Tên lửa hành trình có phần giống máy bay không người lái, bay ở độ cao vừa. Chúng có khả năng cơ động khi tiếp cận mục tiêu, có GPS, dẫn đường quán tính, lập bản đồ địa hình hoặc các công cụ khác, giúp điều chỉnh hoặc thay đổi hướng đi. Tên lửa đạn đạo thường bay nhanh hơn, thường không có dẫn đường, được phóng bằng động cơ tên lửa và bay hình vòng cung trước khi lao xuống mục tiêu bất ngờ. Một số tên lửa đạn đạo có thể thay đổi quỹ đạo của chúng, miễn có đủ nhiên liệu, nhằm gây khó khăn cho nỗ lực đánh chặn của đối phương, từ đó gia tăng hiệu quả chiến đấu.
Nga và Ukraine có rất nhiều tên lửa trong kho vũ khí. Nguồn: Getty
Dưới đây là danh sách những loại tên lửa mà Nga và Ukraine đã sử dụng trong cuộc xung đột, cách thức hoạt động và hiệu quả của chúng trên chiến trường.
Những loại tên lửa Ukraine sử dụng
Tên lửa ATACMS
Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân do Mỹ sản xuất (ATACMS), là tên lửa đạn đạo đất đối đất chiến lược có tầm bắn khoảng 300 km, di chuyển với tốc độ siêu thanh, có thể mang theo đạn thông thường hoặc đạn chùm. Tên lửa này có thể được phóng từ bệ phóng HIMARS do Mỹ cung cấp cho Ukraine và bệ phóng MLRS M270 do các nước khác, trong đó có Anh gửi đến.
Vào năm 2023, Mỹ đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS có tầm bắn ngắn vào các mục tiêu bên trong những khu vực Nga kiểm soát tại Ukraine. Kiev cho biết các cuộc tấn công đó đã có tác động lớn đến chiến trường. Nga cáo buộc Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS tấn công bán đảo Crimea vào tháng 6/2024. Đến tháng 9, Lầu Năm Góc cho biết, Nga đã di chuyển 90% máy bay mà nước này sử dụng để thả bom lượn và phóng tên lửa ra khỏi tầm bắn của ATACMS.
Vào tháng 11/2024, Mỹ đã cho phép Ukraine bắn ATACMS vào một số mục tiêu bên trong Nga. Mục tiêu đầu tiên của tên lửa này là một cơ sở quân sự ở vùng Bryansk của Nga.
Storm Shadow
Storm Shadow hay SCALP là tên lửa hành trình do Anh và Pháp phát triển, có tầm bắn tối đa khoảng 250km. Tên lửa thường được phóng từ máy bay có tầm bay thấp để tránh bị phát hiện. Storm Shadow do tập đoàn vũ khí đa quốc gia châu Âu MBDA chế tạo, có độ chính xác cao nhờ hệ thống dẫn đường tiên tiến, có hiệu quả trong việc xuyên thủng các boongke, căn cứ kiên cố và phá hủy kho đạn dược. Mỗi tên lửa có giá gần 1 triệu USD.
Anh bắt đầu cho phép Ukraine sử dụng Storm Shadow tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga vào tháng 11/2024. Kể từ đó, nhiều mảnh vỡ của Storm Shadow đã được tìm thấy ở khu vực Kursk của Nga.
Neptune
R-360 Neptune là tên lửa hành trình chống hạm do Ukraine sản xuất, có phiên bản cải tiến dùng để tấn công trên bộ. Ukraine tuyên bố tầm bắn của tên lửa là 300 km. nó có thể được phóng từ tàu, máy bay chiến đấu và bệ phóng trên bộ.
Ukraine đã sử dụng tên lửa này để tấn công soái hạm Moskva của Nga vào tháng 4/2022. Ngoài ra Ukraine cũng sử dụng tên lửa Neptune kết hợp với máy bay không người lái trên biển do nước này sản xuất, làm hư hại các tàu khác của Nga, buộc Moscow phải rút Hạm đội Biển Đen ra khỏi bán đảo Crimea.
Palianytsia
Palianytsia là tên lửa lai máy bay không người lái mới của Ukraine, được Tổng thống Zelensky công bố vào mùa hè. Đây là vũ khí tầm xa phóng từ trên biển, được thiết kế để tấn công các sân bay nằm sâu bên trong lãnh thổ Nga. Palianytsia được cho là có tốc độ nhanh và uy lực hơn các loại máy bay không người lái (UAV) mà Ukraine đang sử dụng trong cuộc xung đột với Nga. Kiev vẫn giữ kín thông tin về thiết kế cũng như thông số của vũ khí này.
