các chương trình giai đoạn 2021 - 2025 và các kế hoạch về BĐG thuộc phạm vi, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị.
Từng cơ quan, đơn vị phải phát huy vai trò của người đứng đầu, tổ chức đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội đề cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động tham gia hành động trong việc bảo đảm BĐG, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Song song đó, chính quyền các địa phương, các ngành, đoàn thể có liên quan tập trung thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, nhất là các chính sách hỗ trợ phụ nữ, trẻ em khó khăn; có giải pháp cụ thể, kiên quyết đấu tranh đối với các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái; bám sát địa bàn, phát hiện kịp thời các điểm nóng để giải quyết ngay từ cơ sở.
Các ngành, các cấp quan tâm tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm; tổ chức gặp mặt, biểu dương những gương điển hình và cá nhân tiêu biểu trong thực hiện công tác BĐG, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Các hoạt động trong Tháng hành động cần được tổ chức thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; có thể lồng ghép với các sự kiện khác để tạo hiệu ứng cao trong cộng đồng.
Tháng hành động vì BĐG là tháng cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông, đẩy mạnh các hoạt động về BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh. Với ý nghĩa đó, mong rằng, mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội hãy cùng lên tiếng tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại và có những hành động cụ thể nhằm chấm dứt định kiến giới, bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái.
THỦY HÀ