Đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại kỳ họp
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, đây là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử và hết sức đặc biệt đối với sự phát triển của tỉnh Hưng Yên trong giai đoạn hiện tại và ảnh hưởng lâu dài đến chiến lược phát triển của tỉnh. Kỳ họp lần này có nhiều nội dung quan trọng, trong đó có 2 vấn đề lớn, mang tính bước ngoặt chiến lược đối với quá trình phát triển bền vững và toàn diện của tỉnh Hưng Yên trong thời kỳ mới. Thứ nhất, kỳ họp sẽ xem xét, cho ý kiến và thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Đây là một nội dung có tính chất cải cách mạnh mẽ trong tổ chức bộ máy hành chính, nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp cơ sở, hướng tới mục tiêu xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân hơn khi không còn tổ chức chính quyền cấp huyện. Thứ hai, kỳ họp sẽ thảo luận và thông qua chủ trương sắp xếp tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình để thành lập tỉnh Hưng Yên mới. Đây là một bước đi lịch sử, đòi hỏi tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị cao, hướng tới xây dựng một thực thể hành chính - kinh tế mới có quy mô lớn hơn, năng lực cạnh tranh cao hơn và vai trò nổi bật hơn trong trục phát triển trung tâm của vùng đồng bằng Bắc Bộ...
Các đại biểu tham dự kỳ họp
Ngoài ra, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh cũng sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát của HĐND tỉnh “về việc tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 03/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và quyết định một số nội dung quan trọng khác liên quan đến tài chính, kế hoạch đầu tư công và công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh.
Trước những nội dung trọng tâm và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của kỳ họp, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân trong tỉnh, phát huy cao độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị, tinh thần đổi mới và hành động vì lợi ích chung của tỉnh; dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng các tờ trình, dự thảo nghị quyết, báo cáo và tài liệu liên quan; thảo luận dân chủ, thẳng thắn, khách quan, trên tinh thần xây dựng và đồng thuận cao.
Tại kỳ họp, đồng chí Nguyễn Lê Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày Tờ trình của UBND tỉnh về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Hưng Yên năm 2025 và dự thảo Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Hưng Yên năm 2025. Theo đó, tỉnh Hưng Yên hiện có 139 ĐVHC cấp xã (gồm: 13 phường, 8 thị trấn và 118 xã); sau khi thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp xã, tỉnh Hưng Yên có 39 ĐVHC cấp xã (gồm 33 xã, 6 phường); giảm 100 ĐVHC cấp xã (giảm 07 phường, 08 thị trấn và 85 xã; tỷ lệ giảm đạt 72%).
Đồng chí Nguyễn Lê Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày tờ trình về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hưng Yên năm 2025
Tiếp đó, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Lê Huy trình bày Tờ trình về Đề án sắp xếp tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình và dự thảo Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình. Theo đó, thành lập tỉnh Hưng Yên trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình. Sau sắp xếp, tỉnh Hưng Yên có diện tích 2.514,81 km2 (đạt 71,86% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 3.567.943 người (đạt 255% so với tiêu chuẩn). Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Hưng Yên đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay. Có 97,12% cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý với Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Hưng Yên năm 2025; 97,37% cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý với Đề án sắp xếp tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình. 139/139 HĐND của ĐVHC cấp xã, 10/10 HĐND của ĐVHC cấp huyện biểu quyết nhất trí tán thành hai Đề án đặc biệt quan trọng này.
Đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp
Sau đó, đại diện Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã trình bày báo cáo thẩm tra Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình; Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của tỉnh Hưng Yên; đại diện Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh trình bày các báo cáo thẩm tra Tờ trình và dự thảo các Nghị quyết: về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025; phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách tỉnh năm 2024; về bù đắp nguồn và điều chỉnh giảm kế hoạch vốn do giảm thu tiền sử dụng đất ngân sách cấp tỉnh, thu xổ số kiến thiết năm 2024; thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh; thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất bổ sung năm 2025; về việc phân bổ bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2025 nguồn thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh quản lý; về điều chỉnh nhu cầu, nhiệm vụ và dự toán kinh phí mua sắm tài sản, trang thiết bị năm 2025 sau khi hoàn thành sắp xếp bộ máy của các cơ quan, đơn vị; về điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2025 sau khi hoàn thành sắp xếp bộ máy của các cơ quan, đơn vị.
Tiếp đó, đồng chí Trần Thị Tuyết Hương, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 03/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các đại biểu thông qua nghị quyết kỳ họp
Trên cơ sở thống nhất cao với các Tờ trình, dự thảo Nghị quyết do UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh trình bày, các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua toàn bộ các Nghị quyết với tỷ lệ tuyệt đối 100%.
Quang cảnh kỳ họp
Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Với việc thảo luận kỹ lưỡng, dân chủ, thẳng thắn, khách quan, HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua 10 nghị quyết với sự đồng thuận rất cao - thể hiện sự nhất trí giữa ý Đảng và lòng dân, giữa tầm nhìn chiến lược và hành động cụ thể, giữa trách nhiệm hiện tại và khát vọng tương lai. Nổi bật trong số đó là Nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã tỉnh Hưng Yên năm 2025, Nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình. Đây là hai nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện rõ tinh thần quán triệt, thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Nghị quyết của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng thời gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh trong bối cảnh mới.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị: Ngay sau kỳ họp này, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương khẩn trương cụ thể hóa các nghị quyết đã được thông qua bằng các chương trình hành động, kế hoạch triển khai cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm; phân công nhiệm vụ rõ ràng; xác định rõ thời hạn hoàn thành, bảo đảm hiệu quả và thực chất. Các vị đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục phát huy vai trò người đại biểu của dân, gắn bó chặt chẽ với cử tri, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các nghị quyết, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Hoàng Bền - Nguyễn Quỳnh