HDBank, MBBank, VPBank và loạt ngân hàng được dự báo tăng trưởng tín dụng 2025 vượt 20%

HDBank, MBBank, VPBank và loạt ngân hàng được dự báo tăng trưởng tín dụng 2025 vượt 20%
7 giờ trướcBài gốc
Tín dụng cả năm dự báo tăng 17-18%
Ảnh: MBS Research
Tính đến 30/6/2025, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 9,9% so với đầu năm, vượt xa mức 6,1% cùng kỳ năm trước. Mức tăng mạnh này chủ yếu được dẫn dắt bởi tín dụng doanh nghiệp, nhờ mặt bằng lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp. Ngược lại, mảng tín dụng bán lẻ tăng trưởng chậm hơn do nhu cầu tín dụng yếu, phản ánh quá trình phục hồi còn dè dặt của thị trường vay mua nhà và tiêu dùng.
Báo cáo tài chính quý I của các ngân hàng cho thấy khối ngân hàng tư nhân ghi nhận tín dụng tăng trưởng nhanh hơn so với khối ngân hàng thương mại nhà nước. Trong khi đó, biên lãi ròng (NIM) của khối ngân hàng tư nhân suy giảm mạnh hơn, do chiến lược hạ lãi suất cho vay tích cực hơn. Còn các ngân hàng gốc quốc doanh hiện duy trì mức lãi suất đầu ra thấp ổn định, xu hướng này bắt đầu từ khi chính sách tiền tệ được nới lỏng từ quý III/2023.
Dự báo về triển vọng tín dụng cả năm nay, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2025 của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) do NHNN thực hiện cho thấy các TCTD đã nâng kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 lên mức 16,8%, cao hơn tốc độ tăng trưởng thực tế của năm 2024.
Ảnh: MBS Research
Trong một nhận định mới đây, MBS Research cũng bày tỏ kỳ vọng tăng trưởng tín dụng đạt 17-18% tại thời điểm cuối năm nay, cao hơn mục tiêu 16% của NHNN; với một số yếu tố quan trọng dự báo sẽ thúc đẩy hoạt động cho vay trong nửa cuối năm 2025.
Thứ nhất là dư địa đẩy mạnh giải ngân đầu tư công do số liệu giải ngân thực tế 5 tháng đầu năm 2025 còn thấp so với kế hoạch. Tính đến tháng 5/2025, giải ngân đầu tư công đạt 7,7 tỷ USD, tăng 38,8% so với cùng kỳ nhưng mới chỉ hoàn thành 25,2% kế hoạch cả năm.
Thứ hai là việc triển khai các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân như định hướng tại Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị nhằm hướng tới các mục tiêu như tỷ trọng đóng góp của khu vực tư nhân vào GDP dự kiến đạt 55–58%, và số lượng doanh nghiệp đạt 2 triệu vào cuối năm 2030; trong đó bao gồm các giải pháp hỗ trợ về tài chính như việc miễn lệ phí môn bài và thuế TNDN cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) trong 3 năm đầu hoạt động; khuyến khích cấp tín dụng dựa trên dòng tiền thay vì tài sản đảm bảo; giảm tối thiểu 30% tiền thuê đất trong 5 năm đầu cho các doanh nghiệp công nghệ cao, SMEs và các startup đổi mới sáng tạo.
Trên thị trường BĐS, Nghị quyết 68 cũng hướng tới tháo gỡ hiệu quả các nút thắt pháp lý và hành chính vốn tồn tại lâu nay nhờ các giải pháp căn cơ như chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; khuyến khích cho vay dựa trên dòng tiền và mô hình phát triển mới; phân định rõ ràng giữa trách nhiệm pháp nhân của doanh nghiệp và trách nhiệm hình sự cá nhân... Điều này được dự báo cũng sẽ hỗ trợ xu hướng tăng trưởng tín dụng.
Mức tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong nửa cuối năm dự báo sẽ tập trung vào các ngân hàng có tỷ trọng lớn dư nợ cho vay tập trung vào các dự án đầu tư công và cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), là những lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ tích cực. Bên cạnh đó, các ngân hàng duy trì NIM và chất lượng tài sản ổn định so với mặt bằng chung của ngành trong năm 2024 và quý I/2025 cũng sẽ có lợi thế trong tăng trưởng tín dụng nhờ dư địa tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Cuối cùng là các ngân hàng có tăng trưởng huy động mạnh mẽ trong quý I/2025, nền tảng để nâng cao khả năng mở rộng tín dụng mà vẫn đảm bảo hệ số thanh khoản an toàn.
MBS Research dự báo một số ngân hàng sẽ đạt tăng trưởng tín dụng trên 20% trong năm nay như ACB (20,4%), EIB (20,9%), HDB (32,1%), MBB (26,9%), TPB (20%), VIB (22%), VPB (24,1%).
