Chi tiết quan trọng trong thỏa thuận
Theo hãng tin Reuters, thỏa thuận do Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko ký kết tại Washington.
Bộ Tài chính Mỹ đăng tải bức ảnh ghi lại khoảnh khắc hai quan chức này đặt bút ký cùng lời bình luận thỏa thuận - đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy cam kết của chính quyền Tổng thống Trump đối với một Ukraine tự do, chủ quyền và thịnh vượng.
Hình ảnh Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko đặt bút ký thỏa thuận (Ảnh: BBC).
Còn từ phía Ukraine, thông báo về thỏa thuận này, Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko cho hay: "Tôi biết ơn tất cả những người đã làm việc để hoàn tất thỏa thuận và nâng cao ý nghĩa văn kiện này. Giờ đây, thỏa thuận có thể đảm bảo thành công cho cả hai quốc gia - Ukraine và Mỹ".
Nêu nội dung cụ thể, bà Svyrydenko cho biết, với thỏa thuận trên, Washington sẽ đóng góp trực tiếp vào quỹ tái thiết và có thể cung cấp hỗ trợ mới như hệ thống phòng không cho Ukraine.
Được biết, Ukraine là quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên trong đó có nhiều loại đất hiếm cần để sản xuất các thiết bị điện tử, xe điện, các thiết bị quân sự cùng nhiều thiết bị khác. Ukraine còn có trữ lượng lớn sắt, uranium và khí thiên nhiên.
Về việc khai thác khoáng sản, Ukraine sẽ quyết định loại khoáng sản và nơi sẽ khai thác nhưng nước này sẽ giữ quyền kiểm soát hoàn toàn đối với tài nguyên dưới lòng đất, cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên.
Theo bà Svyrydenko, văn kiện mới nhất phù hợp với Hiến pháp của Ukraine và chiến lược gia nhập Liên minh châu Âu của Ukraine.
Ngoài ra, theo nữ Phó Thủ tướng Ukraine, trong thỏa thuận này, Ukraine không có trách nhiệm phải trả nợ Mỹ. Đây là điểm mấu chốt quan trọng trong suốt các cuộc đàm phán dài giữa hai nước.
Trong thông báo khi công bố thỏa thuận, Bộ Tài chính Mỹ chỉ cho biết văn kiện này ghi nhận sự hỗ trợ tài chính và vật chất đáng kể mà người dân Mỹ đã cung cấp để bảo vệ Ukraine.
Khép lại nhiều tháng đàm phán gay cấn
Việc ký kết thỏa thuận khoáng sản diễn ra sau nhiều tháng đàm phán, đôi khi căng thẳng cao độ.
Ban đầu, Mỹ và Ukraine dự kiến ký kết thỏa thuận vào cuối tháng 2, nhưng kế hoạch đổ vỡ sau cuộc tranh cãi căng thẳng và công khai tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cuối cùng ông Zelensky phải cắt ngắn chuyến thăm Mỹ, quay về nước.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump tranh cãi gay gắt tại Phòng Bầu dục (Ảnh: US News).
Trước đó, Thủ tướng Denys Shmyhal cho biết chính phủ Ukraine đã phê duyệt thỏa thuận này.
"Nhờ thỏa thuận, chúng ta sẽ có thể thu hút nguồn lực lớn cho công cuộc tái thiết, bắt đầu quá trình tăng trưởng kinh tế và nhận được công nghệ tiên tiến từ các đối tác cũng như nhà đầu tư chiến lược đến từ Mỹ", ông Shmyhal nói.
Quỹ Đầu tư Tái thiết sẽ được Kiev và Washington đồng quản lý trong quan hệ đối tác bình đẳng với sự đóng góp từ cả hai phía. Theo ông Shmyhal, viện trợ quân sự trong tương lai từ phía Mỹ có thể được tính là một phần đóng góp vào quỹ, nhưng các khoản viện trợ trước đó sẽ không được tính.
Thỏa thuận khung sau khi ký sẽ được trình lên Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) để phê chuẩn.
Theo Viện Kiel ở Đức, kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Washington là nhà tài trợ quân sự lớn nhất cho Kiev với số tiền viện trợ hơn 64 tỷ euro (72 tỷ đô la).
Trang Trần