Ngày 17/4, tin từ UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, Sở Xây dựng tỉnh đã thông tin về phương án kỹ thuật cho dự án cầu Cát Lái. Công trình được kỳ vọng thay thế phà Cát Lái hiện hữu, giải quyết điểm nghẽn giao thông và mở ra động lực phát triển mới cho cả khu vực phía Nam.
Theo phương án, cầu Cát Lái có tổng chiều dài toàn tuyến (gồm cả phần đường và cầu) khoảng 11,37km. Trong đó, riêng phần cầu dài hơn 3km, được thiết kế theo tiêu chuẩn hiện đại với vận tốc khai thác lên đến 80km/h.
Phà Cát Lái kết nối Tp.HCM - Đồng Nai.
Mặt cắt ngang cầu gồm 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu lưu thông ngày càng tăng cao giữa hai địa phương năng động bậc nhất cả nước.
Vị trí cầu bắt đầu từ đường Nguyễn Thị Định (Tp.HCM), cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 400m, và kết thúc tại điểm kết nối với cao tốc Bến Lức – Long Thành (tỉnh Đồng Nai).
Thiết kế cầu dây văng hiện đại với bề rộng 33,5m, cầu dẫn quy mô 30m, đảm bảo tĩnh không hàng hải theo chiều ngang ≥ 235m và chiều cao ≥ 55m – đủ điều kiện cho tàu thuyền trọng tải lớn lưu thông an toàn.
Tổng mức đầu tư của dự án ước tính khoảng 19.391 tỷ đồng. Trong đó, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã đề xuất mô hình đầu tư kết hợp giữa vốn đầu tư công và vốn xã hội hóa, theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Cụ thể, nguồn vốn đầu tư công sẽ được sử dụng để giải phóng mặt bằng và xây dựng tuyến đường nối từ sau trạm thu phí đến cuối tuyến (khoảng 10.357 tỷ đồng).
Riêng phần cầu chính sẽ được thực hiện theo hợp đồng BOT, với tổng kinh phí hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm 49% (khoảng 4.427 tỷ đồng) và nhà đầu tư huy động 51% còn lại (khoảng 4.600 tỷ đồng).
Dự án được chia thành 4 hợp phần chính: giải phóng mặt bằng phía Tp.HCM (3.611 tỷ đồng), phía tỉnh Đồng Nai (2.967 tỷ đồng), xây dựng cầu Cát Lái (hơn 9.000 tỷ đồng), và tuyến đường nối sau trạm thu phí (3.779 tỷ đồng).
Việc chia nhỏ thành các hợp phần không chỉ giúp quản lý tiến độ hiệu quả mà còn tạo thuận lợi trong thu hút nguồn vốn và tổ chức thi công.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án cầu thay thế phà Cát Lái theo mô hình PPP.
Cầu Cát Lái không chỉ là lời giải cho bài toán ùn tắc giao thông kéo dài ở khu vực bến phà Cát Lái – vốn đã quá tải nhiều năm nay – mà còn mở ra trục kết nối chiến lược giữa Tp.HCM, tỉnh Đồng Nai và vùng Đông Nam bộ.
Khi hoàn thành, công trình sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, giảm thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách, thúc đẩy sự phát triển các khu công nghiệp, đô thị vệ tinh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đoàn Vũ