HĐND tỉnh Kiên Giang thông qua 13 nghị quyết

HĐND tỉnh Kiên Giang thông qua 13 nghị quyết
11 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: THU OANH
Các đồng chí: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Kiên Giang Lê Hồng Thắm; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Giang Văn Phục chủ tọa kỳ họp. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành tham dự kỳ họp.
CHO Ý KIẾN ĐỐI VỚI BỐN NHÓM NỘI DUNG
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Kiên Giang xem xét cho ý kiến đối với bốn nhóm nội dung: Thứ nhất, xem xét điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; kéo dài thời gian bố trí vốn thực hiện một số dự án; điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đầu tư công năm 2023 sang năm 2024.
Thứ hai, xem xét quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện 3 dự án: Dự án xây dựng doanh trại Tiểu đoàn 1 tàu hỗn hợp, Lữ đoàn 962 (Quân khu 9); dự án xây dựng một số hạng mục trong khu vực phòng thủ tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025; dự án khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm.
Thứ ba, HĐND tỉnh Kiên Giang xem xét thông qua: Sửa đổi, bổ sung bảng giá đất giai đoạn 2020-2024; đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh; quy định số lượng xe ô tô bán tải, xe ô tô phục vụ công tác chung.
Thứ tư, xem xét cho ý kiến đối với: Quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; quy định cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; bổ sung quy định mức chi bồi dưỡng hàng tháng cho cộng tác viên dân số.
Tại kỳ họp này, trên cơ sở xem xét các hồ sơ dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh Kiên Giang trình; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Dân tộc, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Kiên Giang; căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tế của địa phương, HĐND tỉnh Kiên Giang đã xem xét và thống nhất biểu quyết thông qua 13 dự thảo nghị quyết.
Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh cho biết đây là những nghị quyết quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới; đồng thời cụ thể hóa thực hiện kịp thời Luật Đất đai năm 2024 theo chỉ đạo của Chính Phủ và chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh: THU OANH
HỖ TRỢ THỰC HIỆN DỰ ÁN NHÀ Ở XÃ HỘI
Một trong những nghị quyết đáng chú ý vừa được HĐND tỉnh Kiên Giang thông qua là Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Theo tờ trình của UBND tỉnh Kiên Giang, hiện tại trên địa bàn tỉnh Kiên Giang thực hiện hỗ trợ dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định chung của Trung ương như ưu đãi miễn tiền sử dụng đất cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Thương mại theo Chương trình tín dụng gói vay 120.000 tỷ đồng.
Tỉnh Kiên Giang chưa xây dựng cơ chế ưu đãi đặc thù riêng của tỉnh về hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; theo tham khảo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng chưa có tỉnh nào xây dựng cơ chế ưu đãi về hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Để thu hút chủ đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, tỉnh cần có nghị quyết quy định cơ chế chính sách ưu đãi về hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, giúp đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, góp phần hoàn thành chỉ tiêu theo kế hoạch 1 triệu căn nhà ở xã hội của UBND tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 là 3.500 căn nhà ở xã hội.
Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, có các đối tượng áp dụng: Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn tài chính công đoàn, vốn ngoài đầu tư công theo quy định tại khoản 2 và khoản 4, Điều 84, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15; chủ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong phạm vi quỹ đất dành để thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 3, Điều 84, Luật Nhà ở; các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Mức hỗ trợ và kinh phí hỗ trợ: Hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án nhà ở xã hội trừ hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên trong tòa nhà, nhưng không quá 5 tỷ đồng/dự án; nguồn kinh phí hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
THU OANH
Nguồn Kiên Giang : https://baokiengiang.vn/chinh-quyen/hdnd-tinh-kien-giang-thong-qua-13-nghi-quyet-23143.html