Hè cũ trong veo

Hè cũ trong veo
9 giờ trướcBài gốc
Hồi đó, chúng tôi hay lấy bút bi vẽ đồng hồ vào tay, lấy tay phải vẽ vào tay trái còn đồng hồ trên tay phải thì nhờ bạn vẽ cho đẹp. Tôi hay cuốn mẩu giấy lại ngậm vào miệng vênh mặt lên giả vờ hút thuốc như Nguyễn Thành Luân trong phim “X-30 phá lưới” thi thoảng được xem bằng máy đèn chiếu ở sân đình. Trẻ con chúng tôi ai cũng đã từng có nỗi lo, sợ ngày mai một chiếc lá từ cái cây mới mọc sẽ thò ra từ miệng mình khi vô tình nuốt trôi một hạt thị hay hạt mít.
Chiều hoàng hôn rực rỡ
Trò chơi trẻ con ngày xưa, giờ đây đã gần như biến mất là chơi pháo đất và thi pháo đền. Pháo đất được nặn từ đất lấy từ những nơi người ta đào ruộng làm ao. Những miếng đất được cắt kéo xếp lên, đều tăm tắp như Gành đá đĩa Phú Yên. Đất chưa khô hẳn - là tài nguyên không vơi cạn cho trò chơi đầy phấn khích này. Chiếc pháo đất có hình giống cái bát ăn cơm hay cái tô đựng canh, nặn xong đáy được đặt trên lòng bàn tay rồi lấy hết sức vỗ thật mạnh xuống nền đất. Không khí bị ép vào chiếc pháo bung ra, phá cái đáy nổ tung.
Có đứa không có được đất tốt hay không biết làm đáy vừa mỏng vừa kín nên pháo tịt, phải lấy đất làm pháo của mình đền cho đứa có pháo nổ kêu mà mình đang thi với nó. Số đất đền phải bịt kín lỗ hổng do pháo nổ bung ra. Thế nên chơi pháo đất còn gọi là pháo đền. Đứa nào càng nhiều đất tốt pháo nặn kêu càng to, được đền càng nhiều. Đứa ít đất chỉ nặn được pháo bé, khi được đền cũng chỉ có chút xíu mà khi phải đền dễ hết đất phải ngừng chơi ra móc thêm mới có cái chơi tiếp.
Cây phượng vĩ bên hồ
Chúng tôi thích tắm mưa và nghịch nước, những cơn mưa mùa hạ mát lạnh, đổ rào rào vào giữa những tràng cười giòn tan của lũ trẻ con chạy đuổi theo cá rô rạch lên theo dòng nước từ ao từ ruộng. Mưa to nước chưa kịp thoát, chúng tôi còn chặn miệng cống giữ nước lại để vầy, để té vào nhau. Câu thành ngữ “cởi truồng tắm mưa” nói về bạn bè “thanh mai trúc mã” chơi với nhau từ thuở bé cũng từ đây mà ra.
Thế giới tuổi thơ của tôi xoay quanh cái hồ trước nhà, những ngày trời động tôm nổi trắng, lũ trẻ con hò nhau mang rá mang rổ ra xúc tôm, vừa xúc vừa trông chừng bác bảo vệ hợp tác xã đến đuổi bắt hất tôm trở lại hồ. Ngày đó, tôi hay hỏi tại sao dòng nước đen sì kia không phải là màu xanh, tại sao bông hoa dâm bụt kia lại màu đỏ và tại sao khi bứt cái nhị dài của nó ra mút lại có vị ngọt như thế. Tại sao hoa phượng vĩ khi nở có năm cánh mầu đỏ mà một cánh cái lại có màu trắng lốm đốm đỏ dày mỏng hơn hẳn.
Những trưa hè nắng bỏng rát, tôi hay trốn ngủ trưa trông chừng những chiếc te (*) mẹ vừa hồ (quệt bột gạo vào hai miếng vải màn may giữa te) phơi đã khô đến đâu, thích thú khi nó khô cong, bẻ thử nó gãy gập như bánh tráng. Khi chiều mát, đem những chiếc te này ra đặt ở những mảnh ruộng nước hay dọc con mương, tôm tép kéo đến ăn hồ, kéo cả buổi cũng được một mớ, đem về rang ăn không hết thì phơi làm món tép khô ăn dần.
Quà quê ngọt ngào
Nghỉ hè là những buổi be bờ tát cá hay đi dọc những dãy nhà cấp bốn của ủy ban xã hay trường học tìm hái rau sam rau chua-me (**) mọc trong bồn hoa hay từ những vết tường nứt đem về cho mẹ nấu canh.
Những đêm trăng sáng là xóm làng như mở hội. Người lớn gọi nhau uống trà hút thuốc, nam thanh nữ tú hò hẹn tìm chỗ đẹp góc khuất tâm tình trò chuyện, còn đám trẻ con thì hết chơi thả đỉa ba ba, nhảy lò cò chọi ngực vào nhau đến trốn tìm rồi thì thầm bàn nhau đi hái ổi hái bưởi trèo dừa những nhà chúng vừa phát hiện ra đã đến mùa quả chín. Tôi luôn cố tìm sợi dây treo ông trăng xem ở chỗ nào và băn khoăn tự hỏi: Tại sao ông trăng lại cứ đi theo mình dù tôi có đi đâu hay trốn ở xó xỉnh nào đi nữa...
Người ta thường nhớ rõ những chuyện vừa mới xảy ra thôi. Nhưng có những điều khiến mình nhớ nhất, càng xa lại càng nhớ, có lẽ là ngày xưa. Ngày xưa với những mùa hè tuổi thơ trong veo, dịu mát mà ngập tràn hạnh phúc.
(*): một loại dụng cụ bắt tôm tép, giống vó nhưng bé hơn
(**): những loại rau dại mọc ở đồng bằng Bắc bộ
Lê Hồng Lam, mùa hè 2025
Nguồn PetroTimes : https://dulich.petrotimes.vn/he-cu-trong-veo-730025.html