Dự án điện mặt trời của nhóm các Công ty Hải Âu. Ảnh: TG
Từ lá đơn tố cáo của HDBank
Ngày 30/6/2025, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung số 04/QĐ-VKS-P1 đối với vụ án " Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng". Vụ án này liên quan đến hoạt động tín dụng tại HDBank Chi nhánh Cà Mau.
Vụ việc bắt nguồn từ đơn tố giác của HDBank vào ngày 03/04/2022, (do ông Lê Minh Luân, Giám đốc HDBank – Chi nhánh Cà Mau ký) đối với các ông Nguyễn Tấn Đạt (nguyên chuyên viên HDBank Chi nhánh Cà Mau), Ngô Thanh Sơn (nguyên Giám đốc HDBank Chi nhánh Cà Mau), Nguyễn Hải Âu (Giám đốc Công ty Hải Âu 1, Công ty Hải Âu 2) và Trần Tiền Giang (Giám đốc Công ty TNHH Đại Gia Đạt). HDBank "tố" những người trên có hành vi vi phạm các quy định về hoạt động ngân hàng, cụ thể là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng”.
Dự án điện mặt trời Công ty Hải Âu 1 vẫn đang hoạt động. Ảnh: TG
Theo tìm hiểu của GD&TĐ, nguồn gốc của các khoản vay tại HDBank Chi nhánh Cà Mau bắt đầu từ các dự án đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà tại xã Khánh An, huyện U Minh (trước thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp) tỉnh Cà Mau. Các dự án này do Công ty TNHH Ánh Sáng Hải Âu 1 và Công ty TNHH Ánh Sáng Hải Âu 2 triển khai, với mục tiêu xây dựng các hệ thống năng lượng tái tạo kết hợp mô hình nuôi cá chẽm công nghệ cao.
Theo tài liệu từ cơ quan tố tụng, để phục vụ mục đích vay vốn, 02 công ty Hải Âu đã ký hợp đồng trọn gói với Công ty TNHH Đại Gia Đạt, với tổng giá trị đầu tư khoảng 17,5 tỷ đồng mỗi dự án.
Ngày 20/10/2020, các công ty nộp hồ sơ đề nghị cấp tín dụng với số tiền vay lần lượt là 11,3 tỷ đồng cho mỗi dự án. Hồ sơ gồm hợp đồng thi công, hợp đồng thuê đất, giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư và phương án vay vốn. Quá trình tiếp nhận, thẩm định và giải ngân được thực hiện bởi các cán bộ chuyên môn của HDBank Chi nhánh Cà Mau.
Theo kết quả điều tra từ nhà chức trách, tổng thiệt hại mà HDBank phải gánh chịu là 5.600.000.000 đồng, được xác định sau khi khấu trừ tài sản bảo đảm của các công ty liên quan.
Cụ thể, đối với Công ty Hải Âu 1, số tiền giải ngân là 11.300.000.000 đồng, tài sản bảo đảm có giá trị 9.274.983.393 đồng, tạo ra thiệt hại thực tế là 2.025.016.607 đồng. Tương tự, Công ty Hải Âu 2 có số tiền giải ngân 5.600.000.000 đồng và tài sản bảo đảm là 2.241.293.600 đồng, gây ra thiệt hại 3.574.983.393 đồng. Tổng cộng thiệt hại từ hai công ty là 5.600.000.000 đồng.
Các bị can: Nguyễn Tấn Đạt, Ngô Thanh Sơn, Nguyễn Hải Âu, Trần Tiền Giang bị khởi tố theo khoản 4, Điều 206, Bộ luật Hình sự, về hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Bị can có đơn kêu oan
Trong vụ án này, bị can Nguyễn Hải Âu có đơn kêu oan đề gửi đến nhiều cơ quan khác nhau ở Trung ương, địa phương. Theo nội dung đơn, ông Âu cho rằng hành vi của ông không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Đơn cử, ngày 1/6/2025, ông Nguyễn Hải Âu đã có đơn khiếu nại một số nội dung của Kết luận điều tra số 152/BKL-CSKT của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Cà Mau.
