HĐND TP.HCM thông qua đề án sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM

HĐND TP.HCM thông qua đề án sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM
18 giờ trướcBài gốc
Sáng 18/4, tại kỳ họp thứ 22, HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Theo đề án TP.HCM (mới) sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hợp nhất ba đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm TP.HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sau sắp xếp, TP.HCM mới sẽ triển khai hiệu quả mô hình chính quyền hai cấp, phù hợp với Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); đồng thời phát huy tối đa tiềm năng về đất đai, dân số và thành tựu phát triển kinh tế của ba địa phương, hướng tới trở thành cực tăng trưởng mới của cả nước và vùng Đông Nam Bộ.
Trụ sở UBND TP.HCM.
TP.HCM mới sau sáp nhập có diện tích hơn 6.772 km², quy mô dân số khoảng 13,7 triệu người với 190 đơn vị hành chính trực thuộc. Đây sẽ là siêu đô thị lớn nhất vùng Đông Nam Bộ, chiếm 135,43% tiêu chuẩn về diện tích và 979,04% tiêu chuẩn về dân số theo quy định.
Trung tâm hành chính - chính trị đặt tại trụ sở UBND TP.HCM hiện hữu (số 86 Lê Thánh Tôn, Quận 1).
Ngoài ra, duy trì hai cơ sở hành chính tại Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương (đường Lê Lợi, phường Phú Chánh, TP Thủ Dầu Một) và Trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (số 1 Phạm Văn Đồng, phường Phước Trung, TP Bà Rịa). Việc này nhằm đảm bảo ổn định bộ máy tổ chức trong giai đoạn đầu hợp nhất.
TP.HCM mới dự kiến có 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 113 phường, 54 xã và 1 đặc khu, giữ nguyên các đơn vị hành chính đặc thù.
Cụ thể, TP.HCM cũ có 102 phường, xã; Bà Rịa - Vũng Tàu có 30 và Bình Dương có 36 phường, xã. Việc sắp xếp đảm bảo đúng quy định tại Nghị quyết 60-NQ/TW và Nghị quyết 76/2025/UBTVQH15.
Về quy mô dân số từng đơn vị, có 62 đơn vị hành chính dưới 100.000 dân, 23 đơn vị từ 100.000 - 150.000 dân và 17 đơn vị từ 150.000 - 200.000 dân.
TP.HCM mới sẽ có 6 tổ chức Đảng cấp trên cơ sở, bao gồm: Đảng bộ UBND TP, cơ quan Đảng TP, Công an TP, Quân sự TP, Bộ đội Biên phòng TP và Đại học Quốc gia TP.HCM. Cấp xã có tổng cộng 168 tổ chức Đảng.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM mới sẽ được thành lập trên cơ sở thống nhất giữa Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Thành ủy TP.HCM.
Liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, TP.HCM dự kiến tinh giản 9.732 người hoạt động không chuyên trách trong năm 2025. Đối với 12.600 cán bộ, công chức cấp xã và huyện dôi dư, sẽ giải quyết theo lộ trình đến năm 2029, trung bình giảm khoảng 2.500 người/năm.
Theo kế hoạch, trước ngày 1/5/2025, các đơn vị chức năng sẽ hoàn thiện và trình đề án lên Ban Chỉ đạo Trung ương và Chính phủ để xem xét, phê duyệt. Việc hợp nhất ba địa phương là bước đi mang tính chiến lược, nhằm hình thành một siêu đô thị mới - trung tâm kinh tế lớn và động lực tăng trưởng trọng điểm phía Nam.
Về tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM, HĐND TP.HCM vừa thống nhất nghị quyết thành lập Sở Xây dựng mới trên cơ sở hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Giao thông Công chánh.
Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường được đổi tên thành Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM nhằm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới sau khi sáp nhập.
Như vậy, UBND TP.HCM sắp tới sẽ còn 15 cơ quan chuyên môn gồm: Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Xây dựng, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Dân tộc và Tôn giáo, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Y tế, Sở GD&ĐT, Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Văn phòng UBND TP.HCM, Thanh tra TP.HCM và Sở An toàn thực phẩm.
Hoàng Thọ
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/hdnd-tp-hcm-thong-qua-de-an-sap-nhap-binh-duong-ba-ria-vung-tau-vao-tp-hcm-ar938451.html