Ngày 27/11, viết trên trang cá nhân, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho biết, đã đề cử trung tướng nghỉ hưu Keith Kellogg làm đặc phái viên về cuộc xung đột Nga- Ukraine, người sẽ dẫn dắt các cuộc đàm phán để chấm dứt cuộc chiến giữa hai cựu thành viên Liên Xô.
Cùng ngày, ông Kellogg xác nhận thông tin, bày tỏ vinh dự khi được tín nhiệm vào vị trí Trợ lí Tổng thống và Đặc phái viên về Ukraine và Nga.
Cựu tướng Kellogg cũng bày tỏ mong chờ được làm việc hết mình để mang lại hòa bình thông qua sức mạnh.
Tướng Kellogg (SN 1944), người từng là Chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng trong nhiệm kì Tổng thống đầu tiên của ông Trump (2017-2021) và có thời gian làm cố vấn an ninh cho Phó Tổng thống lúc bấy giờ Mike Pence.
Chính quyền Mỹ hiện tại không có vị trí đặc phái viên về cuộc xung đột Nga- Ukraine và Tổng thống đắc cử Trump đã bày tỏ sự quan tâm đến việc xác lập vị trí này.
Sớm chấm dứt chiến tranh Ukraine là một trong những cam kết trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump, mặc dù cho đến nay ông đã không đưa ra cách thức thực hiện mục tiêu này.
Ông Keith Kellogg. Ảnh: Andrew Harnik/ AP.
“Ông Keith đã có sự nghiệp quân sự và kinh doanh xuất sắc, bao gồm đảm nhiệm các vai trò an ninh quốc gia nhạy cảm trong chính quyền đầu tiên của tôi.”, ông Trump chia sẻ.
Trước đó vào tháng 6, ông Kellogg cùng với Fred Fleitz, người cũng từng là cựu Chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc của ông Trump, đã đưa ra kế hoạch chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
Kế hoạch bao gồm việc buộc cả Kyiv và Moscow phải ngồi vào bàn đàm phán, thúc đẩy lệnh ngừng bắn ngay từ đầu để tạm thời đóng băng xung đột, giữ nguyên các vị trí trên chiến tuyến trong khi các bên thương thảo.
Để bảo đảm cho điều này, Mỹ sẽ đưa ra điều kiện với Ukraine rằng, Kyiv sẽ chỉ nhận được thêm vũ khí từ Washington nếu tham gia đàm phán hòa bình.
Đồng thời, Mỹ sẽ cảnh báo Nga, một khi Moscow từ chối đàm phán sẽ dẫn đến việc Washington gia tăng hỗ trợ cho Ukraine. Ngoài ra, tư cách thành viên NATO của Ukraine sẽ tạm thời bị gác lại trong tương lai gần.
Trong khi, tại một cuộc thảo luận bàn tròn của Bloomberg vào tháng 7, Richard Grenell, quyền Giám đốc tình báo quốc gia (DNI) ở nhiệm kì đầu của ông Trump, người được cho cũng là ứng cử viên cho vị trí này, đã ủng hộ việc thành lập “khu tự trị” bên trong Ukraine như một biện pháp giải quyết xung đột.
Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Donald Trump và ông Keith Kellogg (bên phải), tại Palm Beach, Florida, ngày 20/2/2017. Ảnh: AP/Susan Walsh.
Một ý tưởng khác được đưa ra là cho phép Nga giữ lại lãnh thổ mà họ đang kiểm soát để đổi lấy việc Ukraine trở thành thành viên NATO.
Các nhà lãnh đạo phương Tây vốn lo ngại rằng, các điều kiện chấm dứt chiến tranh mà nhóm của ông Trump đưa ra có thể gây tổn hại lâu dài cho Ukraine, bao gồm cả việc gây sức ép buộc Kyiv nhượng bộ lãnh thổ, hoặc không cung cấp cho Ukraine các bảo đảm an ninh cần thiết trước tham vọng của Nga trong tương lai.
Tuy nhiên, các nguồn tin lưu ý, còn quá sớm để nói chiến lược chấm dứt chiến tranh ở Ukraine của nhóm ông Trump cuối cùng sẽ như thế nào.
Hồi đầu tháng 11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói rằng, Kyiv sẽ nỗ lực để cuộc chiến kết thúc vào năm tới, thông qua các biện pháp ngoại giao. Tuy nhiên ông Zelensky cũng chỉ trích ý tưởng thực hiện lệnh ngừng bắn mà không có sự đảm bảo an ninh trước tiên từ phương Tây.
Trước đó, phát biểu sau khi gặp ông Trump ở New York vào tháng 9, ông Zelensky cho biết, dĩ nhiên Kyiv muốn sớm kết thúc cuộc chiến, nhưng cần một kết thúc công bằng. Nếu quá trình ấy quá vội vàng có thể sẽ dẫn đến thua thiệt cho Ukraine.
Văn Phong/Reuters, Politico