Ngày 12/6/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Cà Mau có quyết định giải quyết khiếu nại (lần đầu, số 3021A) giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Hải Âu. Theo quyết định này thì Cơ quan Cảnh sát điều tra quyết định giữ nguyên bản Kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố số 152/BKL-CSKT ngày 19/5/2025.
Ngoài đơn của bị can Nguyễn Hải Âu, GD&TĐ cũng nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của gia đình bị can Ngô Thanh Sơn. Nội dung của những lá đơn trên cho rằng có những tình tiết trong vụ án cần được cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Cà Mau tiếp tục làm rõ.
Theo nội dung đơn, ngày 16/11/2020, HDBank Cà Mau ký Hợp đồng tín dụng số 38024/20MN/HĐTD với Công ty Hải Âu 1, nội dung tiền vay 11,3 tỷ đồng, mục đích vay để xây dựng “Hệ thống điện mặt trời mái nhà” công suất 999 kwp. Kèm theo hợp đồng tín dụng là các hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo liên quan.
Do hai bên phát sinh tranh chấp, ngày 23/3/2023 Tòa án nhân dân TP Cà Mau ban hành Quyết định số 04/2023/ QDST-KDTM về việc công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Nội dung Quyết định xác định nghĩa vụ thanh toán của Công ty Hải Âu 1 là 11.148.294.142 đồng, thời hạn thanh toán 15/4/2023.
Để thi hành quyết định đã có hiệu lực của tòa án, ngày 23/11/2023, Chi cục Thi hành án dân sự huyện U Minh(cũ) ban hành Thông báo số 89/TB-THADS, về việc thông báo kết quá thẩm định giá tài sản để thi hành án đối với những tài sản đảm bảo cho nghĩa vụ thanh toán Hợp đồng tín dụng số 38024/20MN/HĐTD giữa Công ty hải Âu 1 với HD Bank Cà Mau. Theo Thông báo số 89/TB-THADS, giá trị của tài sản đảm bảo được định giá là 12.118.754.155 đồng.
Hệ thống inverter tại dự án điện mặt trời của Công ty Hải Âu 1. Ảnh: TG
Trao đổi về việc này, Luật sư Phạm Đình Dương - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Theo quy định của pháp luật, bản án hay quyết định giải quyết vụ án của tòa án chỉ có thể được thay đổi, hủy bỏ bởi TAND có thẩm quyền theo các thủ tục giám đốc thẩm hay tái thẩm. Kết quả định giá của cơ quan thi hành án chỉ có thể bị hủy bỏ để định giá lại một lần theo Điều 99 Luật Thi hành án dân sự, khi chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng dẫn đến sai lệch kết quả định giá, và đương sự có đơn yêu cầu định giá lại trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thẩm định giá. Hiện tại, Quyết định số 04/2023/ QDST-KDTM của TAND TP Cà Mau và Thông báo số 89/TB-THADS của Chi cục Thi hành án dân sự huyện U Minh vẫn đang có hiệu lực pháp luật".
Cũng theo góc nhìn của luật sư Phạm Đình Dương thì cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Cà Mau xác định thiệt hại của HDBank Chi nhánh Cà Mau từ Hợp đồng tín dụng số 38024/20MN/HĐTD và các hợp đồng thế chấp liên quan với Công ty Hải Âu 1 cần được đặt trong bối cảnh Quyết định số 04/2023/QDST-KDTM của TAND TP Cà Mau vẫn đang có hiệu lực thi hành.
"Khi xác định HDBank Chi nhánh Cà Mau là bị hại trong vụ án liên quan đến Công ty Hải Âu 2, các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cần xem xét lại trong bối cảnh HDBank đã chuyển giao quyền đòi nợ cho bên thứ ba theo hợp đồng mua bán nợ", luật sư Phạm Đình Dương nhìn nhận.
Đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Cà Mau tiếp tục nghiên cứu, xem xét giải quyết vụ việc trên cơ sở tuân thủ nghiêm minh quy định hiện hành của pháp luật, xử lý nghiêm, không bỏ lọt tội phạm, đồng thời cũng không để oan sai (nếu có) xảy ra!
Phước Long