Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. (Ảnh: Reuters)
Những văn bản - được trao đổi trong cuộc đàm phán ngày 17/4 giữa Mỹ, châu Âu và Ukraine tại Pháp, cũng như cuộc đàm phán ngày 23/4 tại Anh - đã cho thấy hoạt động ngoại giao con thoi tích cực khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột.
Những điểm khác biệt chính trong hai văn bản liên quan đến vấn đề lãnh thổ, việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga, đảm bảo an ninh và quy mô quân đội Ukraine.
Văn bản đầu tiên ngày 17/4 ghi rõ “các điều khoản này là đề nghị cuối cùng từ Mỹ cho cả hai bên”. Văn bản gồm các đề xuất do đặc phái viên của tổng thống Mỹ Steve Witkoff đưa ra cho các quan chức châu Âu tại Paris, và đã được chuyển cho phía Ukraine, theo các nguồn tin thạo tin.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio mô tả, các đề xuất này là “phần khung mở rộng” để xác định những khác biệt giữa các bên. Phó Tổng thống Mỹ JD Vance sau đó cho biết, Washington đã đưa ra một đề xuất rõ ràng, và đã đến lúc các bên phải đồng ý hoặc Mỹ sẽ từ bỏ các nỗ lực hòa bình của mình.
Văn bản thứ hai ngày 23/4 được đưa ra trong cuộc đàm phán giữa các quan chức Ukraine và châu Âu tại Anh, sau đó được chuyển cho Mỹ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 24/4 cho biết, ông tin rằng văn bản này đã nằm trên bàn làm việc của ông Trump.
Ngày 25/4, đặc phái phiên Witkoff của Mỹ đã đến Mátxcơva để đàm phán và gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Những bất đồng
Về lãnh thổ, các đề xuất của ông Witkoff kêu gọi Mỹ công nhận hợp pháp quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea, bán đảo đã sáp nhập Nga vào năm 2014, đồng thời công nhận quyền kiểm soát trên thực tế của Nga đối với các khu vực ở miền nam và miền đông Ukraine mà lực lượng Mátxcơva kiểm soát.
Đáp lại, tài liệu của châu Âu và Ukraine yêu cầu hoãn thảo luận chi tiết về lãnh thổ cho đến khi lệnh ngừng bắn được ký kết, không đề cập đến việc công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với bất kỳ vùng lãnh thổ nào mà Ukraine tuyên bố chủ quyền.
Về an ninh lâu dài của Ukraine, đề xuất của ông Witkoff nêu rõ, Ukraine sẽ nhận được "sự bảo đảm an ninh vững chắc" từ các quốc gia châu Âu và các quốc gia thân thiện khác. Tài liệu không nêu thêm chi tiết về vấn đề này, nhưng khẳng định Kiev sẽ không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Văn bản hồi đáp của Kiev đề nghị không áp đặt giới hạn nào đối với lực lượng Ukraine, và không có hạn chế nào đối với các đồng minh đóng quân trên lãnh thổ Ukraine. Điều khoản này có khả năng khiến Mátxcơva khó chịu.
Kiev đề xuất các đảm bảo an ninh mạnh mẽ cho Ukraine, bao gồm cả từ Mỹ, với hình thức "thỏa thuận giống Điều 5", ám chỉ điều khoản phòng thủ chung của NATO.
Về biện pháp kinh tế, đề xuất của ông Witkoff nêu rằng, các lệnh trừng phạt áp dụng với Nga kể từ khi nước này sáp nhập Crimea năm 2014 sẽ được gỡ bỏ.
Trong khi đó, Ukraine đề xuất "các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp dụng đối với Nga kể từ năm 2014 có thể được nới lỏng dần sau khi đạt được hòa bình bền vững", và chúng có thể được khôi phục nếu Nga vi phạm các điều khoản của thỏa thuận hòa bình.
Văn bản của châu Âu và Ukraine cũng đề xuất, Kiev sẽ nhận được khoản bồi thường cho thiệt hại chiến tranh từ các tài sản của Nga ở nước ngoài. Văn bản của ông Witkoff chỉ nêu rằng, Ukraine sẽ được bồi thường tài chính, mà không nêu rõ nguồn gốc của số tiền đó.
Cả Kiev và Mátxcơva đều cố gắng cho ông Trump thấy rằng họ đang tiến tới mục tiêu đạt được thỏa thuận hòa bình nhanh chóng, sau khi Mỹ đe dọa từ bỏ nỗ lực trung gian của mình.
Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết hôm 24/4 rằng các cuộc đàm phán ở London không hề dễ dàng nhưng "mang tính xây dựng".
Trong khi đó, Điện Kremlin ca ngợi các cuộc đàm phán "rất hữu ích" giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff, tại Mátxcơva hôm 25/4.
Cuộc họp kéo dài ba giờ "rất hữu ích", giúp đưa "lập trường của Nga và Mỹ xích lại gần nhau hơn không chỉ về Ukraine mà còn về một số vấn đề quốc tế khác".
Minh Hạnh
Theo Reuters