Ảnh: MBS Research
Hướng tới bỏ room tín dụng sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng, nhưng cần lộ trình và điều kiện chặt chẽ
Theo MBS Research, việc hướng tới bỏ “room tín dụng” cũng sẽ phần nào giúp các ngân hàng có nền tảng tốt về CAR, chi phí vốn và LDR thấp sẽ nâng cao được sức cạnh tranh. Người đi vay với lịch sử tín dụng tốt sẽ không bị hạn chế cho vay vì “hết room” tín dụng và những ngân hàng yếu kém hơn buộc phải nâng cao nội tại nhằm thu hút khách hang. Từ đó nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng tài sản toàn ngành. Nhờ vậy chấm dứt tình trạng đẩy tín dụng vào cuối quý hoặc cuối năm và điều hướng dòng chảy tín dụng đến nơi cần đến.
Trong công điện về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN khẩn trương rà soát, phân tích, đánh giá tác động, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính trong điều hành tăng trưởng tín dụng thông qua phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng.
Theo các chuyên gia, trong suốt hơn một thập kỷ qua kể từ khi bắt đầu được áp dụng. cơ chế hạn mức tín dụng giữ vai trò điều tiết van tín dụng, giữ ổn định lạm phát và đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD. Mặt khác, cơ chế này cũng bộc lộ một số nhược điểm như tùy vào chiến lược kinh doanh thay đổi nhanh chóng của mỗi ngân hàng, có khi ngân hàng này không sử dụng hết hạn mức trong khi ngân hàng khác lại phải xin thêm hạn mức, dẫn đến tình trạng dòng vốn luân chuyển chưa thông suốt. Cùng đó là tình trạng tín dụng tăng mạnh vào cuối quý và cuối năm để lần tới được cấp hạn mức cao hơn.
Việc hướng tới bỏ room tín dụng được đánh giá là bước ngoặt lớn, tạo điều kiện cho ngành ngân hàng linh hoạt hơn trong hoạt động cấp tín dụng. Không còn bị giới hạn bởi hạn mức tăng trưởng tín dụng đặt ra bởi NHNN, các ngân hàng sẽ giữ vai trò chủ động hơn trong phân bổ nguồn vốn dựa trên chiến lược kinh doanh của ngân hàng tại từng thời điểm, cũng như năng lực tài chính, khả năng quản trị rủi ro của ngân hàng.
Tuy vậy chuyên gia khuyến nghị việc hướng tới bỏ room tín dụng cần có lộ trình thận trọng, rõ ràng và gắn với các điều kiện nghiêm ngặt nhằm đảm bảo ổn định hệ thống. Nếu không, có thể dẫn tới nguy cơ tín dụng tăng mạnh hoặc hướng tới các lĩnh vực có mức độ rủi ro lớn, tạo ra rủi ro chung đối với hệ thống ngân hàng. Phát biểu trước nghị trường hồi tháng 6, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh dư nợ tín dụng trên GDP đã đạt mức 134% vào cuối năm 2024.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, tại họp báo của NHNN ngày 8/7, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho hay bối cảnh 2012 là thời điểm tăng trưởng tín dụng nóng, bình quân 35%/năm, cá biệt có những năm tăng tới 54%. Tốc độ tăng lớn vượt khả năng kiểm soát của các TCTD trong giai đoạn này dẫn đến nguy cơ nhiều TCTD rơi vào bờ vực phá sản, lãi suất trên thị trường tăng rất cao, các nhà băng rơi vào vòng xoáy cạnh tranh không lành mạnh. Để xử lý những vấn đề đó, kiểm soát lạm phát, duy trì sự an toàn của hệ thống ngân hàng, từ năm 2012, NHNN đã triển khai việc điều hành bằng room tín dụng.
"NHNN đã tổ chức rất nhiều hội nghị trong và ngoài ngành lấy ý kiến các chuyên gia và nhận thấy rằng, vai trò của công cụ điều hành bằng hạn mức tín dụng đã có hỗ trợ rất tích cực với việc hỗ trợ kinh tế tăng trưởng bền vững, đặc biệt kiểm soát được sự an toàn của hệ thống", ông Quang chia sẻ.
Đại diện NHNN đồng thời nhấn mạnh không có công cụ nào là vĩnh viễn, trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, việc áp dụng biện pháp hành chính không thể mang lại hiệu quả tuyệt đối. Tuy nhiên, để tiến tới việc bỏ hoàn toàn room tín dụng, NHNN cũng sẽ phải nghiên cứu để có biện pháp hài hòa.
Thực tế, NHNN trong thời gian qua cũng có những biện pháp và lộ trình để cải tiến phương pháp điều hành chính sách tiền tệ. Chẳng hạn từ năm 2024 thực hiện giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ đầu năm, năm 2025 thực hiện dỡ bỏ giao chỉ tiêu cho các nhóm ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, các định chế phi ngân hàng tại Việt Nam. Đến nay chỉ còn các ngân hàng trong nước là còn được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Diên Vỹ
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/hdbank-mbbank-vpbank-va-loat-ngan-hang-duoc-du-bao-tang-truong-tin-dung-2025-vuot-20.html