Tên lửa phòng không
Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào các hệ thống phòng không phương Tây như hệ thống Patriot và Hawk của Mỹ, NASAMS của Na Uy, hệ thống Iris-T do một tập đoàn châu Âu phát triển và SAMP/T do công ty MBDA có trụ sở tại Pháp chế tạo. Tên lửa Patriot của Mỹ đã chứng minh được hiệu quả cao, giúp Ukraine bắn hạ tên lửa siêu thanh Kinzhal và Zirkon của Nga.
Ukraine hiện đang hối thúc phương Tây cung cấp thêm các hệ thống chống tên lửa như THAAD và Aegis để phòng thủ chống lại tên lửa đạn đạo tầm xa của Nga như Oreshnik mà Moscow sử dụng để tấn công thành phố Dnipro vào ngày 21/11.
Những loại tên lửa Nga sử dụng
Oreshnik
Tên lửa tầm trung Oreshnik được thiết kế dựa trên công nghệ dùng cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Vì vậy, cuộc tấn công của Nga vào Dnipro bằng tên lửa Oreshnik, được hiểu là lời cảnh báo đối với phương Tây rằng Moscow sẵn sàng sử dụng những vũ khí mạnh hơn nếu phương Tây bước qua lằn ranh đỏ. Oreshnik có thể có tầm bắn 5.000 km, vươn tới nhiều mục tiêu trên khắp châu Âu và Bờ Tây nước Mỹ.
Kh-101
Nga có kho dự trũ tên lửa hành trình rất lớn, được ký hiệu bằng "Kh". Các tên lửa Kh có tốc độ khác nhau và có thể được phóng từ máy bay ném bom chiến lược bay hàng trăm km bên trong lãnh thổ Nga. Ukraine thường xuyên báo cáo bắn hạ hàng chục tên lửa Kh-59/69 và Kh-101 trong các cuộc tấn công quy mô lớn của Nga.
Iskander-M
Đây là hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn được vận chuyển bằng đường bộ có tầm bắn 500 km. Nga thường xuyên sử dụng tên lửa Iskander-M tấn công Ukraine Ukraine.Tên lửa hầu hết được phóng từ khu vực biên giới của Nga. Iskander-M là một trong những hệ thống tên lửa hiện đại nhất của Nga, có khả năng mang nhiều loại đầu đạn khác nhau, bao gồm cả đầu đạn hạt nhân. Hệ thống tên lửa này có khả năng cơ động cao, được dùng để xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa, khiến nó trở thành vũ khí rất hiệu quả.
Kinzhal
Kinzhal, có nghĩa là “Dao găm”, là tên lửa đạn đạo phóng từ trên không thế hệ mới của Nga. Tên lửa có thể di chuyển với tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh và rất khó bị đánh chặn. Nga sử dụng vũ khí này lần đầu tiên trong chiến đấu vào tháng 3/2022, chỉ vài tuần sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Sau đó, Moscow tiếp tục tấn công các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine bằng Kinzhal.
Tochka-U
Tochka-U là phiên bản cải tiến của tên lửa đạn đạo Tochka có tầm bắn tối đa 120 km. Loại vũ khí có từ thời Liên Xô này được thiết kế để tấn công các mục tiêu chiến thuật như trung tâm chỉ huy, sân bay và cơ sở hạ tầng của đối phương. Cả Nga và Ukraine đều có tên lửa này trong kho dự trữ và thường xuyên sử dụng để tập kích cứ điểm của nhau.
Bom lượn
Nga đã sử dụng một số lượng lớn các loại vũ khí phóng từ trên không tương đối rẻ, trong đó có bom lượn để tấn công quân đội đối phương trên tiền tuyến và các khu vực đô thị của Ukraine, chẳng hạn như Kharkov, gây ra thiệt hại đáng kể. Bom lượn là loại bom có từ thời Liên Xô, được lắp thêm cánh lái và hệ thống GPS để cải thiện tầm bắn cũng như độ chính xác.
Hệ thống tên lửa phòng không
Trụ cột của mạng lưới phòng không Nga là hệ thống đất đối không di động tầm xa S-400. Hệ thống có khả năng bắn hạ tên lửa và máy bay. Dù đưa vào sử dụng từ năm 2007 nhưng S-400 vẫn được coi là một trong những vũ khí phòng thủ hiệu quả nhất của Nga.
Ngoài S-400, Nga cũng sở hữu hệ thống phòng không S-500 vô cùng lợi hại. S-500 có tầm bắn xa hơn S-400, có thể đánh chặn tên lửa siêu thanh. Nga triển khai các hệ thống này theo từng lớp để đảm bảo chống lại các mối đe dọa.
Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)