Tinh tinh kết hợp nhiều tiếng kêu khác nhau để truyền đạt các ý nghĩa phức tạp khi giao tiếp. (Nguồn: National Geographic)
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances ngày 9/5.
Theo đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu tiếng của loài tinh tinh tại Vườn Quốc gia Taï ở Côte d'Ivoire và phát hiện ra rằng, tinh tinh ở đây kết hợp những tiếng kêu khác nhau như những mảnh ghép ngôn ngữ để truyền đạt những ý nghĩa phức tạp khi giao tiếp.
Tinh tinh có thể kết hợp và sắp xếp linh hoạt các cặp âm thanh để truyền đạt các ý tưởng hoặc ý nghĩa khác nhau, một khả năng mà các nhà nghiên cứu chưa từng ghi nhận ở động vật không phải con người. Hệ thống này có thể đại diện cho bước chuyển tiếp quan trọng trong quá trình tiến hóa giữa chiến lược giao tiếp bằng giọng nói của động vật và các quy tắc cú pháp cấu trúc ngôn ngữ của con người.
Nhà sinh học tiến hóa tại CNRS ở Lyon (Pháp) Cédric Girard-Buttoz cho biết: "Sự khác biệt giữa ngôn ngữ con người và cách động vật khác giao tiếp thực sự nằm ở cách chúng ta kết hợp âm thanh để tạo thành từ và cách chúng ta kết hợp từ để tạo thành câu".
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã ghi âm 53 tinh tinh trưởng thành sống trong rừng Taï vào năm 2019 và 2020.
Tổng cộng, nhóm đã phân tích hơn 4.300 âm thanh và mô tả 16 "bigram" khác nhau - các chuỗi ngắn gồm hai âm thanh, như tiếng gầm gừ theo sau là tiếng "sủa", hoặc tiếng thở hổn hển "hu-hu" theo sau là tiếng hét. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phân tích thống kê để ánh xạ các bigram này với hành vi để tiết lộ một số ý nghĩa của chúng.
Girard-Buttoz nói rằng, hiện nhóm của ông đang cố gắng tìm hiểu xem liệu tinh tinh có sắp xếp các tiếng kêu theo cấu trúc giống câu hay không, ví dụ như chủ ngữ trước, rồi đến động từ. Họ cũng quan tâm đến việc liệu những con vật này có đang nhúng các bigram vào các chuỗi dài hơn gồm ba hoặc bốn âm thanh hay không.
An Bảo