Vòng đàm phán hạt nhân thứ 5 giữa Mỹ và Iran được tổ chức tại thủ đô Rome của Italia, gần 2 tuần sau khi hai bên kết thúc vòng đàm phán thứ 4 tại Muscat, Oman. Các cuộc thảo luận được dẫn dắt bởi Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff và Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi, dưới sự điều phối trung gian của Ngoại trưởng Oman Badr al-Busaidi.
Mặc dù cả Washington và Tehran đều công khai bày tỏ lập trường cứng rắn trước các cuộc đàm phán về hoạt động làm giàu uranium của Iran, song Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi trong một tuyên bố cho biết vẫn có tiềm năng đạt được tiến triển sau khi Oman đưa ra một số đề xuất trong các cuộc đàm phán.
Các thành viên phái đoàn Iran rời khỏi đại sứ quán Oman tại Italia, nơi diễn ra vòng đàm phán thứ năm với Mỹ. Ảnh: Reuters
"Chúng tôi vừa hoàn thành một trong những vòng đàm phán chuyên nghiệp nhất. Chúng tôi đã nêu rõ lập trường của Iran. Theo quan điểm của tôi, việc chúng tôi hiện đang đi đúng hướng chính là một dấu hiệu của sự tiến bộ", ông Araqchi phát biểu trên đài truyền hình nhà nước Iran hôm 23/5 (giờ địa phương).
Về phần mình, Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff cho biết: "Các cuộc đàm phán tiếp tục mang tính xây dựng, chúng tôi đã đạt được nhiều tiến triển hơn nữa, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Cả hai bên đã nhất trí sẽ gặp lại nhau trong tương lai gần. Chúng tôi biết ơn các đối tác Oman vì đã liên tục tạo điều kiện thuận lợi".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Oman al-Busaidi khẳng định cuộc thảo luận hôm qua có tiến triển, nhưng không đáng kể. Ngoại trưởng al-Busaidi hy vọng các bên sẽ làm rõ những vấn đề còn vướng mắc trong những ngày tới, mở đường cho khả năng đạt được mục tiêu chung là tiến tới một thỏa thuận bền vững và danh giá.
Hôm 20/5, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio khẳng định Washington đang nỗ lực đạt được một thỏa thuận cho phép Iran có chương trình năng lượng hạt nhân dân sự nhưng không được làm giàu uranium, đồng thời thừa nhận rằng điều này "sẽ không dễ dàng".
Tuy nhiên, Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, người có tiếng nói quyết định về các vấn đề nhà nước, đã bác bỏ yêu cầu ngừng tinh chế uranium là " quá đáng và vô lý ", cảnh báo rằng các cuộc đàm phán như vậy khó có thể mang lại kết quả.
Trên thực tế, Iran từng tuyên bố sẵn sàng chấp nhận một số giới hạn về làm giàu uranium, nhưng cần có sự đảm bảo chắc chắn rằng Washington sẽ không hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân trong tương lai.
An Nhiên